Thăm nghĩa trang nạn nhân Titanic

Thăm nghĩa trang nạn nhân Titanic
TP - Nghĩa trang Halifax ở Canada, nơi tìm thấy nhiều thi thể và đồ đạc nhất của tàu Titanic luôn tràn ngập hoa và những câu chuyện bất tận.

>Những kẻ gặm xác tàu Titanic
>Hành trình 'sống lại' của con tàu định mệnh Titanic

Thăm nghĩa trang nạn nhân Titanic ảnh 1

Ngày này (15-4) 100 năm trước, con tàu vĩ đại Titanic đã chìm trong hải trình đầu tiên và cuối cùng của nó trên Đại Tây Dương. Từ đó, nghĩa trang Halifax ở Canada, nơi tìm thấy nhiều thi thể và đồ đạc nhất của tàu Titanic luôn tràn ngập hoa và những câu chuyện bất tận. 

Từ sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi vượt Thái Bình Dương mênh mông sau khi quá cảnh Đài Loan. Hạ cánh xuống Vancouver ven bờ Thái Bình Dương, chúng tôi đi chuyến máy bay cắt ngang đất nước Canada tới Toronto. Từ đó, lại bay theo hướng đông bắc tới Halifax - thành phố tự trị, thủ phủ tỉnh Nova Scotia. Tới đây lại phải chuyển máy bay sang hãng bay chuyên vùng Bắc Cực để tới St John. Cũng chính hãng này đưa tôi quay lại Halifax.

Bến cảng Halifax. Bên cầu tàu số 21 là bảo tàng di dân, các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Có cả rương hòm, quần áo hệt như chàng Jack-Leonardo Di Caprio và nàng Rose-Kate Winslet đã sử dụng trong chuyến đi định mệnh trên Titanic.

Như ta đã biết, hành trình của Titanic là tới New York nước Mỹ. Đường đi lúc đầu phải chệch hướng bắc sau mới chuyển hướng. Vì thế, khi xảy ra tai nạn, Halifax là nơi vớt được nhiều thi thể, nhiều người sống sót, nhiều đồ đạc của cải nhất.

Titanic va vào tảng băng và chìm vào hồi 2h20 sáng 15-4-1912. Tàu đầu tiên tới cứu Titanic là Carpathia cùng một chủ tàu với Titanic. Tàu cứu được 700 người.

Ngày 17-4, chiếc tàu đặt cáp có tên Mackay-Benneth rời cầu tàu Halifax với một mục sư, một ông chủ tế tang lễ, một khoang nước đá ướp lạnh thi thể, các cỗ quan tài, và nhiều túi bạt để thủy táng.

Nghĩa trang Halifax
Nghĩa trang Halifax.

Sau năm ngày lùng sục trên biển, con tàu xe tang cập cảng với 200 thi thể trong các quan tài ướp đông. Còn 116 thi thể khác bị phân hủy nên phải thủy táng, tức là đưa xuống biển trong các túi bạt sau một lễ nghi tôn giáo.

Mộ chú bé vô danh

Từ nhà trọ cho du khách ba lô trên đường Barrington gần bến cảng, tôi lên xe bus đến nghĩa trang Fairview ở phía bắc thành phố. Xe liên tục leo và đổ dốc, hệt như đang đi trên đường lên thăm nhà thờ thành phố Hồng Gai, tỉnh Quảng Ninh.

120 trong số 200 thi thể nạn nhân Titanic được chôn cất nơi đây, khiến Fairview trở thành nghĩa trang nổi danh suốt thế kỷ qua. Vụ Nổ Lớn, một tai nạn thảm khốc cho thành phố này 5 năm sau thảm họa Titanic, tức vào ngày 6-12-1917, cướp đi sinh mệnh hơn 2.000 người. Số người chết cùng lúc ấy làm cho nghĩa trang này càng thêm đông đúc, trong đó có nhiều sắc dân di cư.

