Kiến trúc Việt Nam: Sự trả giá sẽ không nhỏ!

Kiến trúc Việt Nam: Sự trả giá sẽ không nhỏ!
TP - Chủ tịch Hội KTS VN nhấn mạnh tại Đại hội KTS vừa diễn ra tại Hà Nội: Khi chúng ta giật mình nhìn lại các công trình kiến trúc, hiểu được cho đúng thì quá khứ đã làm hỏng đi rồi. Sự trả giá sẽ là không nhỏ!

Tại Đại hội lần thứ 8 (giai đoạn 2010-2015) kết thúc hôm 24-4 vừa qua, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu nói, trong khi kiến trúc thế giới đang mạnh mẽ bước lên đỉnh cao của con sóng Kiến trúc bền vững - kiến trúc sinh thái thì Việt Nam vẫn loay hoay trong việc “xây dựng một nền kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” với những lúng túng không dễ tháo gỡ.

Không ít các nhà quản lý đưa ra yêu cầu giới kiến trúc phải chỉ ra “bản sắc kiến trúc Việt Nam” là những đầu đao hình rồng, con nghê, con phượng hay bậc tam cấp, cửa bức bàn... để rồi lắp nó vào công trình hiện đại với mong muốn có được ngôi nhà “đậm đà bản sắc”. Một bài toán không có lời giải, nói cách khác là bài toán sai đầu bài!

Còn KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS VN đặt ra câu hỏi, ở thành phố Lai Châu, họ san ủi hết thảy những quả đồi để xây dựng một quảng trường to lớn, những đại lộ, tôi không biết để làm gì?

Những người chủ ở đây, họ có tôn trọng những quả đồi - một phần làm nên bản sắc vùng cao này hay không. Đến các tỉnh, thành phố của Lai Châu, Điện Biên hay Bắc Kạn, đâu là sự khác biệt bản sắc kiến trúc của các tỉnh này...

Sự biến đổi đến chóng mặt của kiến trúc nông thôn VN, đặc biệt là nông thôn miền Bắc chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây mới là điều gây sửng sốt. Có KTS ví von, nó dữ dội gần bằng cả ngàn năm lịch sử: không quy hoạch, không quản lý, xô bồ, mạnh ai nấy làm miễn là có tiền, đâu có đất trống là xây... với đủ các kiểu nhà, các chi tiết kiến trúc Đông, Tây, Trung Cận Đông... Thậm chí, nhiều gia đình trước khi làm nhà đều chọn phương án kiến trúc bằng cách: lên thành phố chụp ảnh.

Quy hoạch kiến trúc ở nông thôn đang bị bỏ quên hoặc phó mặc. Cảnh quan và không gian văn hoá làng quê đang bị phá vỡ, điều kiện môi trường ngày càng báo động, bức bối về giao thông…là những hệ luỵ có nguyên do từ quy hoạch xây dựng không ai lo.

Trong khi đó, quy hoạch-kiến trúc từ việc điều tra, nghiên cứu đến thiết kế và đầu tư không chọn nông thôn, người nghèo làm đối tượng chính.  Bởi vậy, kiến trúc nông thôn đứng trước nguy cơ bị đô thị hóa xói mòn.

Theo lời ông Vạn, vai trò phản biện kiến trúc của Hội chưa thực hiện được ở địa phương. Ông Vạn bày tỏ lo ngại: Khi chúng ta giật mình nhìn lại các công trình kiến trúc, hiểu được cho đúng thì quá khứ đã làm hỏng đi rồi. Sự trả giá sẽ là không nhỏ!

Kiến trúc sư VN: Thua

“Nói cho cùng, nếu có sai lầm dẫn đến chất lượng kém thì KTS phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm, dù không phải là người duy nhất và có quyền lớn nhất trong sự hình thành mỗi công trình kiến trúc” - ông Vạn nói.

Tại Đại hội, các KTS thừa nhận trình độ và tay nghề đang có khoảng cách lớn so với khu vực và thế giới. Thực tế, hầu hết công trình kiến trúc lớn của đất nước hiện đều lọt vào tay KTS hoặc tập đoàn nước ngoài.

Về điều này, nhiều KTS cho rằng, một phần là do tư tưởng “sính ngoại” từ cấp quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp đến chủ đầu tư. Hơn nữa, là hoạt động nghề nghiệp của KTS VN đang trong tình trạng xé lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm.

KTS VN hiện nay đang chạy theo lợi nhuận, làm thợ vẽ hơn là sáng tạo nghệ thuật. Trong khi đó, các KTS nước ngoài hoạt động theo số đông, tập đoàn…Việc KTS VN thua ngay trên sân nhà là đương nhiên.

KTS Nguyễn Việt Châu cho rằng, kiến trúc sinh thái chắc chắn là câu trả lời duy nhất để tìm lời giải cho xu hướng kiến trúc VN trong thế kỷ 21. “Chúng ta không thể lạc bước và không thể quá tụt hậu trên con đường chung của kiến trúc thế giới.

Đây là công việc rất khó khăn, rất lâu dài, và có thể các thế hệ con cháu chúng ta mới có thể nhận dạng khuôn hình của nó, song sẽ không có ngày đó nếu như cha ông của chúng không bắt đầu công việc từ bây giờ”.

Nhiều công trình kiến trúc của VN thời gian qua cũng nhận giải thưởng quốc tế uy tín: giải nhì giải thưởng kiến trúc quốc tế ở Mỹ cho các công trình bằng tre; Giải thưởng kiến trúc thế giới IAA 2009 cho “Bar Gió và Nước” và Trung tâm văn hóa cà phê Trung Nguyên…. của Võ Trọng Nghĩa.

Đã nhiều lần giới KTS VN lên tiếng rằng, ở bất cứ đâu, thông qua điều kiện thiên nhiên, khí hậu, tập quán sinh hoạt của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống cần phải nắm giữ và khai thác.

Những tầm nhìn chiến lược, những gợi mở ấy, tưởng cũ nhưng dường như lại là mới với các KTS VN, trong đó vai trò định hướng của Hội KTS VN là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nền kiến trúc sinh thái VN.

MỚI - NÓNG