Ô nhiễm từ làng miến dong: Đi ngủ cũng bịt khẩu trang

Ô nhiễm từ làng miến dong: Đi ngủ cũng bịt khẩu trang
TP - Theo ước tính của ông Nguyễn Chí Mậu, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) chỉ riêng xã này đã có xấp xỉ 2.000 người phải sống chung với ô nhiễm. Nguyên nhân chính là nước thải của các làng nghề làm miến dong trong khu vực bị ứ đọng, hôi thối.
Ô nhiễm từ làng miến dong: Đi ngủ cũng bịt khẩu trang ảnh 1
Đoạn kênh T2 chảy qua xã Sơn Đồng - Ảnh: Văn Việt

Kênh T2, đoạn chảy qua xã Sơn Đồng có hai xóm là xóm Rạch và xóm Rô, nhưng dân ở đây vẫn quen gọi là xóm… cống thối.

Chị Nguyễn Thị Lan, nhà tại xóm Rô than: “Thối không thể chịu đựng nổi. Dân ở đây ngửi quanh năm nên quen mũi, chứ khách khứa nơi khác đến thì hầu như ai cũng kè kè chiếc khẩu trang, có người đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang cho bớt khó chịu!”.

Nhiều người sống tại đây cho biết thêm, cao điểm của ô nhiễm thường xảy ra vào tháng 11 đến tháng 3 hằng năm, khi các xã Cát Quế và Minh Khai đẩy mạnh sản xuất miến dong phục vụ cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Việc sản xuất miến tạo ra bã thải rắn và chất thải lỏng xả trực tiếp xuống kênh T2 mà chưa hề qua bất kỳ khâu xử lý nào. Bã thải tồn đọng lâu ngày đóng thành từng lớp dày trên mặt kênh, tới mức gà, chó có thể… chạy trên đó.

Bên cạnh đó, con kênh này cũng có khả năng bốc cháy! Dân trong xã Sơn Đồng thi thoảng vẫn hay chọc lỗ trên mặt kênh, rồi ném tàn lửa xuống đó, lửa cháy kêu lụp bụp. Theo họ, là cách để khí mê tan gây mùi thối bị tiêu biến bớt.

Anh Nguyễn Xuân Tụ, chủ một cửa hàng Internet cạnh kênh T2 ngao ngán: “Mùi thối chưa đáng sợ bằng muỗi. Có nhiều chỗ nước tù đọng trên kênh trở thành nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản.

Vợ anh Tụ cho biết thêm, mấy tháng nay có nhiều người bị sốt xuất huyết, nên nhà chị ngày nào cũng đóng cửa xịt thuốc muỗi vài lần”. 

80% số người tử vong là do ung thư

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Chí Mậu, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết: “Bản thân lãnh đạo xã cũng hàng ngày phải ngửi mùi thối chứ không chỉ riêng người dân. Kể từ năm 1994 đến nay, khi tình hình ô nhiễm trở nên trầm trọng, xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện tìm cách giải quyết, nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu”.

Ông Mậu phân tích, nước thải gây mùi xú uế chủ yếu là do bã thải và nước thải từ các xã làm miến ở thượng nguồn. Sau khi chu du qua 2 km thì chảy tới địa phận Sơn Đồng, đúng lúc các chất hữu cơ phân hủy nên bốc mùi nồng nặc.

Mặt khác, theo ông Mậu, kênh T2 còn là nơi hứng nước thải công nghiệp của một số Cty và các hộ kinh doanh ngành nghề khác, thế nên nồng độ Asen và kim loại nặng trong nước giếng khoan tại Sơn Đồng là khá cao.

Ông Mậu bày tỏ: “Xã chúng tôi có điều kiện kinh tế tương đối khá. Thế nhưng vài năm gần đây tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng lên tới hơn 20%. Mặt khác, bệnh đường hô hấp cũng tăng cao. Nguy hiểm nhất là 80% số người trong xã tử vong gần đây là do ung thư. Tôi nghi ngờ điều này có liên quan tới nước thải, chất thải.

Chia sẻ quan điểm với ông Mậu, bà Nguyễn Thị Lan - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hoài Đức cho biết: “Giải quyết triệt để những bức xúc quanh kênh T2 là quá tầm của địa phương! Cho tới nay những biện pháp đưa ra không giải quyết được gì nhiều”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG