> Lốc xoáy làm chết người, sập hàng trăm ngôi nhà
Mất mát
Thông tin mới nhất từ huyện Thạnh Trị cho biết, lại một nạn nhân tử vong là ông Quách Suôl (88 tuổi, ngụ ấp 3, thị trấn Phú Lộc). Ông Suôl bị thương nặng sáng 1-8, được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nhưng không qua khỏi, do viết thương quá nặng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị cho biết, chỉ trong ba ngày, người dân ở huyện này hứng chịu hai cơn lốc lớn, thiệt hại nặng nề.
Trước đó, ngày 30-7, một cơn lốc lớn đi qua thị trấn Phú Lộc và các xã Vĩnh Thành, Lâm Tân làm 42 căn nhà bị hư hỏng, trong đó sập hoàn toàn 17 căn, bị thương hai người.
Vừa mới khắc phục xong, ngày 1-8, người dân những nơi trên lại tiếp tục hứng chịu cơn lốc thứ hai, hậu quả nặng nề hơn. Toàn huyện Thạnh Trị có 216 căn nhà bị hư hỏng, trong đó thiệt hại hoàn toàn gần 70 căn, hai người chết là anh Tiêu Thanh Sang (33 tuổi) và ông Quách Suôl, 44 người bị thương.
Tổng cộng hai đợt, huyện Thạnh Trị có gần 260 căn nhà bị hư hỏng, sập hoàn toàn gần 90 căn (thị trấn Phú Lộc bị nặng nhất với 204 căn nhà hư hỏng, 72 nhà bị sập hoàn toàn, hai người chết).
Còn tại xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên), Chủ tịch UBND xã Phạm Thanh Bình cho biết, toàn xã có 184 nhà bị hư hỏng, trong đó 39 căn bị sập hoàn toàn, 15 người bị thương.
Ông Phạm Văn Toàn, Bí thư huyện ủy Mỹ Xuyên, cho biết thêm: Huyện hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi hộ có nhà bị sập hoàn toàn hai triệu đồng; nhà bị thiệt hại trên 50% hỗ trợ một triệu đồng; nhà thiệt hại dưới 50% hỗ trợ 500.000 đồng; người bị thương hỗ trợ 500.000 đồng/người.
Huyện Thạnh Trị hỗ trợ mỗi người tử vong 4,5 triệu đồng; 12 người bị thương nặng mỗi người 1,5 triệu đồng; người bị thương nhẹ 500.000 đồng/người.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, huyện đã điều động lực lượng dân quân tự vệ, công an xã ở những nơi bị thiệt hại và các địa phương khác trong huyện ứng cứu, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Tình người ở lại
Có mặt tại vùng bị thiệt hại, chúng tôi ghi nhận tinh thần tương thân, tương ái của bà con địa phương thật sâu đậm. Tại ấp Phú Giao (xã Thạnh Quới), nhà của ông Nguyễn Văn Thôi bị lốc cuốn sạch, đã được bà con chung tay thu dọn những đống đổ nát để chuẩn bị dựng lại nhà trên nền cũ.
Một người con của ông Thôi nói: “Lốc dữ quá, nhà em lợp tôn vừa dài vừa dày nhưng lốc cuốn bay mất, không biết ở chỗ nào. Hôm qua đến nay, bà con xúm vào giúp đỡ nên gia đình cũng thấy ấm lòng”.
Dưới cơn mưa tầm tã, nhiều người vẫn đội mưa giúp gia đình thu dọn “chiến trường” là một hình ảnh đẹp về tình nghĩa xóm làng của người dân nơi đây.
Ở một số nhà khác, mọi người chung nhau vác cây, tìm tôn dựng nhà tạm. Bữa cơm ăn vội chan đầy nước mưa vẫn không ngăn được tinh thần của bà con.
Tại nhà ông Quách Suôl, bà con trong xóm đến rất đông xúm tay vào lo hậu sự cho ông chu đáo. Người lo dựng rạp, người lo lấy gạch vỡ lót sân cho khỏi bùn lầy, người che chắn tấm bạt lớn trên nền nhà cũ bị gió thổi mất...
Tình người sau hoạn nạn thật đáng quý. |
Nhà ông Huỳnh Sang chỉ có hai vợ chồng già, lốc ập vào làm nhà ông bà sập hoàn toàn, đồ đạc cũng bị mất nhiều. Ông bà đều bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và huyện…
Cả thị trấn Phú Lộc sôi động bởi tiếng chặt cây, đẽo cột, cắt tôn và tiếng người ồn ã động viên nhau vượt qua khó khăn. Hầu như nhà nào bị thiệt hại đều có bà con và lực lượng ứng cứu đến giúp đỡ khắc phục hậu quả của lốc dữ.
Trời Thạnh Trị vẫn mưa kèm theo cái lạnh se sắt nhưng không cản được tấm lòng người dân ở nơi đây đến với nhau. Nhiều người bỏ công an việc làm của mình đến hỗ trợ bà con với tinh thần “thương người như thể thương thân”.
Cơn lốc dữ đã đi qua, chỉ còn tình người ở lại…
Tập trung tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả lốc xoáy Sáng 2-8, Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong hai ngày 31-7 và 1-8, mưa to, lốc xoáy tại các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ làm chết hai người (Sóc Trăng một người và Bạc Liêu một người), 63 người bị thương. Lốc xoáy cũng làm sập và tốc mái hơn 750 căn nhà (sập 212, tốc mái gần 540), gãy sáu cột điện cao thế, thiệt hại ước tính khoảng 4,3 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang từng bước khắc phục hậu quả. Trong khi đó, lúc 2h30 ngày 1-8, một tàu cá của Kiên Giang là KG 92341TS cùng ba lao động bị chìm, ở vị trí cách Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 12 hải lý về phía tây bắc. Hiện hai ngư dân đã được cứu vớt, một người đang mất tích. Văn phòng Ủy Ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải; Biên phòng các tỉnh gần khu vực tàu bị nạn thông báo cho các phương tiện đang hoạt động gần đó tham gia tìm kiếm, đồng thời sử dụng lực lượng, phương tiện của đơn vị tổ chức tìm kiếm người mất tích; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Kiên Giang triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động. Ngoài ra do ảnh hưởng của rìa xa phía tây nam cơn bão Sao La đang hoạt động trên khu vực phía Đông đảo Đài Loan nên phía đông bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6- 7, giật cấp 8, biển động mạnh. |