> Tuần sau phóng vệ tinh Vinasat-2
Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, theo kế hoạch, vệ tinh VINASAT-2 sẽ phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 từ bãi phóng Kouru (Guyana -Nam Mỹ), nơi đã phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 (ngày 19-4-2008).
Đồng hành với vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam trong lần phóng này, có vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản.
Theo ông Đức, đến thời điểm này, mọi công đoạn chuẩn bị cho việc phóng VINASAT-2 trong nước cũng đã hoàn thành.
Hiện, toàn bộ hệ thống thiết bị tại Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) đã hoàn thành lắp đặt và sẵn sàng để tiếp nhận việc điều khiển vệ tinh.
VNPT đã ký với Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng Cty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) khoản bảo hiểm cho vệ tinh VINASAT-2, có tổng trị giá tới 4.700 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo VNPT, trước đây, khi chưa có vệ tinh, Việt Nam cũng phải thuê vệ tinh của nước ngoài mỗi năm mất 10-15 triệu USD.
Hiện 90% dung lượng VINASAT-1 đã được sử dụng và đang đảm bảo cung cấp các dịch vụ chất lượng tốt cho truyền hình, truyền dữ liệu, truyền dẫn, thoại và internet…
Doanh thu từ VINASAT-1, khoảng 10 triệu USD/năm. Nhiều hoạt động về công ích, phát triển KT-XH, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phòng chống bão lụt, thiên tai và an ninh quốc phòng của đất nước đều dùng qua thiết bị vệ tinh.
Vệ tinh VINASAT-2 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm.
Với 30 bộ phát đáp 36 MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), VINASAT-2 có khả năng phủ sóng Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar.
Dung lượng truyền dẫn của VINASAT- 2 tương đương 13.000 kênh thoại/internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.