Trẻ lang thang đường phố: Rủi ro nhiều, nguy cơ lắm

Trẻ lang thang đường phố: Rủi ro nhiều, nguy cơ lắm
TP - Giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị lạm dụng tình dục hay giải quyết việc làm cho trẻ lang thang…là một trong những vấn đề nóng được tranh luận tại Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trẻ em đường phố bị lợi dụng hành nghề ăn xin trên phố Ảnh: Hồng Vĩnh
Trẻ em đường phố bị lợi dụng hành nghề ăn xin trên phố.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bé trai dễ bị lạm dụng tình dục

Có thâm niên 35 năm gắn bó với việc khảo sát tình hình trẻ em trên địa bàn, bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng trẻ em Sở LĐTB&XH TPHCM kể về chuyện những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục. Theo bà Minh, bé trai lang thang dễ bị lạm dụng tình dục đồng giới hơn bé gái.

Câu chuyện bé Đức (An Giang) 15 tuổi lang thang lên TPHCM đánh giày kiếm sống. Lơ ngơ tiếp cận môi trường thành phố chưa lâu, Đức bị một người đàn ông ăn mặc lịch sự, bảnh bao thuê đánh giày nhiều lần và lạm dụng. Em kể, ông ta đã rủ đi ăn rồi đưa về nhà trọ, hoặc khách sạn để buộc em quan hệ đồng giới.

Sau khi quan hệ ông ta đã cho tiền và đe dọa em phải im lặng. Sự việc được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi em bị khủng hoảng tâm lý và trốn chạy. Gã đó vẫn tìm được và đe dọa, ép em về phòng mình tiếp tục quan hệ. Đức đã khóc tấm tức khi tình nguyện viên đường phố tiếp cận và chia sẻ. Đức chỉ là một trong số các bé trai đã và đang bị lạm dụng tình dục ở nhiều nơi.

Cũng là chủ nhiệm CLB giáo dục viên đường phố, bà Minh cho biết: bé gái cũng thường bị các nhóm đối tượng lạm dụng, quấy rối hoặc hiếp dâm tập thể. Thường thì sau khi xảy ra chuyện các em thường có tâm lý bất ổn, tránh gặp mọi người. Tình nguyện viên cũng khó khăn khi tiếp cận. Trường hợp của Đức đã được nhóm tình nguyện đưa vào trường tình thương để học tập và hỗ trợ các chế độ ăn uống hàng ngày.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Thanh Hóa cũng khẳng định: trẻ lang thang luôn đối mặt với nhiều nguy cơ. Có khi bị lạm dụng tình dục, bị đàn anh trấn lột, bị đánh đuổi khỏi địa bàn… Ông Huy chia sẻ, Thanh Hóa có nhiều điểm nóng như các xã ở huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc…nhiều gia đình cho con em đi lang thang ở các thành phố lớn hoặc tỉnh lẻ khác kiếm sống. Câu chuyện trẻ bị cò mồi chăn dắt, trả trước cho gia đình bộ bàn ghế, cái ti vi để đưa con đi ăn xin 3 - 4 năm là chuyện không còn lạ.

Giảm nhưng vẫn phức tạp

Năm 2005, TPHCM từng có tới 8.500 trẻ lang thang. Giải pháp mà TPHCM cũng như hầu hết các đơn vị khác áp dụng là vận động trẻ trở về với gia đình tại các địa phương. Đối với trẻ không rõ nhân thân hoặc muốn bám trụ thành phố kiếm sống, Sở LĐTB&XH đã phối hợp các tổ chức quy tụ về các cơ sở bảo trợ, trường tình thương.

Ở đó, các em được học văn hóa, các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ ăn uống và học các kỹ năng sống. Một số trẻ sau khi được học văn hóa đã tiếp tục học đại học có công việc ổn định, hoặc tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn để lao động sản xuất. Giải pháp này được coi là bền vững vì giúp trẻ tránh nguy cơ tái lang thang.

Hiện, TPHCM có khoảng 1.700 trẻ em lang thang đường phố. Trẻ kiếm sống bằng đủ nghề đánh giày, bán dạo, bán vé số, ăn xin…Theo khảo sát, trẻ lang thang kiếm sống thường đi một mình hoặc đi cùng người lớn kèm cặp. Tuy nhiên, trẻ thường sống tập trung cùng nhau trong một khu trọ. Điển hình như khu trọ tại quận 7, một chủ trọ có 88 phòng thì có tới hơn 200 trẻ em lang thang đường phố; Nhà trọ ở quận Tân Bình hơn 100 phòng, trong đó có gần 200 trẻ lang thang...

Nắm bắt tình hình đó, Sở LĐTB&XH TPHCM triển khai mô hình Nhà trọ tin cậy thực hiện thí điểm ở 2 quận có đông nhà trọ là Bình Thạnh và Bình Tân. Sở phối hợp với Công an địa phương các chủ nhà trọ mở các lớp tập huấn về quyền trẻ em. Bà Phan Thanh Minh Trưởng phòng trẻ em Sở LĐ - TB &XH TP cho biết: “Hướng dẫn cho họ biết về quyền trẻ em cũng là gắn cho họ trách nhiệm bảo vệ trẻ em”.

Triển khai mô hình điểm từ năm 2009, đến nay TPHCM đã gặt hái nhiều thành công. Các chủ nhà trọ nhiệt tình hợp tác, liên tục gọi điện theo đường dây nóng báo cáo khi phát hiện trẻ bị lạm dụng, ngược đãi. Đánh giá quá trình thực hiện chương trình Ngăn ngừa và và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục bà Minh khẳng định: số lượng trẻ lang thang trên địa bàn giảm nhưng vẫn phức tạp. Theo thời vụ, trẻ từ các địa phương vẫn liên tục đổ về. Muốn giải quyết vấn đề này, các địa phương khác phải giải quyết tốt đối tượng trẻ có nguy cơ lang thang mới giảm gánh nặng cho thành phố.

Hưng Yên được biết đến với mô hình đào tạo nghề, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khép kín cho trẻ lang thang. Ông Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh, cho biết, năm 2010 tỉnh có 1.000 trẻ lang thang. Khi đó, có trẻ ở gầm cầu, có trẻ bị lợi dụng vận chuyển ma túy và hàng trăm trẻ bị lợi dụng, bóc lột sức lao động…

Triển khai dự án của chính phủ trong đó, Hưng Yên chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn như: xâu hạt cườm, thêu, may, mây tre đan…

Sau khi quy tụ, đào tạo nghề trẻ được hỗ trợ nguyên liệu sản xuất cho thành phẩm tại xưởng. Tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết đầu ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG