Hãi hùng biển 'nuốt' nhà dân

Bao cát và cọc tre không thể chặn sóng dữ. Ảnh: H.N
Bao cát và cọc tre không thể chặn sóng dữ. Ảnh: H.N
TP - Trong vòng hai ngày, tại cửa sông Dinh, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), triều cường cộng với sóng to khiến bờ biển sạt lở, lấn vào đất liền hơn 50m. Theo nhiều người cao tuổi ở địa phương, hiện tượng này chưa từng có trong 60 năm qua.
Bao cát và cọc tre không thể chặn sóng dữ. Ảnh: H.N
Bao cát và cọc tre không thể chặn sóng dữ. Ảnh: H.N.

Đã có 4 nhà dân bị sập, 50 gia đình phải di dời khẩn cấp, 700 hộ dân khác với hơn 3.500 nhân khẩu đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại hiện trường chiều 31-10, nước biển dâng cao, sóng đánh liên hồi tung bọt trắng xóa, thỉnh thoảng từng mảng đất đổ ùm xuống biển. Bốn ngôi nhà bị sập không còn dấu tích, nhiều ngôi nhà khác nằm cheo leo bên chân sóng. Sân bê tông của nhà văn hóa thôn Dinh bị sóng liếm mất 2/3.

Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nhân Trạch, cho biết: Hiện tượng biển lấn bắt đầu xảy ra hôm gió mùa đông - bắc tràn về, và lấn mạnh vào ngày 30 và 31-10. Sạt lở kéo dài khoảng 2km, có nơi đã vào sâu hơn 50m, chủ yếu tập trung ở các thôn Dinh, Bắc, Khối và Nhân Nam.

“Chúng tôi đã huy động toàn bộ dân chúng đóng cọc tre, và dùng 30.000 bao cát để chắn sóng nhưng xem ra không hiệu quả. Đã có hàng ngàn bao cát bị sóng nuốt chửng hoặc đánh ra xa. Cọc tre đóng xuống sát mép sạt lở để bảo vệ bao cát chỉ được mấy tiếng đồng hồ là nằm chỏng chơ giữa nước lại phải nhổ lên để đóng lùi vào” - Ông nói.

Một người dân có nhà bị sập kể lại: “Nhà tui trước cách bờ biển hơn 20m. Hôm gió mùa về, đêm nằm cứ nghe sóng đánh ào ào bên ngoài nhưng không để ý, bởi lâu nay vẫn thế mà không có vấn đề gì. Sáng ra, tui hốt hoảng vì nhà cách mép biển chỉ còn mấy mét. Tui hô hoán người trong nhà ra đóng cọc, đắp bao cát để giữ đất. Dân làng nghe tin cũng ra giúp gia đình tui chống chọi với sóng dữ nhưng không tài nào cản lại được, bao nhiều cọc tre, bao cát cứ thế trôi tuột ra biển. Thấy không xong, tui quay sang dọn đồ đạc trong nhà ôm chạy. Chưa kịp thu vén hết đồ đạc thì ngôi nhà đổ sập”.

Theo những bô lão ở địa phương, năm nào cũng có gió mùa đông bắc, thậm chí có những năm gió bão, sóng to hơn bây giờ nhiều vẫn không xảy ra hiện tượng sạt lở. Cách đây 60 năm, ở đây xảy ra hiện tượng sạt lở tương tự khiến nhiều người mất nhà cửa hoặc phải di dời.

Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chánh văn phòng Ban Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, cho rằng hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở xã Nhân Trạch hiện nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do việc thay đổi dòng chảy của sông Dinh ngay gần cửa biển. Xu hướng biển lấn theo quy luật và trận lũ lụt vừa qua cũng góp một phần không nhỏ.

“Việc gia cố bằng cọc tre và bao cát chỉ là tạm thời, khó mà ngăn được tình trạng sạt lở hiện nay ở Nhân Trạch. Về lâu dài cần có kè chắn sóng bằng bê tông, tuy nhiên vốn là vấn đề nan giải. Để làm 1km đê biển tiêu tốn hết 25 tỷ đồng. Nhân Trạch đang có trên 3km nằm ở bờ Nam và Bắc sông Dinh bị sạt lở nặng. Vừa rồi tỉnh cũng đã triển khai thí điểm ở đây được 0,5km đê biển và rất hiệu quả” - Ông Giai nói.

Nhân Trạch có diện tích 4 km2 nhưng có tới 1.900 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu. Đến chiều 1-11, gió vẫn to, sạt lở vẫn tiếp diễn.

MỚI - NÓNG