Diễn biến dịch sâu róm ngày càng phức tạp. Toàn tỉnh đã chi gần 1 tỷ đồng cho công tác dập dịch.
Đồi thông đang bị sâu róm ăn trụi lá |
GĐ Lâm trường Đại Huệ Lê Văn Kiên cho biết: Hiện lâm trường quản lý 4.500 ha thông (532 ha rừng đặc dụng) phân bố trên 14 xã thuộc huyện Nam Đàn.
Đến đầu tháng 9/2005 dịch sâu róm bùng nổ, lan nhanh tại tiểu khu 1010 (đội Nam Hưng). Chúng tôi có mặt tại núi Đại Huệ, chứng kiến nhiều khoảnh rừng đã bị vàng vọt. Lũ sâu ăn lá rào rào.
Những người công nhân sử dụng máy bơm, phun thuốc Bitadin lên độ cao 10 - 15m.
“Tính đến thời điểm này, tỉnh đã hỗ trợ 55 triệu đồng; Lâm trường chi 100 triệu để phục vụ công tác dập dịch. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với Chính quyền địa phương huy động dân quanh vùng lên rừng diệt sâu, bằng nhiều phương tiện. Đã tiêu diệt được gần 2 tạ sâu róm” - GĐ Lê Văn Kiên nói.
Mưa liên miên. Gió mùa đông Bắc liên tục tràn về trong tháng 10 làm độ ẩm tăng - điều kiện thuận lợi cho dịch sâu róm bùng phát. Tốc độ sâu phát triển nhanh, mạnh, khiến nhiều rừng thông tan tác.
Vùng trọng điểm có mật độ sâu róm cao gồm: xã Mai Hùng, Quỳnh Nghĩa, đội 2 (Lâm Trường Quỳnh Lưu); Diễn Thắng, Diễn Lợi, Diễn Đoài (huyện Diễn Châu); Tiểu khu 891B (xã Vĩnh Thành – huyện Yên Thành); lâm trường Đô Lương (huyện Đô Lương); lâm trường Đại Huệ (huyện Nam Đàn).
Mật độ sâu róm có nơi từ 75 – 350 con/cây; cá biệt có lô rừng sâu dày đặc từ 500 – 600 con/cây (ở vùng rừng nhiễm sâu từ trung bình đến cao, rất cao). Đến nay, diện tích rừng bị nhiễm sâu thế hệ 4 của toàn tỉnh Nghệ An đã lên tới 7.675 ha. Trong đó có 544 ha thông nhiễm sâu rất nặng.
Riêng Lâm trường Nghi Lộc (đơn vị bị thiệt hại nặng nhất trong đại dịch sâu róm năm 2003). Năm 2005, tuy diện tích rừng thông nhiễm sâu khá nhiều, nhưng số thông có mật độ sâu trung bình chỉ 10 ha; Nghi Lộc không có vùng rừng bị nhiễm nặng, trụi tán.
Đối phó với dịch sâu róm, tỉnh Nghệ An đã chi gần 1 tỷ đồng. Hầu hết các lâm trường đã phun chế phẩm sinh học Bevorin, Bevorit khi sâu hại đang ở thế hệ 3, thế hệ 4: Lâm trường Đô Lương phun phòng trừ trên diện tích 512,5 ha thông; Lâm trường Yên Thành sử dụng hơn 1 tấn Bevorin cho 360 ha; Lâm trường Đại Huệ: trên 500 ha; Nghi Lộc: 25 ha; Quỳnh Lưu: 220 ha.
“Chi cục lâm nghiệp địa phương đang đề nghị tỉnh cấp bổ sung 970 triệu đồng phục vụ công tác dập dịch” - một cán bộ ngành lâm nghiệp Nghệ An cho hay. Dự báo thời gian tới, rừng sẽ bị sâu gây hại, tàn phá nặng thêm.