> Hỗn chiến dưới đáy biển giành 'cổ vật 500 năm'
Lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông đường thủy tạm giữ chiếc ghe thúng khai thác cổ vật trái phép vào tối 17-9. Ảnh: Trí Tín (VnExpress). |
21h ngày 17-9, cảnh sát giao thông đường thủy Quảng Ngãi phát hiện một số ngư dân đi trên ghe thúng trang bị ống hút, dây lặn hơi, máy nổ, móc sắt... được cho là lợi dụng đêm tối chuẩn bị trục vớt cổ vật tại, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Bị bắt quả tang, các ngư dân nhảy xuống nước bơi sang tàu cá neo đậu cạnh đó để ẩn núp. Cơ quan chức năng đã đưa ghe thúng vào bờ lập biên bản tạm giữ.
Một giờ sau, lực lượng biên phòng tiếp tục phát hiện nhiều ngư dân đi trên tàu cá lượn sát vùng cấm để đưa thợ lặn vào trục vớt cổ vật. Cuộc truy đuổi kéo dài hơn một tiếng, song tàu cá này đã mất hút sau màn đêm dày đặc.
Nhiều ngư dân cho hay, đã tạm nghỉ ra khơi để ở nhà vay mượn tiền mua dây hơi, ống hút cát, máy bơm... chờ đêm đến đi lặn cổ vật với hy vọng đổi đời. Không ít người "dở khóc, dở mếu" chưa kịp đến nơi con tàu đắm thì bị cơ quan chức năng phát hiện nên vội bỏ chạy, vứt hết trang thiết bị mới mua sắm trị giá hàng chục triệu đồng xuống biển để "phi tang".
Trung tá Huỳnh Công Minh, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết, trong tình huống thời tiết xấu, gió to sóng lớn nguy hiểm, ca nô của biên phòng, công an không thể bám trụ tuần tra trên biển. Tàu công suất lớn của Hải đội thì không vào được gần bờ vì dễ mắc cạn.
"Lo nhất là khi thời tiết nguy hiểm, lực lượng biên phòng rút về là ngư dân đổ xô đi lặn, khả năng trong thời gian ngắn sẽ hết cổ vật. Mấy đêm qua anh em cũng phờ phạc vì mất ngủ để bảo vệ, truy bắt các tàu cá của ngư dân trục vớt cổ vật trái phép", trung tá Minh lo lắng.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ngãi tịch thu ống hút cát dùng khai thác cổ vật trái phép. Ảnh: Trí Tín (VnExpress). |
Theo trung tá Minh, hơn một tuần qua, lực lượng tuần tra biên phòng và công an đã tạm giữ 6 phương tiện, số còn lại chủ yếu là xua đuổi ra khỏi khu vực biển đã khoanh vùng bảo vệ.
Trong những trường hợp tạm giữ phương tiện, cơ quan chức năng xử phạt hành chính từ 2 đến 3 triệu đồng, nhắc nhở, sau đó hoàn trả lại phương tiện cho bà con về làm ăn.
Thống kê của UBND xã Bình Châu, toàn thôn Châu Thuận Biển có khoảng 300 hộ dân với hơn 500 lao động hành nghề lặn. Ông Võ Tấn Miên, Trưởng thôn Châu Thuận Biển bộc bạch: "Làng chài có hàng trăm ngư dân hành nghề lặn, mọi ngõ ngách dưới vùng biển gần bờ họ đều thông thạo. Giờ phát hiện kho cổ vật quí nằm quá gần bờ chẳng khác nào như 'mỡ treo miệng mèo'".
Trước tình hình ngư dân đổ xô trục vớt cổ vật diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng Quảng Ngãi đã cho lắp hai trụ đèn (mỗi bóng đèn có công suất 1.000W) ngay trên bãi biển Châu Thuận Biển; đồng thời điều động ca nô chuyên dụng neo đậu ngay vị trí tàu đắm có chứa kho cổ vật.
Thế nhưng, nhiều ngư dân lại nghĩ cách neo đậu tàu từ xa hoặc ngụy trang bằng ghe thúng, sau đó đưa ống hút nối dài thổi cát, ngậm dây hơi lặn vào vùng cấm khai thác cổ vật.
Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu cho hay, mùa mưa bão đã về, tiết trời biển động liên tục xảy ra. "Tỉnh cần có cơ chế khai quật sớm con tàu chứa cổ vật. Nếu để kéo dài sẽ gây mất an ninh trật tự địa phương mà không bảo toàn được nguyên vẹn con tàu chứa kho cổ vật", vị bí thư xã nói.
Sáng nay, 17 tổ chức, cá nhân đã đăng ký đấu thầu khai quật cổ vật trong con tàu cổ chìm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển. Hội đồng xét chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thăm dò, khai quật, trục vớt di sản văn hóa dưới nước để phân loại, chọn một doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đang phối hợp với các chuyên gia khảo cổ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng phương án khảo sát, khai quật. Sau đó trình tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt; đồng thời thông qua Bộ này tiến hành khảo sát trong vòng một tuần thì mới tổ chức khai quật cổ vật.
Theo Trí Tín
VnExpress