Đá lăn do phá núi mở đường?

Đá lăn do phá núi mở đường?
Khoảng 8h sáng 5-5, khi một ôtô tám chỗ chở người hành hương từ núi Cấm (An Giang) trở xuống thì bất ngờ bị nhiều tảng đá lớn tuôn xuống đè chiếc xe bẹp dúm làm sáu người chết, hai người bị thương.

> Đá núi rơi vào ô tô, sáu người chết

Hiện trường chiếc xe khách bị bẹp dúm do tảng đá rơi trúng ở núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Đức Vịnh
Hiện trường chiếc xe khách bị bẹp dúm do tảng đá rơi trúng ở núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Đức Vịnh.
 

Nguyên nhân đá lở có thể do nổ mìn làm đường

Chiếc xe trên của Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang đang đi qua tuyến đường trên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên).

Một số người dân có mặt ở hiện trường cho biết vào thời điểm trên bỗng nhiên họ nghe tiếng nổ lớn kèm những tiếng động ầm ầm.

Liền theo đó là nhiều tảng đá tuôn đổ rầm rầm xuống mặt đường đè ôtô bẹp dúm, rồi hất văng nó ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn. “May mà mấy ôtô, xe máy khác thắng kịp thời...” - một người dân cho biết.

Ông Tống Văn An, người sớm tham gia việc cứu nạn, kể khi ông xông vào cứu thấy mọi người bị đè kẹt cứng trong xe, máu me đầm đìa, thân thể nhiều người nát bấy, đứt từng khúc. Năm người gồm cả tài xế tử vong tại chỗ, ba người khác bị thương được đưa đi cấp cứu, sau đó thêm một người tử vong tại bệnh viện.

Ra đi để lại vợ trẻ con thơ

Suốt buổi sáng, bà Trần Thị Thu ngồi ôm mặt nức nở cạnh thi thể con rể là Võ Hoài Phương. Bà Thu cho hay nhóm của bà gồm 13 người, phần lớn là bà con thân thuộc ngụ ở xã Bàng Long, huyện Châu Thành (Tiền Giang).

Tất cả đều là nông dân nghèo, một số người quanh năm làm thuê mướn, cứ vào dịp rằm trong mùa lễ hội vía Bà họ thường đến An Giang hành hương. Ngày 4-5, nhóm thuê xe 15 chỗ đến thị xã Châu Đốc cúng chùa Bà rồi nghỉ lại ở đó, sáng 5-5 tiếp tục hành trình lên núi Cấm lễ bái.

Ông Nguyễn Văn Đủ, một trong hai nạn nhân may mắn sống sót đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc, kể khi đến chân núi chỉ có bảy người trong đoàn đi xe của Công ty Phát triển du lịch An Giang lên đỉnh núi cúng chùa. Khi trở xuống, xe đang chạy chợt nghe tiếng động cực lớn như bom nổ, tỉnh dậy ông thấy mình nằm trong bệnh viện. Khi hay tin năm người trong nhóm đã chết, ông Đủ nghẹn ngào: “Trời ơi, thằng Nhẹ để lại ba con nhỏ, đứa lớn mới học lớp 3. Thằng Linh vừa mới cưới vợ...”.

Thẫn thờ như người không hồn, anh Trương Hoàng Hiếu kể tài xế là em của mình, tên Trương Hoài Tâm. Hai anh em trước cùng là lái xe lữ hành Công ty Phát triển du lịch An Giang, gia cảnh nghèo mà đồng lương không đủ sống nên anh tìm việc làm khác, riêng Tâm vẫn tiếp tục bám nghề. “Nó cố làm dành dụm chuẩn bị cưới vợ, năm nay đã xấp xỉ 30 tuổi rồi, nào ngờ...” - anh Hiếu ôm mặt tức tưởi.

Ông Lê Minh Hưng, tổng giám đốc Công ty CP Phát triển du lịch An Giang, cho biết ngay sau khi công an khám nghiệm tử thi xong, công ty đã lo phương tiện đưa thi thể các nạn nhân về quê nhà chôn cất. “Trước mắt chúng tôi hỗ trợ mai táng mỗi người chết 10 triệu đồng, mỗi người bị thương 5 triệu đồng.

Sau đó sẽ làm thủ tục để họ được hưởng khoản bảo hiểm, chi phí điều trị” - ông Hưng nói. UBND huyện Tịnh Biên cũng hỗ trợ mỗi người bị thương 2 triệu đồng.

Đá lăn do phá núi mở đường?

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, các cơ quan chức năng sớm có mặt tại hiện trường tổ chức cứu nạn, giữ gìn an ninh trật tự và tiến hành điều tra. Đoàn xe 44 chiếc chuyên đưa rước khách lên xuống núi của Công ty Phát triển du lịch An Giang cũng tạm ngưng hoạt động, do mặt đường bị nhiều tảng đá chặn ngang không thể đi lại.

Danh sách những người bị nạn

Sáu người tử vong gồm: Nguyễn Văn Linh (32 tuổi, chết tại bệnh viện), Võ Hoài Phương (40 tuổi), Nguyễn Văn Nhẹ (32 tuổi), Trần Văn Lèo (32 tuổi), Nguyễn Văn Ngà (60 tuổi) và Trương Hoài Tâm (29 tuổi, lái xe).

Hai người bị thương là Phạm Minh Tâm (30 tuổi, bị gãy tay) và Nguyễn Văn Đủ (37 tuổi, gãy chân).

Ngoại trừ tài xế Tâm có nhà ở núi Cấm, còn lại các du khách đều ngụ tại xã Bàng Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Theo người dân địa phương, núi Cấm vốn là núi đá có độ cao 710m, trước đây từng xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá.

Gần đây tỉnh An Giang cho mở một số con đường trên núi, trong đó riêng tuyến đường từ chân núi lên tới chùa Vạn Linh (gần đỉnh) có chiều dài 6,3km. Cùng với nạn khai thác rừng trước kia thì việc nổ mìn phá đá mở đường, thi công đường sá, các công trình cũng như các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, hành khách hằng ngày đã làm đá trên núi mất độ ổn định.

“Bên đường còn có những tảng đá bị bắn vỡ nằm cheo leo bên vách núi rất nguy hiểm, chúng tôi từng phản ảnh nhưng chẳng ai quan tâm” - nhiều hộ dân ở ấp Thiên Tuế, nơi xảy ra tai nạn, bức xúc. Một cán bộ tài nguyên - môi trường cho rằng do trên núi cây cối thưa thớt, mùa khô thiếu nước làm đất bị khô nên khi có vài trận mưa lớn gây ra xói lở dẫn đến sạt lở đá núi.

Ông Ngô Hồng Yến, chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, cho biết khi làm con đường lên đỉnh núi Cấm, quá trình thi công đã xử lý tất cả tảng đá nằm cheo leo. Những tảng đá gây ra tai nạn vốn nằm ở trên cao, có thể do mưa lâu ngày làm rỗng chân nên bị tuôn xuống.

Theo ông Nguyễn Thành Tâm - giám đốc Sở GTVT An Giang, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân xảy ra hiện tượng đá núi sạt lở. Tuy nhiên ông Tâm cũng nhìn nhận việc bắn mìn phá đá mở đường có thể là một trong những nguyên nhân gây mất độ ổn định địa chất của núi. “Trước mắt tỉnh cho ngưng hoạt động vận chuyển du khách lên xuống núi.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, điều tra xác định nguyên nhân cụ thể để có biện pháp bảo đảm an toàn cho việc đi lại trên núi” - ông Tâm nói.

Hàng chục ngàn người hành hương

Núi Cấm, còn gọi là Thiên Cấm Sơn, cao khoảng 710m so với mực nước biển, cao nhất trong dãy Thất Sơn (An Giang), từng được ví là Đà Lạt của ĐBSCL, có vẻ đẹp hùng vĩ với nhiều danh thắng, điểm tham quan, chùa chiền, điện thờ.

Ngoài ra đây còn là vùng đất vốn mang nhiều truyền thuyết, giai thoại về lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Do đó hằng năm vào mùa lễ hội vía Bà Châu Đốc, hàng triệu du khách trong nước sau khi đến lễ bái tại chùa Bà thường lên núi Cấm hành hương.

Tại đây ngoài khu du lịch Lâm Viên núi Cấm, Công ty CP Phát triển du lịch An Giang còn đầu tư đội xe lữ hành 44 chiếc (loại tám chỗ) chuyên đưa rước khách lên xuống núi. Vào những ngày cao điểm, núi Cấm thu hút hàng chục ngàn người đến tham quan, hành hương.

Theo Đức Vịnh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG