Không sửa luật, bỏ phiếu tín nhiệm khó khả thi

Chất vấn, hoạt động bình thường trong các kỳ họp Quốc hội Ảnh: H. Vĩnh
Chất vấn, hoạt động bình thường trong các kỳ họp Quốc hội Ảnh: H. Vĩnh
TP - Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tờ trình về đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo đó, hằng năm, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

> Bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng hằng năm?

Người không đủ phiếu tín nhiệm 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét miễn nhiệm hoặc từ chức. Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nói: “Không sửa luật, bỏ phiếu tín nhiệm khó khả thi”.

Không sửa luật, bỏ phiếu tín nhiệm khó khả thi ảnh 1

Thưa ông, vì sao khó khả thi?

11 năm qua không thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm. Vì chưa bao giờ 20% đại biểu Quốc hội lại cùng có ý kiến đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một thành viên nào của Chính phủ và Quốc hội.

Cũng như chưa lần nào, Hội đồng Dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Vì thế không có cơ sở để Ủy ban Thường vụ trình ra Quốc hội xem xét.

Đấy là điều dễ hiểu, chưa có vị lãnh đạo nào phải đối diện với “cửa ải” này. Tôi nhớ chuyện vị Chánh án TAND tối cao khi trả lời chất vấn, không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị trình ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với vị Chánh án này.

Nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến băn khoăn. Nếu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm mà không đạt trên 50% thì không đủ tín nhiệm, phải thôi chức. Tuy nhiên, việc quản lý cán bộ ở cấp này lại thuộc quyền của Bộ Chính trị

Công tác nhân sự không phải toàn quyền của QH mà còn thuộc quản lý của Đảng. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm không đạt trên 50% thì QH cũng không có quyền bãi nhiệm mà các cơ quan Đảng phải có ý kiến.

Mặt khác, về mặt tâm lý, nhất là tâm lý người Việt Nam rất ngại đề xuất, phán xét, đánh giá về một cá nhân nào đó.

Theo ông, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên tiến hành hằng năm hay chỉ khi “có vấn đề”?

Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Dùng cụm từ “bỏ phiếu tín nhiệm” để vừa mức, tránh căng thẳng thôi. Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm vừa được Nghị quyết T.Ư 4 đặt vấn đề là phải tiến hành hằng năm.

Tôi hoan nghênh, tán thành điều này, nhưng theo tôi nên dùng cụm từ bỏ phiếu “bất tín nhiệm” cho đúng bản chất.

Theo tôi đây chỉ là vấn đề ngôn từ, nó mang tính kỹ thuật, nhưng giữa hai cụm từ bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm lại dẫn đến những nội dung khác nhau. Nếu là bỏ phiếu bất tín nhiệm thì không phải là tiến hành hằng năm nữa mà chỉ bỏ phiếu khi có vấn đề.

Thế nào là “có vấn đề”, thưa ông?

Không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín, để xảy ra sai phạm, dư luận nhân dân và công luận lên tiếng cho rằng “có vấn đề” thì phải tiến hành bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu diễn ra trong các kỳ họp của QH.

Tôi cho rằng, ngay từ lần bỏ phiếu đầu tiên, nếu dưới 50% phiếu tín nhiệm là uy tín của người đó không còn nữa thì nên tiến hành các thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm mà không cần đợi đến lần thứ hai.

Thực tế, có những người trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội làm việc tận tụy với nhiệm vụ, không để xảy ra sự cố gì thì cần gì phải bỏ phiếu đối với họ?

Chất vấn, hoạt động bình thường trong các kỳ họp Quốc hội Ảnh: H. Vĩnh
Chất vấn, hoạt động bình thường trong các kỳ họp Quốc hội. Ảnh: H. Vĩnh.

Như vậy, theo ông, không nhất thiết và sẽ rất khó bỏ phiếu hằng năm với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn?

Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2001 quy định bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án tòa tối cao, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội...

Như vậy, ít nhất sẽ có hàng trăm người thuộc phạm vi điều chỉnh khi bỏ phiếu tín nhiệm theo đề án này. Nó quá rộng và chắc là sẽ không thể làm được.

Nếu chỉ chọn những người chủ chốt để bỏ phiếu tín nhiệm như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội thì phải làm rõ vì sao lại như thế? Còn những người khác như Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội mà “có vấn đề” thì có cần bỏ phiếu không?

Thứ nữa, khi bỏ phiếu tín nhiệm thì những người bỏ phiếu phải có đủ thông tin. Cần phải dành thời gian thỏa đáng cho công việc quan trọng này vì liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, không thể làm qua loa được.

Tôi hình dung nếu làm đúng quy trình, thì việc bỏ phiếu này phải mất gần một tháng.

Lần này Ủy ban Thường vụ QH đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm với các chức danh QH bầu và phê chuẩn, nhưng theo ông rất khó khả thi khi điều 12 của Luật tổ chức QH vẫn là một “rào cản”?

Theo tôi, luật quy định như vậy rất khó để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp, vẫn còn “rào cản”. Tôi cho rằng phải sửa luật thì mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm được.

Sửa như thế nào thì trước hết phải thống nhất về chủ trương sửa. Phải có một quy trình về sự phối hợp giữa sự gắn kết chặt chẽ giữa Quốc hội và Đảng trong việc triển khai việc bỏ phiếu tín nhiệm, cũng như việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, đảm bảo kết quả đưa ra được thống nhất.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định rõ trong Hiến pháp và thực thi điều này hoàn toàn có lợi cho đất nước, nhưng 11 năm qua vẫn chưa làm được. Ông thấy có trách nhiệm mình trong đó?

Việc bỏ phiếu tín nhiệm có lợi cho dân cho nước, đã được quy định trong Hiến pháp nhưng 11 năm qua vẫn chưa thực hiện được thì QH các khóa 11,12 cũng phải xem lại trách nhiệm của mình.

Hồi còn đương chức ở QH, tôi cũng băn khoăn, trăn trở nhiều với điều 12, nhưng tôi chỉ là thiểu số. Thực tế, QH chưa thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm, tôi không vui và cũng thấy mình có phần trách nhiệm.

Thời điểm đó, có một vài Bộ trưởng “có vấn đề” nhưng cũng không đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm được. Tôi cho rằng phải xem việc bỏ phiếu tín nhiệm là một việc rất bình thường của sinh hoạt QH.

Nếu ông là Bộ trưởng, bị QH đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, ông cảm thấy thế nào?

Tôi sẽ buồn, lo lắng, mất ăn mất ngủ. Tôi sẽ nghiên cứu giải trình một cách thấu đáo trước QH về trách nhiệm của mình. Đó mới là cuộc sống, đó mới là dân chủ, đó mới là QH. Quan trọng nhất là phải đi vào bản chất của vấn đề, mình sai thì phải nhận và nghiêm túc sửa chữa. Phải thấy rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm không phải để cách chức ai đó mà mục đích cuối cùng là để những người nắm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn phải có tinh thần trách nhiệm hơn để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Cảm ơn ông.

Vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001 và sau đó thông qua Luật tổ chức QH, thể hiện cụ thể việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện như thế nào.

Nhưng 11 năm qua rồi, việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn không thực hiện được, vì sao? Theo tôi, vì điều 12 của Luật tổ chức QH quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội, hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội”. Hai điều kiện này trên thực tế rất khó khả thi.

Phùng Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG