Để người dân thực hiện quyền giám sát cán bộ

Người dân đi bầu cử chọn ra đại diện cho mình. Ảnh: ST
Người dân đi bầu cử chọn ra đại diện cho mình. Ảnh: ST
TP - Trước hết cần khẳng định rằng, quyền lực là một khái niệm rất rộng, trong đó có quyền lãnh đạo, quyền quản lý. Trong một xã hội thực sự dân chủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi quyền lực đều ở nơi dân; nói cách khác, nhân dân là chủ thể duy nhất của mọi quyền lực trong xã hội ta.
Người dân đi bầu cử chọn ra đại diện cho mình. Ảnh: ST
Người dân đi bầu cử chọn ra đại diện cho mình. Ảnh: ST.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI mới chỉ khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (người trích nhấn mạnh). Theo chúng tôi, để thể hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, cần khẳng định quyền lãnh đạo đất nước cũng thuộc về nhân dân mà Đảng ta là thiết chế được nhân dân ủy quyền.

Đó là quyền lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo nhân dân tiến hành những cải biến căn bản trong đời sống xã hội nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo do dân ủy quyền cho Đảng bằng việc Đảng thay mặt dân đưa ra Cương lĩnh, đường lối cho sự phát triển đất nước; lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các vấn đề đó thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch… và lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo nhân dân thực hiện các quyết định đó của Nhà nước.

Để cho sự ủy quyền đó không dẫn tới dân mất quyền, dân có quyền kiểm tra, giám sát việc Đảng thực hiện quyền của dân. Việc “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”(*) như Đại hội X nêu ra là phương thức để dân giám sát, phản biện hoạt động của Đảng, bảo đảm Đảng không thoán quyền của dân.

Từ quan niệm nêu trên về quyền lực của dân trong mối tương quan với quyền lực của Đảng, cũng cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia vào công tác tổ chức - cán bộ của Đảng.

Đảng Cộng sản cầm quyền có 3 vấn đề lớn phải làm: Một là, hoạch định cho được một đường lối đúng đắn cho sự phát triển của đất nước; hai là, xây dựng và phát huy cho được một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; ba là, đào tạo, sử dụng có hiệu quả một đội ngũ cán bộ cầm quyền có phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.

Sự đúng đắn của đường lối phụ thuộc một cách quyết định vào mức độ trưởng thành cả về cái tâm lẫn cái tầm của cán bộ. Tình trạng hoạt động của Nhà nước cũng do chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quyết định. Xem thế, trong 3 vấn đề nêu trên, vấn đề thứ ba có vị trí quan trọng nhất. Cán bộ chủ chốt của Đảng cũng là những người giữ các cương vị chủ chốt nhất trong bộ máy Nhà nước nói riêng, trong hệ thống chính trị nói chung. Hầu hết họ sẽ đảm đương những chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân.

Lâu nay, nhiều cương vị chủ chốt trong hệ thống quyền lực Nhà nước và quyền lực xã hội do cán bộ đảng được Đảng giới thiệu sang ứng cử để nhân dân bầu hoặc cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm. Nhìn chung, hầu hết cán bộ đó đều đạt yêu cầu về phẩm chất và năng lực mà nhân dân cần, song cũng có một số trường hợp chưa hoàn toàn như vậy.

Nên chăng, để thể hiện đúng quyền lực của dân trong việc xác lập các vị trí chủ chốt trong hệ thống quyền lực, kể cả trong hệ thống quyền lực của Đảng, cần có cơ chế khác. Chẳng hạn, nên để nhân dân bầu ra các đại biểu của mình giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống quyền lực của dân trước, tiếp theo, Đảng lựa chọn trong số cán bộ đó mà xác lập các vị trí chủ chốt trong hệ thống quyền lực của Đảng. Làm được như vậy mới thể hiện đúng tinh thần Đảng dựa vào dân, tin dân.

_____

(*). Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB. CTQG, HN, 2006, tr.135. Chúng tôi nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG