Khám phá mới trong văn bản cổ lệnh Hoàng Sa

Khám phá mới trong văn bản cổ lệnh Hoàng Sa
TP - Khi tờ Lệnh Hoàng Sa được phát hiện (31/3/2009), nhiều bí ẩn sau văn bản cổ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa này cũng được các nhà khoa học tiến hành giải mã.

Tiền phong xin giới thiệu bài viết của TS.Nguyễn Đăng Vũ - Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi - người đã phát hiện và đã được gia tộc họ Đặng ở làng An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tin tưởng bàn giao tài liệu quý giá đó.

Kỳ 1: Nhiệm vụ “quan yếu”  

Lệnh cơ mật 

Có một vài sai sót nhỏ (về nội dung) mà báo chí đã đưa tin ngay sau ngày chúng tôi tiếp cận văn bản, như về niên đại, một vài tờ báo, trang web ghi là năm Ất Mùi – 1835, mà đúng ra phải là năm Giáp Ngọ - 1834; hoặc về chủ thể văn bản, không phải là của vua Minh Mạng mà là của quan Bố -Án  (quan Bố chánh và Án sát), như có viết ở trang đầu văn bản, và vì thế cũng không thể gọi là sắc chỉ.

Khám phá mới trong văn bản cổ lệnh Hoàng Sa ảnh 1
Gia tộc họ Đặng bàn giao tờ Lệnh Hoàng Sa

Dù không phải sắc chỉ của vua, hoặc lệnh của Bộ Binh, nhưng chúng ta cũng thấy rằng, việc đi Hoàng Sa lẫn Trường Sa để đo đạc, vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền, trồng cây trên đảo là có sự chỉ đạo thống nhất của nhà nước phong kiến Việt Nam, đặc biệt là vào thời Minh Mạng.

Sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương về việc đi Hoàng Sa – Trường Sa thể hiện rõ trong các bộ chính sử của triều Nguyễn, như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”…, hoặc trong các châu bản triều Nguyễn. Nội dung của văn bản này cũng đã thể hiện rõ điều đó, vì ngay  chính ở dòng đầu của trang đầu tiên cũng đã ghi là (quan Bố - Án) “vâng lệnh của Bộ Binh”! Nhưng vì sao lại chỉ có quan Bố chánh và Án sát đồng đóng dấu triện trên văn bản cổ này? Sao không thấy sự hiện diện của quan Tuần phủ?

Tỉnh Quảng Ngãi được chính thức thành lập (là đơn vị cấp tỉnh) vào năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13). Theo “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, và cả những ghi chép trong “Hải Nam tạp trứ” của Thái Đình Lan - một nho sinh Đài Loan bị gió bão đánh trôi giạt vào bờ biển tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm này - lúc bấy giờ tỉnh Quảng Ngãi chưa có quan Tuần phủ riêng, tiến sĩ Phan Thanh Giản là người kiêm chức Tuần phủ Nam - Ngãi (cả Quảng Nam lẫn Quảng Ngãi, nhưng chỉ đóng dinh thự ở Quảng Nam). Hai vị quan trực tiếp xử lý toàn bộ công việc chính trị, hành chính, chính sự, quân sự...tại Quảng Ngãi là Bố chánh (mà lúc đó Ty Bố chánh gọi là Ty Phiên) và Án sát (Ty Án sát gọi là Ty Niết). Hai ty Phiên và Niết đều đặt tại tỉnh thành Quảng Ngãi.

Bố chánh Quảng Ngãi 1834 là Lê Nguyên Trung, rồi sau đó là Trương Văn Uyển, 1835 là Tôn Thất Bạch; Án sát Quảng Ngãi 1834 là Nguyễn Đức Hội và 1835 là Đặng Kim Giám. Khi cần ban một quyết định cơ mật, thì cả quan Bố chánh và Án sát cần phải hiệp y. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trên văn bản cổ này có đóng dấu của quan Án sát lẫn quan Bố chánh. Và cũng chính từ 2 con dấu đỏ đóng trên văn bản này chúng ta cũng có thể suy luận thêm, việc cử các ông Võ Văn Hùng, Đặng Văn Siểm, và nhiều người khác (có ghi trong văn bản) đi Hoàng Sa còn là một việc hết sức quan trọng và cơ mật.

Quân lệnh như sơn

Trong tờ Lệnh Hoàng Sa có nói rõ về thời gian ấn định để các phái viên, biền binh, thủy thủ đi Hoàng Sa, đó là: cứ vào hạ tuần tháng ba hàng năm. Lần giở các bộ chính sử như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu...và châu bản của triều Nguyễn, lẫn các tài liệu khác có nói về những chuyến hải trình đi Hoàng Sa vào các năm 1834, 1835, 1836, 1837, 1838…(tức các năm Minh Mạng thứ 15, 16,  17, 18, 19...,) sẽ thấy danh tính những cai đội, đội trưởng, chánh đội trưởng suất đội, như Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Biện, các hướng dẫn viên đường thủy như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, các viên giám thành vẽ họa đồ Hoàng Sa là Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Hoàng…

Khám phá mới trong văn bản cổ lệnh Hoàng Sa ảnh 2
Đình làng An Vương

Tuy nhiên, hàng trăm binh phu, thủy thủ khác cùng đi trong những năm này đều là vô danh. Điều đó không có gì là lạ, bởi sử sách không thể nào ghi đầy đủ tên tuổi, bản quán của tất cả binh phu cùng đi với họ trong từng năm một. Hàng trăm ngôi mộ gió còn hiện diện trên đất đảo Lý Sơn cũng đã góp phần chứng minh điều đó.

Họ là những ai trong văn bản cổ này? Người đầu tiên phải nhắc tới, đó chính là Võ Văn Hùng. Văn bản cổ của dòng họ Đặng cho biết, Võ Văn Hùng giỏi việc đi thuyền, rành rẽ hải phận, là người đã được cử đi từ năm trước (1833), nên lần này (1834) lại  được quan Án sát và Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giao nhiệm vụ tuyển chọn thêm những binh phu am hiểu hải trình, đưa các phái viên ở kinh thành, biền binh, thủy quân thẳng tiến ra đảo Hoàng Sa.

Vào năm thứ Minh Mạng thứ 16 (Ất mùi - 1835), chuyến đi Hoàng Sa về chậm trễ, đo vẽ bản đồ chưa chu toàn, cai đội Phạm Văn Nguyên và các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoàng bị phạt mỗi người 80 trượng. Riêng Võ Văn Hùng và Phạm Văn Sanh là những người có công trong việc hướng dẫn binh thuyền, tận tâm đo đạc hải trình nên được thưởng mỗi người 1 quan Phi Long ngân tiền. Các dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cùng đi mỗi người cũng được thưởng 1 quan tiền.

Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cũng chính Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh cùng Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, người chỉ huy chuyến đi Hoàng Sa lần này, do khởi hành chậm trễ nên đều bị phạt (nhưng binh lính thì vẫn được thưởng 2 quan tiền!).

Thật là quân lệnh nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, và có lẽ việc thưởng phạt nghiêm minh ấy còn chứng tỏ rằng, thời ấy sứ mệnh đi Hoàng Sa lẫn Trường Sa là một nhiệm vụ cực kỳ “quan yếu”, như đã có ghi trong văn bản cổ của dòng họ Đặng làng An Hải.

Từ những suy luận về ông Võ Văn Hùng nêu trên, ta có thể thấy, những người được nêu tên trong văn bản cổ này, như Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định.. chắc hẳn cũng đã liên tiếp đi Hoàng Sa và Bắc Hải (cả Trường Sa) trong nhiều năm sau đó, trừ những người xấu số, phải chịu bó xác người bằng một đôi chiếu, 7 sợi dây mây, 7 chiếc đòn tre…để đồng đội thả trôi trên mặt biển bao la với chút hy vọng mỏng manh là xác người có thể được trôi về bản quán.

Họ cùng với các vị chỉ huy: Cai đội Trương Phúc Sĩ (vào năm 1833, 1834), cai đội Phạm Văn Nguyên (vào năm 1835), Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật (năm 1836), Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện (năm 1837) đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ các hòn đảo, cắm cột mốc chủ quyền, dựng miếu…với vô vàn thử thách.

Bản quán Đội Hoàng Sa

Những gì còn lưu lại tại gia tộc họ Võ làng An Vĩnh huyện Lý Sơn, cho phép ta khẳng định: Ông Võ Văn Hùng là người thuộc gia tộc họ Võ (Văn) tại làng An Vĩnh, một dòng họ có nhiều người đi Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ. Cai cơ thủ ngự quản đội Hoàng Sa Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú là một ví dụ điển hình. Bên cạnh ông Võ Văn Hùng, trong văn bản cổ có ghi những người phải thi hành nhiệm vụ (khác): đó là Đặng Văn Siểm (làm đà công, tức lái thuyền), Dương Văn Định, và các thủy thủy cùng đi, gồm: Phạm Quang Thanh (hay Tình, vì hai chữ này viết gần giống nhau, văn bản hơi mờ), Ao Văn Trâm, Trần Văn Kham, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Văn Lê, Nguyễn Văn Dinh, Võ Văn Công, Trương Văn Tài.

Khám phá mới trong văn bản cổ lệnh Hoàng Sa ảnh 3
Mộ ông Phạm Hữu Nhật

Trong đó có 4 người ở đảo Lý Sơn, mà lúc đó là chỉ là xã Lý Sơn, với hai phường là An Vĩnh và An Hải, thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Hai người không ghi quê quán là Võ Văn Công và Trương Văn Tài, nhưng theo chúng tôi, có lẽ họ cũng là người của Lý Sơn. Ông Võ Văn Công có thể là người dòng họ Võ (Văn) ở An Vĩnh. Ông Trương Văn Tài có thể thuộc dòng họ Trương ở An Hải – một trong lục tộc tiền hiền của làng này. Sở dĩ ta có thể suy đoán ra điều đó, vì những dân binh này đều do chính ông Võ Văn Hùng tuyển chọn. Nếu đúng như vậy, thì trong số 11 người có tên trong văn bản cổ của dòng họ Đặng, 7 người là người của huyện đảo Lý Sơn.

Ngoài ra, văn bản cổ này còn ghi những người thuộc các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Ông Ao Văn Trâm được ghi là ở Lệ Thủy Đông Nhị, mà Lệ Thủy Đông Nhị vốn là một xã cũng thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn (có thể tương đương với xã Bình Trị hiện nay, tức là nơi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Theo Đồng Khánh địa dư chí, địa danh Lệ Thủy Đông Nhị (xã) còn tồn tại đến thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888).

Ông Trần Văn Lê được ghi là ở Bàn An ấp, thuộc thôn Thạch Than, tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa (bao gồm huyện Mộ Đức và Đức Phổ hiện nay). Bàn An là tên một thôn thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ ngày nay). Ông Nguyễn Văn Dinh (Doanh) được ghi là ở thôn Thạch Than, xã An Thạch. Đối chiếu với các sử liệu cũ, thôn Thạch Than, xã An Thạch cũng thuộc tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa (nay tên gọi Thạch Than chỉ dùng để chỉ một thôn thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức). Như vậy hai ông Trần Văn Lê và Nguyễn Văn Dinh cùng ở thôn Thạch Than, xã An Thạch, tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa.

Về hai ông Dương Văn Định và Đặng Văn Siểm, họ là những người được quan Bố chánh và Án sát trực tiếp chỉ định “cứ thử”, tức phải vâng mệnh thi hành. Như đã nói ở trên, ông Đặng Văn Siểm được xác định rõ là người phường An Vĩnh (Lý Sơn). Riêng ông Dương Văn Định, hiện vẫn chưa xác định được ở làng quê nào hiện nay. Văn bản cổ chỉ ghi là ông Dương Văn Định ở thôn Hoa Diêm (không ghi rõ xã, tổng, huyện).

Nhưng thôn Hoa Diêm thời ấy nay thuộc địa phương nào? Hiện nay, các thôn trong tỉnh Quảng Ngãi có chữ Diêm (muối, tức làng làm ruộng muối), gồm: Tân Diêm (thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), thôn Tuyết Diêm (thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), thôn Diêm Điền (thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn)…Vì húy kỵ tên mẹ vua Thiệu Trị nên vào năm 1841 (năm Thiệu Trị thứ nhất), tất cả những tên người lẫn địa danh có chữ Hoa đều phải thay đổi, như Thanh Hoa, đổi thành Thanh Hóa, Đông Hoa thành Đông Ba, Mộ Hoa thành Mộ Đức…

Hoa Diêm chắc chắn cũng phải đổi, nhưng trong 3 địa danh có chữ Diêm như nói ở trên thì thôn nào vốn là thôn Hoa Diêm? Theo chúng tôi, có lẽ thôn Hoa Diêm của ông Dương Văn Định chính là thôn Tuyết Diêm, thuộc xã Bình Thuận huyện Bình Sơn hiện nay, tức là nơi có bến cảng Dung Quất bay giờ. Vì rằng, thời ấy Lý Sơn thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn.

Các dân binh được tuyển chọn, ngoài hai ông Trần Văn Lê và Nguyễn Văn Dinh là người thuộc tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa, những người còn lại đều thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Các thôn Diêm Điền, Tân Diêm đều thuộc các tổng khác (riêng Tân Diêm, nay thuộc Đức Phổ, thì với khoảng cách địa lý khá xa ấy càng không hợp lý).

MỚI - NÓNG
Đặc quyền riêng của Tiểu Vy
Đặc quyền riêng của Tiểu Vy
TPO - Trấn Thành cho biết Tiểu Vy được chọn đóng chính trong "Bộ tứ báo thủ" chỉ sau một buổi casting. Đạo diễn nói liều lĩnh khi mời Hoa hậu Việt Nam 2018 làm nữ chính trong tác phẩm chiếu Tết. 
Trailer phim Tết của Trấn Thành như nồi lẩu thập cẩm
Trailer phim Tết của Trấn Thành như nồi lẩu thập cẩm
TPO - Phim Việt "Bộ tứ báo thủ" gây chú ý vì đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Trấn Thành sau thành công rực rỡ của "Mai". Tuy nhiên, trailer phim lại nhận phản ứng không tốt khi nhiều người cho rằng nội dung chưa hấp dẫn, không tạo được sự tò mò với khán giả.