Hãi hùng đất lở
>> Thanh Hóa: Hàng nghìn hộ dân sống trong vùng nguy hiểm
>> Sụt lún ở Ba Vì là do mưa lớn
Hàng loạt vết nứt toang hoác chạy dài hàng trăm mét, sâu không thấy đáy, giật sập con đường xuống hố sâu. Những ngôi nhà như có bàn tay khổng lồ nào đó bóp lại, nứt toác, vẹo vọ khiến chủ nhân phải bỏ của chạy lấy người. Đó là cảnh đang diễn ra ở xã miền núi An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Quốc lộ 1A bị sạt lở đoạn qua tỉnh Phú Yên. Ảnh: Duy Thanh (Tuổi Trẻ). |
Ba ngày qua, người dân xã miền núi An Lĩnh sống trong sợ hãi khi đất dưới chân bỗng dưng “cựa quậy” dữ dội. Đã có ba gia đình ở xóm Chợ, thôn Phong Thái, xã An Lĩnh từ sáng 9-11 phải ra khu nhà chợ gần đó sống tạm vì căn nhà của họ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Hàng chục ngôi nhà khác đang bị đất nứt uy hiếp, đe dọa.
Như động đất
Sáng 10-11, ông Phan Chí Linh với vẻ mặt còn chưa hết bàng hoàng, đưa chúng tôi vào căn nhà khá kiên cố xây từ năm 2003. Ông Linh kể: “Sáng 9-11, cả nhà đang ngồi ăn sáng bỗng nghe nhiều tiếng răng rắc. Vôi vữa rơi ngay trong mâm cơm. Đất dưới chân sụt xuống, vài chỗ khác thì gạch men trồi lên, nổ tanh tách. Hoảng hốt, cả nhà quăng đũa bỏ chạy ra sân. Xung quanh cũng có vài nhà chạy ra sân, ra đường.
Chốc lát, cả xóm xôn xao vì chuyện đất dưới nền nhà cựa mình. Mọi người tưởng có động đất”. Ngôi nhà ông Linh giờ đầy những vết nứt ngang dọc trên các bức tường. Nền nhà, bậc tam cấp lát gạch men nơi gồ lên, nơi lõm sâu xuống, bong tróc, biến dạng. Ở nhà dưới, một mảng tường lớn gần như không còn gắn kết vôi vữa vì vết nứt quá lớn, tưởng chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ là có thể đổ sập xuống.
Nhà ông Thái Văn Trọng, 56 tuổi, ở gần đó cũng bị tình trạng tương tự. Ông Trọng kể: “Trưa 9-11, tôi đang nằm ở nhà trên thì nghe nhà dưới có nhiều tiếng răng rắc rất đáng sợ. Vội vàng chạy xuống, tôi hoảng hồn khi thấy bức vách nứt ra, hiên dưới xệ xuống, nền nhà búng lên. Cả ngày và đêm 9-11, nhà tôi bị vài lần như vậy. Chúng tôi phải dùng cây gỗ chống tạm cho nhà khỏi sập, nhưng giờ không dám ở nữa. Ở trong ngôi nhà này 25 năm, giờ chắc phải đi nơi khác ở thôi”.
Tại khu xóm Chợ ở thôn Phong Thái, ngoài nhà của ông Linh, ông Trọng còn có nhà bà Nguyễn Thị Ý, 51 tuổi, cũng bị đất chuyển làm nứt nẻ nhiều nơi, có thể đổ sập. Ông Trần Quốc Vương, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi xã An Lĩnh, cho biết ngoài ba gia đình trên hiện chính quyền địa phương đang vận động năm gia đình khác ở xóm Chợ bị đất nứt uy hiếp trực tiếp di dời đến nhà bà con ở tạm.
Tường nhà ông Phan Chí Linh bị nứt, sắp đổ sập. Ảnh: Duy Thanh (Tuổi Trẻ). |
Nhà của ông Nguyễn Ngọc bị đất đá từ quốc lộ 1A xô đổ. Ảnh: Duy Thanh (Tuổi Trẻ). |
Nguy cơ xóa sổ làng mạc
Ông Trần Văn Bửu, phó bí thư Đảng ủy xã An Lĩnh, cho biết trong các năm 1983, 2001, tại xã An Lĩnh cũng xuất hiện tình trạng đất nứt vào mùa mưa nhưng chưa bao giờ xảy ra nặng và trên diện rộng như vậy. “Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có 25 hộ ở ba thôn Phong Thái, Quang Thuận, Vĩnh Xuân bị đất nứt uy hiếp. Có nhà ở thôn Quang Thuận, vết nứt rộng và dài cắt ngang mặt nhà. Riêng khu xóm Chợ có 55 hộ đều nằm trong khu vực bị đất nứt đe dọa. Cả trụ sở xã An Lĩnh, điểm Trường THCS Nguyễn Hoa đều bị nứt nẻ, nguy cơ sập rất lớn” - ông Bửu nói.
Đất “cựa mình” còn làm hư hỏng nghiêm trọng con đường huyết mạch nối từ đầu thôn Phong Thái lên trung tâm xã An Lĩnh ở thôn Thái Long. Khoảng năm ngày qua, trên con đường đất cấp phối này xuất hiện hàng chục vết nứt dài trên một quãng hơn 100m, nơi rộng nhất của vết nứt khoảng 2,5m, sâu hun hút.
Có nơi nền đường sập hẳn, trôi tuột xuống vùng đất canh tác nông nghiệp của dân ở phía dưới. Đất nền đường rất xốp, đi bộ có thể bị lún chân xuống. Ông Trần Văn Bửu nói: “Con đường này giờ đây xe máy qua lại rất khó khăn, nguy hiểm, ban đêm không thể nào đi được vì có thể bị sụp xuống hố sâu”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho biết: “Do An Lĩnh nằm trên vùng đồi, sườn dốc nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài, đất nhão ra, gây trượt trên diện rộng”. Cũng theo ông Dũng, trong khoảng 10 năm nay xã đã đầu tư xây dựng khu tái định cư Giếng Dông rộng 12ha nằm cách trung tâm xã khoảng 2km để di dời khoảng 80 hộ dân trong khu vực bị đất nứt uy hiếp. Hiện nay khu này đã có khoảng 20 hộ chuyển đến xây dựng nhà ở.
Theo Duy Thanh
Tuổi Trẻ
Quốc lộ 1A qua Phú Yên đổ sụp hơn 1/3 mặt đường Sáng 10-11, quốc lộ 1A tại km1294+820 thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên, nơi bị lún sụt ngày 9-11, đã đổ sụp hơn 1/3 mặt đường một đoạn dài gần 100m, đưa cả đất đá và mái taluy âm xuống sâu bên dưới khoảng 4m. Đất đá từ trên chỗ sạt lở này đã chảy xuống, tràn vào căn nhà kiên cố của ông Nguyễn Ngọc làm nứt gãy nhiều chỗ. Cả gia đình ông Ngọc phải sơ tán người và di dời toàn bộ đồ đạc sang nhà bà con vì ngôi nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. Do tình trạng sụp đổ đường, quốc lộ 1A qua đoạn này chỉ lưu thông được một chiều. Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã tập trung nhiều xe chở đất đá đổ xuống nơi đổ sụp để chặn không cho nền đường sạt thêm. Sáng 10-11, núi Nhạn (phường 1, TP Tuy Hòa, Phú Yên) lại sạt lở. Điểm sạt lở mới tại sườn phía đông nam, nằm cạnh đường Phan Đình Phùng và Bạch Đằng, cách di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia tháp Nhạn khoảng 50m. Tại điểm sạt lở, hàng chục mét khối đất đá, gốc rễ cây đổ xuống bên sườn núi, xổ thẳng xuống khu dân cư. Điểm sạt lở đang xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nguy cơ tiếp tục sạt rơi nhiều tảng đất đá mới. Theo D.Thanh - T.Trực |