Xanh cao còn hơn chín rớt

Nụ cười được giá của lão nông Từ Văn Thư
Nụ cười được giá của lão nông Từ Văn Thư
TP - Chiều muộn tại thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), nơi được coi là vựa vải thiều lớn nhất nước, tấp nập bởi những chuyến xe tải kềnh càng đi lại giữa phố, những sọt vải thiều nặng trĩu trên hai bánh xe máy, những tiếng eo xèo ngã giá giữa người bán, kẻ mua…

Lão nông Từ Văn Thư (thôn Nhập Thành, xã Nghĩa Hồ, Lục Ngạn) ngơ ngác giữa những lời chào mời, trả giá, chê bai của đám bạn hàng xung quanh.

Nụ cười được giá của lão nông Từ Văn Thư
Nụ cười được giá của lão nông Từ Văn Thư . Ảnh: N.Trường

Vải thiều của bác họ trả bao nhiêu?

95 (9.500 đồng/kg - PV), nhưng hôm nay vậy là xuống giá, hôm qua tôi bán được 11 rưỡi cơ đấy.

Sao xuống nhanh thế bác?

Không phải, giá vẫn thế nhưng cái chính là chúng tôi bán theo cảm tính thôi. Chúng tôi thích bán mười nghìn, mười một nghìn, mười hai nghìn là theo cảm tính hết. Ra cổng chúng tôi có thể gặp hàng trả mười, ra ngoài đường cái có hàng trả chín rưỡi, ra một chỗ nữa có thể trả mười một… bán hay không là tùy chúng tôi. Chúng tôi thấy chấp nhận được là được.

Vậy thì thiệt thòi quá, mỗi xe mất vài trăm nghìn đồng ấy chứ? Có phải do người dân thiếu thông tin không?

Không phải, đi chợ mỗi anh có một cái điện thoại a-lô cho nhau liên tục báo chỗ nọ, chỗ kia giá bao nhiêu. Nhưng suy cho cùng thì chả bao giờ có giá chung cả.

Đây nhé, ví dụ tôi là chủ hàng mua với giá mười nhưng sắp “no” hàng rồi thì lại có rất đông người đến thì tôi lại phải trả xuống thấp hơn đi chứ. Ai thích thì bán, ai không thích thì lại đi.

Có người vì thế đi lòng vòng cả buổi không tìm được chỗ nào bán hợp lý, nhưng có người ăn may ra cái gặp đúng chỗ ngon ngay. Với lại năm nay vải thiều được giá, mỗi xe máy chở được hơn một tạ vải thiều cũng có khoảng một triệu đồng rồi, hơn thiệt một, hai trăm nghìn người ta chả tính, cho nó xông xênh!

Hình như vải thiều của bác vẫn còn xanh?

Kể ra thì chưa chín thật nhưng chú nhìn xem, hầu như vải nhà nào chả thế. Bây giờ mới là đầu vụ, vải chưa thật ngon nhưng có người mua là chúng tôi bán. Đợi đến lúc chính vụ thì chả biết đường nào mà lần. Xanh mà được giá còn hơn chín rớt giá…

Nhưng Lục Ngạn đang xây dựng thương hiệu vải thiều “quả to, hạt nhỏ, vỏ đỏ, cùi dày”, vừa rồi lại được cấp chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” cơ mà?

Chúng tôi cũng biết là nếu cứ để đến chính vụ thì quả vải sẽ ngon, ai ăn vải Lục Ngạn một lần là nhớ, giá cũng có thể cao hơn. Nhưng bán đầu vụ thì giá cũng đã cao rồi, hơn nữa thuê người lại dễ dàng hơn, không phải cạnh tranh nhiều và nhất là không lo tắc đường. Tôi sợ tắc đường lắm!

Năm nay, bác dự tính được khoảng bao nhiêu tiền từ vải thiều? Có lãi nhiều không ạ?

Nông dân chúng tôi chẳng tính toán chi li làm gì. Nhưng nói chung là mỗi tấn vải cũng phải mất đến khoảng hơn ba chục triệu đồng mua phân đạm, thuốc trừ sâu… Nếu cứ được giá từ khoảng bẩy mươi (7.000 đồng/kg) trở lên là chúng tôi có lãi rồi. Năm nay nhà tôi mất mùa nên chỉ được khoảng 50 triệu đồng.

Bác sẽ làm gì với số tiền này?

Tôi định mua sắm một số vật dụng gia đình, dành tiền nuôi mấy cái tàu há mồm. Còn lại thì trả nợ ngân hàng.

Nghe nói, người Lục Ngạn giàu vì vải nhưng nợ ngân hàng cũng lớn?

À, chuyện ấy thì cũng có. Bởi vì chúng tôi không mấy khi để dành tiền. Có tiền là cứ nên chi tiêu đi đã. Nên muốn đầu tư cái nọ cái kia thì lại phải vay ngân hàng. Kể cả đầu tư chi phí trồng vải cũng phải đi vay.

Hơn nữa, nhiều nhà trước đây cũng liều vay để mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy… hy vọng đến khi thu hoạch vải thiều sẽ trả được nhưng cũng có khi mất mùa hoặc rớt giá thì lại không thể trả được.

Vậy nợ ngân hàng làm thế nào?

Thì lại xin giãn nợ chứ. Có năm bị mất mùa, ngân hàng cũng giãn nợ cho chúng tôi mà.

Bây giờ bác lo gì nhất?

Tôi chỉ lo trời mưa thôi. Mưa xuống cái là quả vải thiều lại có bao nhiêu là bệnh, nào là thán thư, sương mai… khiến cho mã của quả vải kém, giá giảm, thậm chí không bán được vì quả bị nứt toác ra, nhìn chẳng thèm nhìn, nói chi đem bán.

Bác mong ước điều gì?

Có chứ, mong nhất vẫn là được mùa mà vẫn được giá. Muốn được giá thì lại mong các cấp làm sao cho thông thoáng hơn nữa để có nhiều người đến mua vải, có hợp đồng trước thì càng tốt.

Để bác không phải lo hái vải xanh đi bán?

Chính thế đấy! Người làm vườn mấy ai thích hái quả xanh đem bán!

MỚI - NÓNG