'Tôi đánh xe trâu rước dâu cho chân chất làng quê'

Chú rể và cô dâu tươi cười hạnh phúc trên xe trâu
Chú rể và cô dâu tươi cười hạnh phúc trên xe trâu
Chú rể Đào Văn Đức (tức Đô Đức, 20 tuổi) và cô dâu Hồ Thị Hoa (tức Hiểng Hoa, 22 tuổi, xóm 9, Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) tâm sự như thế sau đám rước dâu “siêu xe trâu” gây sốt trên mạng.

Sau đám cưới tổ chức vào ngày 11-3, anh Đức, chị Hoa đều bất ngờ khi clip rước dâu bằng xe trâu được đưa lên mạng. Và càng bất ngờ khi màn rước dâu được nhiều người xem và chúc phúc.

Có người nghĩ rằng gia đình anh khó khăn nên không có điều kiện để thuê ôtô làm xe hoa đi rước dâu?

Đô Đức: Gia đình tôi không thật sự giàu sang, nhưng cũng không nghèo. Bố mẹ tôi cũng bảo tôi đi thuê xe hơi quay phim, chụp ảnh cho đẹp, nhưng tôi nhất quyết rước dâu bằng xe trâu của nhà mình.

Chúng tôi không có ý định quay video clip để đưa lên mạng Internet đâu, đúng là cũng ngại (thẹn thùng) quá. Người thợ cũng là người bạn của tôi quay video đưa lên mạng, không ngờ lại có nhiều xem và quan tâm. Chúng tôi rất cảm động và vui sướng khi được nhiều người động viên và chúc phúc.

Ảnh cưới rạng ngời của chủ rể Đào Văn Đức và cô dâu Hồ Thị Hoa
Ảnh cưới rạng ngời của chủ rể Đào Văn Đức và cô dâu Hồ Thị Hoa.
 

Khi anh đưa ra ý tưởng rước dâu bằng xe trâu, vợ anh có phản ứng không?

Đô Đức: Ban đầu tôi định sẽ tự tay kéo xe trâu chở cô dâu ngồi sau cho ý nghĩa hoặc nhờ các bạn kéo xe chở cả hai. Nhưng sau đó tôi quyết định “liều”, tự tay đánh xe trâu đi rước. Cứ nghĩ tôi đùa nên vợ tôi nói “hai nhà gần nhau mình đi bộ cũng được”. Còn bố vợ tôi thì nói: “Nếu trâu nhà con không thuần (không đi theo sự điều khiển) thì lấy bò nhà bố kéo xe cũng được.

Nhiều người thân và bạn bè cũng không tin tôi sẽ rước dâu bằng xe trâu. Đến ngày cưới, tự tay tôi đi mượn hai chiếc ghế gỗ đặt lên xe và chẻ tàu dừa thổi bong bóng trang trí xe thì mọi người mới tin tôi làm thật.

Phía bố mẹ vợ tôi không thách đồ lễ cưới. Chúng tôi gắn bó với nhau từ thời chăn trâu, cắt cỏ và hai gia đình đều làm nông nghiệp, tôi thấy đưa trâu đi rước dâu mới ý nghĩa.

Đám cưới nếp sống mới giản dị, tiết kiệm của chú rể Đào Văn Đức và cô dâu Hồ Thị Hoa
Đám cưới nếp sống mới giản dị, tiết kiệm của chú rể Đào Văn Đức và cô dâu Hồ Thị Hoa.

Anh có thể "bật mí" một chút chuyện tình hai người?

Đô Đức: Chúng tôi cùng nhóm chơi thân với nhau từ nhỏ. Con trai thì lập nhóm “rơm rơm”, còn nhóm bạn gái của Hoa lập nhóm “canh cô” (tức nhóm con gái đã đến 20 tuổi ở làng quê mà chưa… cưới chồng). Lớn lên, đến tuổi trưởng thành trái tim cả hai đều thổn thức nhưng không ai dám nói. Sau đó tôi mới dám tỏ tình và chúng tôi chính thức yêu nhau hai năm nay.

Tôi nghĩ trong tình yêu phải chân thành và phải tạo cho người mình yêu những điều bất ngờ. Quà Valentine và cả kẹo sôcôla cho người yêu cũng do tự tay tôi làm để tặng. Tôi nghĩ cuộc sống vợ chồng phải hiểu nhau và đồng cam cộng khổ, chân thành, chung thủy.

Vừa rồi anh có nghe nói đến các đám cưới “đại gia”, rước dâu bằng “siêu xe”? Nếu có thật nhiều tiền anh sẽ tổ chức cưới thật to và hoành tráng?

Tôi có nghe, nhưng không quan tâm lắm. Nếu có nhiều tiền, tôi tổ chức đám cưới vừa thôi, miễn sao phải tự sức, tự tay mình làm cho thật vui và ấm cúng là được.

Đôi vợ chồng trẻ Đào Văn Đức và cô dâu Hồ Thị Hoa sau đám cưới
Đôi vợ chồng trẻ Đào Văn Đức và cô dâu Hồ Thị Hoa sau đám cưới.

Anh "bật mí" dự định công việc tương lai của hai người?

Đô Đức: Tôi và Hoa đã vào Bình Dương làm việc và học nghề cắt tóc, làm đầu, trang điểm cô dâu. Sau khi học nghề xong, chúng tôi về quê tổ chức đám cưới ở quê cho đầm ấm. Hôm cưới tự tay tôi trang điểm cho Hoa đấy.

Chúng tôi đang dự định mở cửa hàng cắt tóc nam, làm đầu nữ, trang điểm cô dâu và làm ruộng ở quê nhà. Ở quê mọi người hay nói đời người có mấy việc phải làm là tậu trâu, lấy vợ, làm nhà thì tôi chỉ còn làm... nhà lầu nữa thôi, chứ nhà cấp bốn gia đình đã có rồi (cười).

Nhiều người khen chị Hoa đã “can đảm” ngồi xe trâu về nhà chồng...

Chị Hoa (cười): Anh Đức luôn có nhiều cái tàm tôi bớt ngờ và vui. Khi tôi bước ra đến cổng thì thấy xe trâu. Trước rất đông bạn bè và dân làng tôi cũng rầy (e ngại) lắm. Tôi tưởng anh ấy nói đùa, không ngờ anh làm thật. Khi anh bước tới bế tôi lên xe hoa, trẻ em và dân làng ai cũng vui cười, reo hò.

Tôi bật khóc vì thấy rất hạnh phúc.

Xin cảm ơn anh chị và chúc anh chị luôn hạnh phúc!

"Tôi "chủ trương" rước dâu bằng xe trâu cho "đậm đà chất làng quê" và để vợ... bất ngờ, ấn tượng, lưu nhớ ngày hạnh phúc chứ không phải muốn nổi tiếng. - Đô Đức

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG