Chợ Hàng Da trong ngày khánh thành. Ảnh: Internet. |
Bất tiện
Chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm), sau 2 năm xây dựng, đầu tháng 10-2010 vừa qua, 500 tiểu thương đã được quay lại kinh doanh tại chợ mới. Các tầng 2-4 của toà nhà được chủ đầu tư khai thác bán chỗ cho các doanh nghiệp có nhãn hàng thời trang cao cấp. Tầng hầm thứ 2 của chợ theo thông lệ sẽ là nơi trông giữ xe cho các tiểu thương và khách mua hàng nhưng thực tế mỗi ô tại đây đang được bán làm chỗ đỗ ôtô.
Do chủ các xe máy đều phải gửi ở bãi đỗ rất chật hẹp ven lối vào chợ nên khu chợ thực phẩm tươi sống dưới tầng 1 chỉ thu hút được những khách hàng... đi bộ. Thậm chí vì vắng khách nên nhiều chủ quầy thực phẩm, sành sứ cả tháng nay đều đóng cửa.
Một tiểu thương bán hàng sành sứ cho biết, một tháng vừa rồi chị đóng cửa 17 ngày, mở cửa 13 ngày nhưng có ngày doanh thu được 20.000 đồng, có ngày 50.000 đồng. Chủ quầy thịt lợn phản ảnh, do cứ đến 18h là chợ đóng cửa nên không còn cách nào khác, chị vẫn phải giữ chỗ bán tại chợ tạm Phùng Hưng. “Mổ một con lợn, vào chợ mới đẹp, sạch thật nhưng có lẽ chỉ phù hợp với những mặt hàng không sợ ôi thiu” - chị nói.
Chưa hết, chuyện làm nản lòng tiểu thương là phí đất hằng tháng tại chợ mới cũng tăng lên 250.000 đồng/m2 (chợ Hàng Da cũ là 80.000 đồng), chưa kể tiền điện, nước chia đều theo công tơ tổng thay vì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu như trước kia nên chi phí đội lên khá cao.
Tương tự, trung tâm thương mại chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) được khánh thành trong quý 3 vừa qua nhưng người dân khu vực lân cận không còn vào đây để mua sắm với ý nghĩa của một khu chợ truyền thống như tên gọi. Tầng hầm 1 – nơi duy nhất bán các mặt hàng tươi sống chỉ vỏn vẹn có 2 đơn vị kinh doanh theo mô hình siêu thị. Khách quen ở đây là một số người nước ngoài vào mua bánh, sữa... Toàn bộ các tầng nổi phía trên dành cho doanh nghiệp, ngân hàng thuê làm chi nhánh.
Chị H. vốn là một trong số khoảng 50 tiểu thương tại chợ Cửa Nam trước kia, nay ra ngồi bán thịt gà đầu phố Nguyễn Khuyến nói: “Sau khi cầm tiền bán chỗ cho chủ đầu tư, nhiều tiểu thương ra chợ Trần Quý Cáp hoặc các chợ tạm, chợ cóc kinh doanh. Người dân khu vực này không còn ai vào chợ Cửa Nam nữa”.
Phình trung tâm, nuốt chợ
Theo một chuyên gia kiến trúc thành phố, chủ trương xã hội hoá việc cải tạo, nâng cấp các khu chợ dân sinh lụp xụp, kém văn minh hiện đại, xoá dần toàn bộ chợ tạm, chợ cóc của thành phố Hà Nội đã và đang góp phần tạo nên sự khang trang, bề thế cho hoạt động thương mại thành phố. Song sự phình ra của trung tâm thương mại mà co lại chợ dân sinh sau khi nâng cấp, hoặc nuốt chợ là một thực tế không thể phủ nhận.
Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thừa nhận, sau khi cải tạo, đầu tư xong, chủ đầu tư không dành phần đáng kể khu cho chợ dân sinh trước đó là rất bất cập. “Họ có thể cần đẩy nhanh thu hồi vốn trong vài ba năm bằng cách nâng thêm tầng, thu thêm tiền dịch vụ ở khu thương mại cao cấp để thu hồi vốn nhưng bà con buôn bán trong khu chợ dân sinh, đa phần là dân lao động nghèo. Do đó cần kéo dài thời gian khấu hao để bà con trả dần trong 10-20 năm, thay vì đòi thu khoản lớn. Thậm chí siêu thị vào trung tâm thương mại kinh doanh cũng phải tránh không đụng hàng với chợ” – ông Phú khẳng định.
Tại thời điểm này, vẫn có những dự án dựng chợ thành trung tâm thương mại. Đơn cử như chợ Trung Kính thuộc phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy (với hơn 200 hộ tiểu thương) nhiều khả năng sẽ được giao cho một chủ đầu tư để thực hiện dự án xây chung cư 27 tầng (đã rậm rạp từ năm 2007).
Theo ban quản lý, do tin tưởng sau nhiều lần kiến nghị chợ sẽ được giữ lâu dài (vì mới xây được 5 năm) nên mới đây đã có những người đã bỏ hàng trăm triệu mua ô chỗ để bán hàng ổn định. Tương tự, các tiểu thương tại chợ Châu Long (quận Ba Đình) cũng đang bức xúc khi phương án giải tỏa chợ đã rậm rạp đến hơn 10 năm nay khiến tiểu thương phải mệt mỏi kinh doanh trong nơm nớp lo giải tỏa.
Theo Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (tháng 10-2010), Sở Công Thương Hà Nội đã thừa nhận những hạn chế của giai đoạn 2001-2010 trong phát triển thương mại có một phần liên quan đến chợ. Đến tháng 6-2009, thành phố Hà Nội có 402 chợ. Bình quân 1 quận nội thành có 9,6 chợ và 1 huyện ngoại thành có khoảng 16,4 chợ. Nhìn chung số lượng chợ hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của các hộ kinh doanh và nhu cầu mua sắm hàng hoá của dân cư, nhất là các hàng hoá thuộc nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. (Nguồn: Sở Công Thương Hà Nội) |