Mua bán công khai
Sau khi được người quen giới thiệu, tôi gọi điện cho Diệp ở thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, là đầu mối cung cấp các loại thuốc cai nghiện và chống tái nghiện. Diệp cho biết: “Nếu cần thuốc chống tái nghiện, chỗ em có loại nhập từ Mỹ về rất hiệu quả”.
Trên một trang mạng để quảng bá, Diệp không để tên thuốc nhưng cho biết: “Thuốc này sẽ kháng và phản ứng với ma túy nên bệnh nhân sử dụng thuốc hàng ngày, không thể dùng được ma túy. Nếu cố sử dụng ma túy, bệnh nhân cũng không có cảm giác hưng phấn”.
Diệp giới thiệu hộp thuốc chống tái nghiện có tên Depade, 30 viên, giá 2,9 triệu đồng/hộp. “Để mua, anh chuyển tiền qua tài khoản 48 giờ sau em gửi thuốc”- Diệp nói. Khi hỏi thuốc có được cấp phép, có an toàn không, Diệp cho biết, Sở Y tế TPHCM nhập khẩu!?
“Chống tái nghiện hiệu quả” là thông tin Hạnh quảng cáo về loại thuốc chống tái nghiện Depade 50mg. Khi tôi liên lạc, người này cho biết nơi bán thuốc ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
“Nếu ở xa, chúng tôi sẽ chuyển thuốc qua bưu điện. Hộp 30 viên giá 1,5 triệu đồng”. Hạnh cho biết, thuốc xách tay từ Mỹ về, điều trị rất hiệu quả?!
Chúng tôi liên lạc với bác sĩ Thu, chủ phòng cai nghiện có tên “Cuộc sống…” ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (phòng cai nghiện này được quảng cáo tràn ngập trên mạng), người này cho biết, phòng cai nghiện này còn bán các loại thuốc chống tái nghiện như Arbenil nhập từ Thụy Sĩ và Depade từ Mỹ, giá mỗi viên 40.000-45.000 đồng.
Thuốc chống tái nghiện không nguồn gốc còn xuất hiện tại cả hiệu thuốc. Tại quầy thuốc T.K trên đường vào Trung tâm cai nghiện Thanh Đa ở quận Bình Thạnh.
Khi tôi hỏi mua loại thuốc chống tái nghiện Revia, chủ quầy lấy ra hộp thuốc màu trắng, trên nhãn chỉ ghi tên Revia bằng tiếng Anh, giá bán 1,6 triệu đồng/hộp 28 viên.
Thuốc Arbenil cũng được một quầy thuốc trong chợ dược quận 10 bán lén lút với giá 2,1 triệu/hộp.
Tại phòng cai nghiện tại gia của Công ty Nh. A, trên đường Cao Lỗ, quận 8, ngoài việc cắt cơn cho người nghiện tại gia, nơi đây cũng bán thuốc chống tái nghiện cả nội và ngoại với giá 2-5 triệu đồng/hộp, tùy loại.
Sau khi người em cai nghiện ở Trung tâm Thanh Đa trở về, do không có điều kiện thường xuyên đến trung tâm uống thuốc chống tái nghiện theo phác đồ, anh Nguyễn Việt C. ở Bình Chánh, TPHCM đã đặt mua 2 hộp thuốc Arbenil với giá 6 triệu đồng cho em dùng.
Sau 1 tháng uống thuốc, em của anh nghiện lại và được đưa vào trại cai tiếp. Tại đây, gia đình anh C. mới biết thuốc trên bị làm giả. Một vài bệnh nhân sau khi mất tiền mua thuốc này uống nhưng nghiện vẫn hoàn nghiện (do thuốc trôi nổi).
Cuối cùng, họ phải quay lại điều trị theo phác đồ, dùng methadone cắt cơn trước và dùng thuốc chống tái nghiện Notexon 7-10 ngày sau khi đã cắt cơn.
Dược sĩ Nguyễn Minh Tuyển, chuyên viên tư vấn về thuốc cai nghiện cho biết, những loại thuốc không được cấp phép, thuốc xách tay trôi nổi nếu người nghiện dùng không theo chỉ định của bác sĩ có thể sẽ bị ngộ độc, tử vong.
Khó xử lý vi phạm
Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cho biết, chỉ mới cấp phép cho hai loại thuốc chống tái nghiện là Notexon (Naltrexone HCL) và Natrex. Notexon do Công ty Myung In pharm Hàn Quốc sản xuất, công ty dược TW 2 phân phối.
Bác sĩ Bùi Mạnh Tiến - tư vấn chuyên môn chống tái nghiện cho một trung tâm hỗ trợ cộng đồng tại TPHCM cho biết, thuốc chống tái nghiện Notexon sẽ được lưu hành trên thị trường nhiều hơn do được cấp phép bán rộng rãi.
“Người sau khi cai tuân thủ phác đồ điều trị và được bác sĩ kê toa, có thể mua thuốc Notexon trên thị trường. Điều này giúp họ dễ dàng tiếp cận và ngăn chặn tình trạng tái nghiện tăng cao hiện nay”- bác sĩ Tiến cho biết.
Tuy nhiên, bản thân người sau cai không có ý chí “đoạn tuyệt” với ma túy thì nguy cơ tái nghiện cũng dễ xảy ra.
Trao đổi với Tiền Phong, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý dược Sở Y tế TPHCM cho biết, chưa bao giờ cấp phép cho loại thuốc chống tái nghiện như các trang mạng quảng cáo, vì “không có chức năng”.
Đại diện phòng quản lý dịch vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, chưa cấp phép cho cơ sở nào trên địa bàn tổ chức cai nghiện tại gia, vì vậy phòng cai nghiện và bán thuốc Ng.A là cơ sở hoạt động “chui”.
Một cán bộ phòng quản lý thuốc gây nghiện của Cục Quản lý dược cho biết, còn nhiều loại thuốc được quảng cáo, mua bán tràn lan trên mạng đều chưa được cấp phép.
Vì vậy, các cơ quan y tế địa phương cần thanh kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng kinh doanh trái phép này. Bác sĩ Bùi Mạnh Tiến cho biết, thuốc chống tái nghiện chỉ dành cho bệnh nhân nghiện các chất nhóm Opiats đã điều trị cắt cơn, phục hồi chức năng tâm lý xã hội, vừa ra khỏi hoặc chuẩn bị ra khỏi cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng.
Nhiều người đã làm thuốc Notexon và Natrex giả, nhái hoặc lấy hàng không nguồn gốc bán với giá cao kiếm lời.
Vì những loại thuốc cai hoặc hỗ trợ cai và chống tái nghiện đều chứa các thành phần họ gây nghiện nên nếu không kiểm soát chặt chẽ, không theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và kê toa của bác sĩ, người dùng dễ mang họa.