Nghĩa trang có hẳn một khu mộ người Hoa với khói hương Á Đông nghi ngút. Trong khi đó, khu vực nghĩa trang nạn nhân Titanic, các ngôi mộ đặt theo hàng thẳng tắp với những tấm bia nhỏ bằng đá granite màu xám.

Lần theo các hàng bia, tôi đọc đến tên người kéo đàn violin dũng cảm John Law Hume trong dàn nhạc. Trong bộ phim hay nhất mọi thời đại mang tên Titanic do James Cameron đạo diễn, người ta thấy ông chơi đàn tới tận phút cuối cùng.

Ngôi mộ của chú bé vô danh
Ngôi mộ của chú bé vô danh.

Và kia là nấm mộ anh thợ xúc than J.Dawson chết với con tàu trong hầm lò nồi hơi. Sau khi phim của James Cameron ra đời, nhiều người cho là ông đạo diễn đã tạo ra nhân vật Jack (Leonardo Di Caprio đóng) từ nguyên mẫu anh thợ xúc than. Không rõ có phải vì thế không mà ngôi mộ thường xuyên tràn ngập hoa tươi.

Nhưng có nhiều hoa nhất, được nhiều người thăm viếng nhất là ngôi mộ với dòng chữ “Bia này dựng lên để tưởng nhớ một hài nhi vô danh mà thi thể được phát hiện sau thảm họa tàu Titanic ngày 15-4-1912”. Cuộc truy tìm thi thể vô danh kéo dài gần một thế kỷ và gần đây người ta đã trả lại tên cho chú bé. Đó là bé Sidney người Anh. Bé thuộc dòng họ có tên là Goodwin.

Hồ sơ chú bé vô danh ghi “Nạn nhân số 4: con trai, khoảng hai tuổi, tóc màu sáng. Quần áo: Áo khoác màu xám có lông trên cổ và tay áo; váy yếm bằng vải serge màu nâu; váy lót dài; áo quần bằng vải flannel; áo lót trong bằng len màu hồng; giầy nâu có mang tất. Không có đặc điểm gì khác. Có lẽ thuộc hành khách loại ba”.

Đó là tất cả những gì mà thủy thủ con tàu đi vớt xác biết được, và khi chôn cất chú bé, ai đó ném thêm vào quan tài chiếc dây chuyền thủy thủ bằng đồng với lời ai điếu “Tặng con của chúng tôi”. Cuộc truy tìm tông tích của chú bé xấu số kéo dài nhiều năm. Phải tới lúc có công cụ phân tích gene (DNA), công việc mới ngã ngũ dù chẳng đơn giản chút nào.

Dựa vào DNA, năm 2002, người ta cho rằng đó có thể là một trong ba trường hợp, chú bé hoặc là người Thụy Điển, hoặc người Ireland, hoặc người Phần Lan. Tất cả đều cỡ tuổi đó, đều có tóc màu sáng.

Chú bé Sidney Goodwin
Chú bé Sidney Goodwin.

Phải tới ngày 30-7-2007, một phòng thí nghiệm của Trường Đại học Lakehead của Canada dùng các phương pháp DNA hiệu nghiệm nhất, so sánh DNA của phần thi thể được khai quật với DNA của những thân nhân còn sống, họ mới tìm được địa chỉ chính xác. Đó là bé Sidney, 19 tháng tuổi, con thứ sáu và là con út của gia đình ông bà Goodwin. Toàn bộ gia đình gồm 8 người đã chết cùng tàu Titanic.

Đôi giầy nâu trong Bảo tàng Đại Tây Dương

Mùa lễ kỷ niệm 100 năm Titanic, Bảo tàng Đại Tây Dương của Thành phố Halifax lại có dịp trả lại tên tuổi đầy đủ cho một di vật của Titanic trưng bày ở đó nhiều năm. Đó là một đôi giầy nâu trẻ em. Từ lâu, các nhà nghiên cứu của bảo tàng này cho rằng đôi giầy hiện vật mang ký hiệu số “M2005.4.1A+B” có thể của chú bé vô danh số 4 chôn cất tại nghĩa địa Fairview.

Đôi giầy được người cháu của một cảnh sát tên là Clarence giao lại cho bảo tàng vào năm 2002. Tài liệu của sở cảnh sát ghi: “Tất cả quần áo của các nạn nhân đều được cảnh sát chúng tôi đốt hết nhằm tránh tình trạng săn lùng của những người sưu tầm đồ kỷ niệm. Nhưng anh Clarence nhìn thấy đôi giầy da nâu dài khoảng 14 cm. Anh thấy không nỡ lòng nào lại đốt đi nên cho vào ngăn bàn sở cảnh sát cho tới 6 năm sau, khi anh chuyển về Ontario vào năm 1918”.

Người ta lật tìm các catalog giầy dép và chuyên gia các viện bảo tàng về quần áo và giầy dép chứng minh xem đấy có phải đôi giầy mang phong cách giầy dép những năm 1900-1925 và có nhiều khả năng sản xuất tại Anh không. Với nhiều bằng chứng khác, đôi giầy đã được xác định chủ nhân. Chủ nhân ấy không ai khác ngoài chú bé Sidney Goodwin 19 tháng tuổi.

Đôi giày của “chú bé vô danh”
Đôi giày của “chú bé vô danh”.

Và từ đôi giày, người ta cũng dựng lại được câu chuyện về hành trình định mệnh của gia đình Goodwin như sau.

Có một người đàn ông tên là Thomas Goodwin đã di cư từ trước sang vùng thác Niagara, Hoa Kỳ. Ông báo tin cho anh trai về cuộc làm ăn tấn tới ở Niagara. Ông thợ sắp chữ nhà in Frederic vội vàng thu xếp của nả cùng gia quyến lên đường.

Chẳng là vùng thác nước sắp mở nhà máy thủy điện, cần rất nhiều lao động trong khi rất đông người Anh đang thất nghiệp. Gia đình Frederic thuộc dạng nặng gánh, nheo nhóc 6 đứa con. Con trai lớn 16 tuổi và con trai út Sidney 19 tháng tuổi.

Họ chỉ đủ tiền mua vé hạng bét tức hạng ba. Khi lên tàu, người cha và lũ con trai ngủ đằng mũi tàu. Còn người mẹ và bé út cùng hai cô con gái ngủ đằng đuôi tàu.

Như ta đã biết, khi tai nạn xảy ra, nhiều hành khách nghèo khổ với vé hạng bét rất ít có cơ hội sống sót. Leo được tới boong trên cùng có xuồng cứu sinh thì tất cả xuồng đã được thả hết.

Khi Titanic đi vào cõi vĩnh hằng, toàn thế giới bàng hoàng. Tàu được trang bị những vách kín nước, hệ thống điện báo v.v… Tóm lại, trên tàu có các thiết bị mà ngày nay chúng ta có lẽ cho là tầm thường nhưng thực sự là thành quả kỳ diệu của 100 năm trước.

Người ta không thể hiểu nổi một con tàu được mệnh danh “không thể chìm” (unsinkable) lại có thể chìm nhanh đến thế. “Không thể chìm” không chỉ là lời quảng cáo của ông chủ hãng tàu Ngôi Sao Trắng mà còn là niềm tin của cả giới kỹ thuật. Thế mới biết trí tuệ con người chỉ là hữu hạn trước những bí ẩn vô hạn của thiên nhiên.

Khi chôn cất chú bé, ai đó ném thêm vào quan tài chiếc dây chuyền thủy thủ bằng đồng với lời ai điếu “Tặng con của chúng tôi”. Cuộc truy tìm tông tích của người quá cố kéo dài nhiều năm. Phải tới lúc có công cụ phân tích gene (DNA), công việc mới ngã ngũ dù chẳng đơn giản chút nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.