Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định, chỉ tiến hành thu phí khi dân đồng thuận.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của các đại biểu - Ảnh: Nguyễn Khánh (Tuổi Trẻ). |
Đề nghị nghĩ cách hạn chế thu tiền của dân
Tại phiên giải trình sáng 24-4 trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tái khẳng định, việc thu Quỹ bảo trì đường bộ là căn cứ theo luật đường bộ, các chỉ thị của Quốc hội, Chính phủ chứ không phải do Bộ GTVT tự đề ra.
Nói về việc đề xuất thu phí, tăng mức xử phạt, tăng nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng của Bộ GTVT, đại biểu Nguyễn Văn Tiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội nêu thực trạng: “Bộ GTVT đưa ra một câu hỏi rất khó cho Quốc hội. Đất nước đã nghèo rồi nhưng vẫn đặt vấn đề thu tiền? Phải tìm biện pháp nào tốn ít tiền mà hiệu quả thì làm”.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, “thu tiền của dân là biện pháp dễ nhất, phải nghĩ làm sao hạn chế thu tiền của dân” mới tốt.
“... Cứ nói đến dân là thu tiền. Người ta rất phàn nàn về chuyện này. Nếu chúng ta nghĩ được cách hạn chế đóng góp của nhân dân bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Chứ nếu chúng ta cứ nghĩ đến thu tiền của dân thì đó là biện pháp dễ nhất” – Ông Thuyền nói.
Ông Thuyền cũng đề nghị các cơ quan nhà nước nghiên cứu chính sách hạn chế việc thu tiền của dân.
“Chúng ta thu thuế của dân từng đồng, từng cắc, nhưng để xảy ra tham nhũng, lãng phí hàng ngàn tỷ đồng. Chúng ta tiết kiệm cái đó thì sẽ không phải thu của dân nữa”.
Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đồng hành với việc tăng mức xử phạt, thu phí, Bộ GTVT cũng có những biện pháp khác mang tính đồng bộ.
“Những giải pháp đưa ra hết sức đồng bộ, không chỉ thu phí. Chúng tôi căn cứ các chủ trương, chỉ đạo của chính phủ. Việc đề xuất xuất phát từ quyền lợi, lợi ích của đại đa số người dân, cũng như đưa ra được lộ trình, mức thu phù hợp với người dân, mới đáp ứng, nhận được sự đồng tình cửa người dân”.
Tiền phạt quay vòng, phát sinh tiêu cực?
Nhiều đại biểu cũng thắc mắc về mục đích sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông.
Theo thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Minh, toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp ngân sách nhà nước, sau đó được “tái đầu tư” cho lực lượng bảm đảm an toàn giao thông theo tỷ lệ: 70% cho lực lượng công an giao thông, 10% cho thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương, 10% cho ban an toàn giao thông của tỉnh, 10% cho lực lượng khác tham gia giao thông tại quận huyện, thị trấn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói: “Về vấn đề tiền phạt sau khi nộp ngân sách quay lại đầu tư 100% cho người quản lý giao thông, người dân cho rằng, lực lượng này đã được hưởng lương nhà nước, không cần và không nên lấy lại tiền phạt để cấp phát cho họ. Vì như thế, nhiều cảnh sát sẽ lợi dụng phạt thật nhiều để nhận được tiền nhiều hơn”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc ban hành chính sách đều có cơ sở, căn cứ vào pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, Luật ngân sách...
“Cũng phải cân nhắc chính sách chế độ cho anh em. Chúng ta làm giờ hành chính, anh em làm ngoài giờ. Ví dụ, lực lượng cảnh sát cơ động, phòng chống đua xe chỉ được bồi dưỡng 100 nghìn/đêm thì cũng không quá lớn” – Bà Minh nói – “Nhiều nơi cũng đang xin xem xét tăng thêm tiền bồi dưỡng này”.
“Trong khi thiết kế chính sách, nếu như không bố trí tiền bồi dưỡng cho anh em thì tiêu cực sẽ xảy ra. Thu phạt thì phải minh bạch, có quy định, hóa đơn cụ thể, không thể nói là tiêu cực được” – Bà Minh giải thích thêm.
Nói về vấn đề “lợi dụng để phạt nhiều hơn”, bà Minh cho biết, đã có quy định cụ thể, người dân cũng biết những quy định này và sẽ rất khó để lực lượng chức năng làm sai.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phản hồi, việc Thứ trưởng Minh trả lời dường như lệch hướng câu hỏi của ông. Ý ông muốn hỏi, việc lấy tiền phạt để thưởng trở lại lực lượng cảnh sát giao thông sẽ làm phát sinh tiêu cực theo hướng càng phạt nhiều thì càng được thưởng nhiều.
Mỗi năm, năm "sư đoàn" thương vong vì tai nạn giao thông
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo, về cơ bản, tai nạn giao thông mấy tháng vừa qua đã giảm trên ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Đại biểu Phùng Quốc Hiển nêu, theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 12 ngàn người chết và 54 ngàn người bị thương vì tai nạn giao thông.
“Mỗi năm chúng ta nướng hơn một sư đoàn và loại ra hơn bốn sư đoàn khác vì tai nạn giao thông” – Ông Hiển so sánh.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu thực trạng, hiện nay, tiêu chí về tai nạn giao thông chưa thống nhất. Ông Thuyền cho biết, công an báo cáo số lượng vụ tai nạn giao thông chỉ bằng 2/3 số liệu của lực lượng kiểm sát, và nếu tính cả những vụ va quệt giao thông thì tình hình tai nạn giao thông tăng lên chứ không giảm.
Liên quan đến nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, nhiều đại biểu cho rằng, phần lớn do rượu, bia. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện tại, việc xử phạt bằng việc thử nồng đồ cồn đã không còn nhiều ưu thế, nên có biện pháp tạm giữ hành chính đối với những người uống rượu điều khiển phương tiện để tránh gây ra tai nạn đáng tiếc.
“Chúng tôi đã dùng rất nhiều biện pháp, bố trí lực lượng ngay ngoài quán bia nhưng người ta phát hiện, người ta đi bộ chứ không đi xe. Nhiều người còn không chịu thổi vào máy thử nồng độ cồn. Chỉ đến khi căng dây, buộc người vi phạm lái xe xem đi có thẳng hay không thì người ta mới chịu chấp hành” - Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Đại diện bộ công an cho biết.
“Đề nghị nâng mức chế tài xử phạt cao hơn nữa. Thậm chí tạm giữ hành chính người say rượu bia” - ông Nghị nói thêm.
100% công trình không đảm bảo tiến độ
Trước câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh về việc dư luận cho rằng, dùng tiền đầu tư vào các công trình giao thông rất nhiều nhưng chất lượng thấp, hiệu quả kém, gây thất thoát nhiều, bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đây là vấn đề bức xúc trong nhân dân và ngay cả trong Bộ GTVT.
“Vấn đề này, người dân quan tâm, bức xúc. Bản thân những người trong Bộ cũng rất bức xúc. Hiện nay, tiến độ công trình có thể nói 100% không đảm bảo tiến độ. Có công trình chậm tới 4 – 5 năm. Chất lượng công trình thì chưa đạt yêu cầu và phát huy hiệu quả chưa đến nơi đến chốn” – Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, để xử lý vấn đề này, đã đề ra các giải pháp từ sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, đến việc thay đổi nhà đầu tư, nhà thầu..., đồng thời kết hợp với các địa phương có công trình cùng kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình.
Đại biểu Vinh nêu ví dụ, quốc lộ 5 qua địa phận Hải Phòng đang bị các xe quá tải tàn phá, xuống cấp trầm trọng, Bộ trưởng Thăng cho biết, đã nắm thông tin và sẽ tiến hành xử lý trong năm nay.
“Trước mắt, phải giữ được hạ tầng hiện có, đồng thời tiến hành duy tu, bảo dưỡng. Khi có quỹ bảo trì đường bộ, sẽ làm tốt được vấn đề này” – Bộ trưởng Thăng nói.
Khó thu xe quá tải Nhiều đại biểu cũng kiến nghị việc xử lý xe tải quá tải, quá khổ, bộ trưởng Thăng cho rằng, sẽ xem xét, sửa chữa lại quy định cho phép hoán cải xe từ năm 2005 để hạn chế tình trạng này. Trước việc đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị tịch thu xe quá tải, ông Thăng cho biết, việc này khó: “Thực tế, xe quá tải dịp lễ, tết là rất nhiều. Hướng xử lý thường là yêu cầu dừng lại nộp phạt, giảm tải, còn thu xe là hơi khó”. “Có trường hợp, lực lượng chức năng yêu cầu đánh xe về cơ quan để làm việc, lái xe bảo công an tự lên mà lái. Công an không lái được xe container nên đành chịu” – Ông Thăng nói. Cũng liên quan đến việc thu xe, cả bộ trưởng Thăng và nhiều đại biểu cho rằng, nên tịch thu xe đua trái phép. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay, quy định này vẫn còn nhiều kẽ hở: “Khi xử lý đua xe làm sao có điểm đầu, điểm cuối, tổ chức, giải thưởng. Vì vậy, chiếu theo pháp luật thì không tịch thu được. Chúng tôi thiết tha kiến nghị nên tịch thu xe, tuy nhiên, nội hàm khái niệm đua xe phải tương đối rõ”. |