Người lính hy sinh thầm lặng giữa thời bình

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh. Ảnh: Công Hoan
Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh. Ảnh: Công Hoan
TP - Có hai điển hình được báo cáo, giao lưu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII gây xúc động tại Đại hội: Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn và Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội 584, Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị (Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới). Họ là những người lính hy sinh thầm lặng giữa thời bình.

Những điển hình chống tham nhũng

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh. Ảnh: Công Hoan
Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh. Ảnh: Công Hoan.

“Tiếng kêu tuyệt vọng, đau đớn tột cùng của cháu bé giây lát mãi mãi phải xa lìa người mẹ làm tôi ứa nước mắt”- Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh kể lại câu chuyện đau lòng trong một vụ nổ bom mìn gây ra.

Ám ảnh nỗi đau thời hậu chiến

Câu chuyện làm rất nhiều người xúc động khi được xem đoạn phim tài liệu phát trên Truyền hình Việt Nam: Một vụ nổ bom mìn, 3 cháu bé chết tại chỗ. Đó là cảnh quay trực tiếp tại một buổi tiêm chủng mở rộng ở Cam Lộ (Quảng Trị). Một cháu bé đến tiêm chủng vô tình đạp phải vật nổ sót lại, việc xảy ra ngay trước ống kính máy quay. Nhưng có một chi tiết người xem không được biết: Một cháu còn cố nấc lên tiếng “mẹ ơi” trước khi lịm hẳn.

Lần khác, trong chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, anh đã chứng kiến hoàn cảnh thương tâm của 3 chị em ruột trong một gia đình bị tai nạn bom bi. Đói nghèo, bố mẹ phải đưa các em đi khai hoang và tai nạn đã xảy ra. Sau khi mất cả 3 đứa con cùng lúc, 2 vợ chồng đã bỏ đi đâu không rõ. “Nhìn ảnh thờ các em bé xinh xắn, mặc áo trắng học trò, đeo khăn quàng đỏ, im lặng với những đôi mắt ngơ ngác mở to, tôi cảm thấy đau thắt trong lòng”- Anh Cảnh nói.

Chiến tranh kết thúc hơn 35 năm, nhưng vẫn có hơn 100 nghìn người chết và bị thương do tai nạn bom mìn kể từ đó đến nay. Số bom mìn, vật nổ còn sót lại ở nước ta khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm hơn 20% diện tích đất đai toàn quốc. Chỉ trong 2 năm (1975 - 1977), trong khi rà phá bom mìn, có gần 1.000 chiến sỹ hy sinh, hơn 1.000 người bị thương.

Năm 2007, anh Cảnh đã cùng đơn vị tháo gỡ an toàn một quả bom cực lớn đường kính hơn 1m, dài hơn 3m (cả đuôi là 8m), chứa hơn 4 tấn thuốc nổ. Việc tưởng đơn giản, nhưng nếu bom nổ sẽ tạo ra hố có đường kính 300m, hủy diệt hoàn toàn khu vực lòng hố với diện tích hơn 7 ha. Nếu nổ trên mặt đất, nó sẽ san phẳng vài chục hec-ta. Suốt gần 3 tuần vật lộn dưới cái nóng oi bức của miền Trung và cận kề với cái chết, các anh đã tháo gỡ thành công, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương.

Anh Cảnh cũng đã cùng anh em nghiên cứu, sáng chế ra hệ thống giá, phóng bom xuống hố để tự nổ cháy, hủy an toàn loại bom chùm phốt pho nguy hiểm. Tiếp đó, anh thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu xác định công nghệ và mô hình tổ chức trạm xử lý bom mìn, đạn dược, vật nổ ở Việt Nam”, được đưa vào ứng dụng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bộ đội, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, anh đề xuất tổ chức nghiên cứu, thiết kế phần mềm gắn cho máy dò bom, tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mua thiết bị, giảm khoảng 90% chi phí đào đất, dẫn đến tiết kiệm gần 20% chi phí rà phá bom mìn...

Anh Nguyễn Trọng Cảnh cùng cán bộ của Trung tâm đã hoàn chỉnh dự thảo “Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2025”. Đề án được Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt tháng 4-2010. “Nếu đảm bảo đúng tiến độ, thời gian khắc phục hậu quả bom mìn ở nước ta sẽ được rút ngắn từ hơn 300 năm xuống còn 50 năm” - Anh Cảnh cho biết.

15 năm đi tìm đồng đội

Câu chuyện của Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội 584, Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị mang tới Đại hội sự ấm áp, sẻ chia tình đồng chí, đồng đội và lòng tri ân những chiến sĩ đã hy sinh. Gần 15 năm, anh đã cùng đồng đội khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trên đất bạn Lào về nước, phối hợp với các địa phương quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn.

Bản thân bị nhiễm chất độc màu da cam, hai con anh đều bị ảnh hưởng, phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. Khi nhận nhiệm vụ, anh lo lắng, vì hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn... Nhưng mỗi khi nghĩ đến những đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh, cống hiến trọn đời cho quê hương, đất nước, nay chưa được quy tập về nghĩa trang, về với các bà mẹ, người thân của bao gia đình đang ngóng trông, anh Lưu đã vượt lên khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Việc tìm, quy tập phần mộ liệt sĩ hy sinh trên nước Lào rất khó. Vì rừng Lào mênh mông, tỉnh Xạ Vẳn Nạ Khệt chủ yếu là rừng rậm. Đây là chiến trường ác liệt, diễn ra cuộc hành quân “Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy”, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, số cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh ở địa bàn này rất lớn. Phần mộ liệt sĩ nằm ở những địa bàn hiểm trở, xa khu dân cư, vì vậy việc đối khớp thông tin là rất khó khăn”- Anh kể.

Gần 15 năm, anh cùng đơn vị đã quy tập được 2.168 hài cốt liệt sĩ, trong đó, có 217 hài cốt có tên và quê quán, 210 hài cốt có tên, 112 hài cốt có quê, 68 hài cốt có phiên hiệu đơn vị. Anh cũng làm tốt việc tham mưu cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, phối hợp với các địa phương bàn giao 216 hài cốt về an táng tại quê hương… Anh đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2008, cán bộ, chiến sĩ Đội 584 được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.