Phát tán tin nhắn mời chào cờ bạc

Phát tán tin nhắn mời chào cờ bạc
Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Công an vừa phát hiện một số doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị CDMA modem phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoặc mời chào cờ bạc qua điện thoại di động.

Phát tán tin nhắn mời chào cờ bạc

> 'Khủng bố' bằng tin nhắn rác

Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Công an vừa phát hiện một số doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị CDMA modem phát tán tin nhắn rác để quảng cáo hoặc mời chào cờ bạc qua điện thoại di động.

Các thiết bị do đoàn thanh tra phát hiện tại hai công ty sử dụng để phát tán tin nhắn rác. Ảnh: M.Q.
Các thiết bị do đoàn thanh tra phát hiện tại hai công ty sử dụng để phát tán tin nhắn rác. Ảnh: M.Q.

Trước tình trạng tin nhắn rác tràn lan, Thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN đã vào cuộc, phát hiện và xử lý những đơn vị sử dụng phần mềm gửi tin nhắn rác.

Phát hiện nhiều doanh nghiệp phát tán tin nhắn

Qua thanh tra một công ty có trụ sở tại phố Hoàng Cầu (Hà Nội), đoàn thanh tra phát hiện công ty này sử dụng năm máy điện thoại di động có kết nối với máy tính, sử dụng phần mềm SMS Carter để gửi tin nhắn tự động tới các thuê bao di động nhằm mục đích quảng cáo.

Bằng hệ thống SMS Carter, mỗi máy điện thoại di động có thể gửi 800 tin nhắn tới các thuê bao trong một giờ. Đoàn thanh tra xác định trong các nội dung tin nhắn gửi đến người sử dụng của công ty có các nội dung liên quan đến cờ bạc như soi cầu lô đề, bói toán...

Tại một công ty khác trên phố Tây Sơn (Hà Nội), đoàn thanh tra cũng phát hiện công ty này sử dụng các thiết bị modem GSM/GPRS/CDMA, lắp SIM điện thoại di động và kết nối với máy tính, sử dụng phần mềm điều khiển để phát tán tin nhắn rác.

Các tin nhắn do công ty này gửi đến thuê bao cũng mang nội dung soi cầu lô đề, quảng cáo đầu số 8x32. Việc phát tán tin nhắn rác được công ty thực hiện hằng tuần, mỗi lần phát tán đến hàng chục nghìn thuê bao di động.

Ngoài hai đơn vị trên, đoàn thanh tra còn phát hiện một số đơn vị có vi phạm về phát tán tin nhắn rác và đang xem xét xử lý. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - chánh thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông, đoàn thanh tra đang xem xét mức độ vi phạm tại một số doanh nghiệp.

800.000 đồng/phần mềm gửi tin nhắn

Để gửi tin nhắn đến hàng nghìn điện thoại di động, một số doanh nghiệp không ngần ngại phát tán tin nhắn từ SIM số rác đến người sử dụng với những mẩu tin như “XS-H.Noi NGAY 02.11* CAP LOTO RA NHIEU (14-41) (79-97)(22-77)*CAP LOTO RA IT (19-91)(39-93)(36-63)*CAP LOTO DU DOAN: 89-48*CHUC MAY MAN”...

Từ khoảng cuối năm 2010, đầu năm 2011, phần mềm SMS Carter E-Marketer GSM chuyên sử dụng để gửi tin nhắn trên điện thoại di động được rao bán đồng loạt trên các trang thông tin mua bán, các diễn đàn công nghệ với giá chỉ 800.000 đồng. Kèm theo đó là danh sách số điện thoại những khách hàng được quảng cáo là VIP đang sở hữu xe BMW, nhà tại khu Saigon Pearl, Phú Mỹ Hưng... cũng được rao bán với giá 2 triệu đồng.

Theo hướng dẫn sử dụng phần mềm SMS Carter, chỉ cần một USB 3G hoặc điện thoại di động (có lắp SIM) kết nối qua máy tính, phần mềm sẽ điều khiển để nhắn tin hàng loạt với tần suất 1.000 tin nhắn trong một giờ. Đáng chú ý phần mềm này có thể điều khiển được một loạt máy điện thoại hoặc USB 3G kết nối với máy tính, nhắn cùng lúc hàng nghìn tin đến một danh sách điện thoại có sẵn.

Ngoài phương thức sử dụng phần mềm kết nối điện thoại, một số nhà cung cấp còn đưa ra giải pháp sử dụng GSM/GPRS/CDMA modem kết hợp với phần mềm để gửi tin nhắn. Với việc sử dụng modem này, một tin nhắn sẽ được gửi đến hàng nghìn số điện thoại một cách tự động tương tự SMS Carter.

Đáng chú ý, phần mềm gửi tin nhắn này được một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo rất hấp dẫn ngay trên trang web của mình: “phần mềm nhắn tin tự động, phần mềm giao tiếp với tổng đài nhắn tin di động... có thể giúp ích cho doanh nghiệp chăm sóc khách hàng”.

Lừa đảo bằng tin nhắn

Năm 2010, C50 phát hiện, bắt giữ một trường hợp sử dụng thiết bị chuyên dụng, phát tán tin nhắn rác tới thuê bao di động, dụ dỗ khách hàng nhắn tin đến đầu số của mình nhằm chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Hà Trung (trụ sở tại phố Phương Mai, Hà Nội) là Lương Đăng Sơn sử dụng rất nhiều số điện thoại Gphone của VNPT Hà Nội nhắn tin tới khách hàng sử dụng điện thoại di động.

Qua khai thác máy chủ của công ty này, cơ quan công an xác định đầu số 6x61 (trong đó x là số bất kỳ tương ứng với số tiền khách hàng phải trả, ví dụ gửi tin đến số 6361 khách hàng phải trả 2.000 đồng, 6761 phải trả 15.000 đồng...) được ông Lương Đăng Sơn thuê lại của Công ty công nghệ di động Motek.

Trước đó, Công ty Motek được Vinaphone cung cấp đầu số trên để khai thác hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nội dung số cho điện thoại di động. Cơ quan điều tra xác định ông Lương Đăng Sơn lừa đảo bằng cách xây dựng phần mềm nhắn tin trúng thưởng nhưng can thiệp để không có khách hàng nào trúng thưởng.

Theo M.Quang
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.