Trộm điện hoành hành

Trộm điện hoành hành
TP - Các hành vi trộm cắp điện ở Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra rất đa dạng, từ đơn giản đến tinh vi, táo tợn, khiến tỉnh này mỗi năm thất thoát khoảng 80 tỷ đồng.
Trộm điện hoành hành ảnh 1
Ảnh minh họa: Lao Động

Nửa đầu năm 2009, ngành điện Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện và xử lý trên 40 trường hợp trộm cắp điện, truy thu thông qua tính tiền gần 50.000 KWh điện. Số lượng không nhiều nhưng số vụ lại khá lớn, chứng tỏ mức độ đáng báo động của hành vi trộm cắp.

Hành vi câu móc trực tiếp vẫn là phổ biến và xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Cứ thấy đường dây điện băng ngang qua rẫy nhà mình là dân quăng dây lên câu móc.

Mới đây, ngành điện tổ chức tổng kiểm tra hệ thống điện ở Xuyên Mộc và Châu Đức, phát hiện hàng loạt trường hợp tương tự. Người ta sử dụng điện nhờ câu móc trộm để tưới cho vườn cây ăn trái. Có người sử dụng hệ thống trộm cắp điện này vài năm, có người mới sử dụng được vài tháng.

Có gia đình ở Xuyên Mộc trộm điện để thắp sáng cho cả vườn thanh long với hàng trăm gốc. Có thể chưa thoát nghèo, trộm cắp chỉ để sử dụng trong phạm vi căn nhà cấp bốn của mình.

Khó quản lý

Tình trạng trộm điện ngày càng gia tăng và phức tạp. Những vụ việc mà ngành điện phát hiện, xử lý kể trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong số vụ trộm.

Hiện nay, thất thoát của ngành điện Bà Rịa - Vũng Tàu vào khoảng bảy phần trăm, trong số này thất thoát do đường dây vận chuyển hơn ba phần trăm, số còn lại là do hành vi trộm cắp điện gây ra.

Nếu lấy sản lượng điện mà toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng năm 2008 (gần hai tỷ KWh điện) nhân với bốn phần trăm thất thoát do trộm cắp điện,  tính bình quân, 1.000 đồng/KWh, thiệt hại do hành vi ăn cắp điện ở Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 80 tỷ đồng/năm.

Mặc dù đã tăng cường và đầu tư khá lớn vào việc kiểm soát hệ thống điện do mình quản lý, ngành điện vẫn không thể phát hiện và xử lý nhiều hơn do hành vi trộm quá tinh vi.

Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, ngành điện mới chỉ phát hiện được vài chiếc máy tạo dòng ngược. Còn việc chủ hộ sử dụng điều khiển ngắt mạch từ xa thì chịu, không phát hiện được.

Những hộ dân trộm cắp điện do luôn có sự chuẩn bị từ trước nên khi nhân viên điện lực đến thì không mở cổng hoặc khi mở thì hệ thống trộm cắp đã được ém kỹ rồi.

Không ít trường hợp, nhân viên kiểm tra ngành điện bị sứt đầu mẻ trán khi tìm cách tiếp cận mục tiêu vì gặp phải sự chống đối của các hộ dân vi phạm.

Các hành vi trộm cắp điện khi phát hiện sẽ bị truy thu số tiền vi phạm và phạt hành chính, chỉ những hộ trộm cắp lớn mới bị truy tố. Thế nhưng, mức phạt hành chính hiện nay cũng chưa cao. Năm triệu đồng/lần phạt vi phạm là không đủ sức răn đe những kẻ cố tình trộm.

Có nhiều hành vi trộm điện rất tinh vi phức tạp cùng với các loại máy hỗ trợ kỹ thuật cao như đổi sơ đồ đấu dây vào đầu công tơ, đảo ngược pha công tơ và sử dụng dây nguội bên ngoài cho công tơ quay chậm hoặc quay ngược, sử dụng máy tạo dòng ngược, lắp mạch điều khiển từ xa đóng ngắt mạch công tơ…

Đặc biệt, loại máy tạo dòng ngược được nguỵ trang giống y hệt máy ổn áp sử dụng trong gia đình, chỉ có dân nhà nghề mới phát hiện khi kiểm tra.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.