Chưa an tâm với sữa Ba Vì

Chưa an tâm với sữa Ba Vì
TP - Trên đường từ Sơn Tây về Hoà Lạc (Hà Nội), hàng trăm cửa hàng kinh doanh sữa tươi Ba Vì nhộn nhịp khách mua. Thế nhưng, ít ai biết rằng, công nghệ làm sữa tươi tại nhiều cửa hàng ở đây không đảm bảo an toàn.
Chưa an tâm với sữa Ba Vì ảnh 1
Các nhà hàng bán sữa Ba Vì đặt biển quảng cáo dọc đường Hòa Lạc - Sơn Tây. Ảnh: Hồng Vĩnh

Chị Nguyễn Thị Hương, ở 84B Kim Mã, Ba Đình (Hà Nội), cho biết, ngày Tết Độc lập vừa qua, trên đường từ quê ngoại Phú Thọ về Hà Nội, qua khu vực Hoà Lạc, chị ghé vào mua bốn lít sữa tươi Ba Vì bán ven đường nhưng về nhà phải đổ bỏ vì sữa có mùi khó chịu. Nhiều bạn đọc của Tiền Phong cũng than phiền về tình trạng trên.

Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn Hà Nội, cho biết, trong nhiều lần đi kiểm tra, đoàn công tác phát hiện công nghệ chế biến sữa tươi tại nhiều cửa hàng trên không đảm bảo an toàn.

Theo đó, nông dân thu mua sữa bò hoặc vắt sữa từ đàn bò của gia đình, rồi dùng các máy chế biến gia công để làm sữa tươi, bán cho khách qua đường. Hầu hết sữa tươi ở đây đều không được kiểm nghiệm chất lượng khi nhập vào, quy trình thanh trùng sữa cũng thủ công và thô sơ.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, sữa tươi (hay còn gọi là sữa thanh trùng) là sữa bò được gia nhiệt từ 75 oC đến 85 oC trong 12 - 20 giây để diệt các vi khuẩn gây bệnh, có tuổi thọ ngắn (8 -10 ngày), được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 6 oC trong bao bì chưa mở.

Thế nhưng, ở các cửa hàng này, công nghệ thanh trùng rất đơn giản, không đảm bảo quy trình. Hơn nữa, hiện tượng pha thêm nước vào sữa để bán cũng thường xuyên xảy ra.

Ông Tường cho biết thêm, hiện cả Hà Nội có khoảng 300 hộ kinh doanh sữa tươi kiểu này nên việc quản lý chất lượng rất khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, cho hay, cái khó trong kiểm tra, giám sát chất lượng sữa trước hết là do trung bình mỗi tỉnh chỉ có một cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Một nửa thời gian, cán bộ này phải làm quản lý, báo cáo; nửa thời gian còn lại làm thanh kiểm tra nên khó kiểm soát chất lượng ATVSTP.

Cũng theo ông Vang, năm năm qua, chi phí về ATVSTP trung bình cho mỗi người Việt Nam chỉ 780 đồng/năm, bằng 1/9 mức đầu tư của Thái Lan, bằng 1/136 mức đầu tư của Mỹ.

Chưa an tâm với sữa Ba Vì ảnh 2
Các nhà hàng bán sữa Ba Vì đặt biển quảng cáo dọc đường Hòa Lạc - Sơn Tây. Ảnh: Hồng Vĩnh

Có phải sữa bò Ba Vì?

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), toàn miền Bắc có hơn 27.000 con bò sữa, cho sản lượng khoảng 90 tấn/ngày. Số sữa này được các doanh nghiệp sữa thu mua với tỷ lệ: Vinamilk 49 phần trăm, Dutch Lady 20 phần trăm, Hanoimilk 15 phần trăm, Mộc Châu tám phần trăm, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Riêng huyện Ba Vì có hơn 2.200 con bò sữa, với 65 phần trăm trong số này cho sản lượng sữa 15 tấn/ngày. Trong đó, Cty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) thu mua sáu tấn/ngày, Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì năm tấn/ngày, cửa hàng lẻ mua 1 - 2 tấn/ngày... Thế nhưng, hiện trên thị trường tràn ngập sữa tươi mang nhãn hiệu Ba Vì.

Theo báo cáo chi tiết sản lượng sữa tươi Ba Vì từ tháng 11/2008 đến tháng 6/2009 của Cty IDP, ngoài việc thu mua sữa từ vùng đồi núi Ba Vì, Cty thừa nhận còn thu mua sữa từ các huyện khác của tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Đông Anh (Hà Nội), thậm chí từ các tỉnh khác (như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hoà Bình…).

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc này dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là tất cả sản phẩm sữa tươi của một số doanh nghiệp kia đều là sữa từ đàn bò nuôi ở Ba Vì, nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng đặc trưng cho bò sữa.

Với lượng sữa sản xuất ra mỗi ngày trên toàn miền Bắc ít như vậy, chỉ có  thể cung cấp cho một nhà sản xuất với quy mô công suất nhỏ. Nhưng thực tế hiện nay ở miền Bắc có tới tám doanh nghiệp đang sản xuất sữa tươi với tổng sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 330 tấn/ngày (riêng ở Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ 200.000 lít sữa mang nhãn sữa tươi).

Liệu bao nhiêu phần trăm sản lượng sữa đó thực sự sản xuất ra từ sữa bò của nông dân Việt Nam? Và thực tế sữa tươi đang được gọi là sữa Ba Vì có bao nhiêu là sữa từ đàn bò nuôi ở vùng Ba Vì?

Tiến sỹ Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT, cho biết, chắc chắn có hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh sữa kê khai không hết hoặc kê khai không thật giữa lượng sữa đầu vào và đầu ra.

Vì thế, rất có thể có tình trạng pha trộn sữa bột nguyên liệu để hoàn nguyên và bán dưới dạng sữa tươi kiếm lời. Cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ sự nhập nhằng trong kinh doanh sữa tươi hiện nay.

Sản phẩm sữa là hàng giả, hàng kém chất lượng bị thu giữ có xu hướng tăng: Năm 2004 là 967 hộp, năm 2005 là 9.666 hộp, năm 2006 là 3.043 hộp, năm 2007 là 21.998 hộp, năm 2008 là 71.728 hộp. (Nguồn: Bộ Công Thương)

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Dự án có hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm KCN 3.550 tỷ đồng
Địa ốc 24H: Dự án có hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm KCN 3.550 tỷ đồng
TPO - Khu đô thị lấn biển bỏ hoang 'mọc' hàng loạt nhà trái phép; Chuyển cơ quan điều tra dự án hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm khu công nghiệp 3.550 tỷ đồng; Cảnh hoang tàn khu nhà ở Đại Nam trên ‘đất vàng’;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/1.