Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch trọng điểm

Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch trọng điểm
TP- Ngày 22/11, tại huyện Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và kết quả thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn 2020”.
Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch trọng điểm ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khởi công Cảng hàng không Phú Quốc  Ảnh: Đức Tám

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã phát huy lợi thế.

Nhất là sản xuất nông nghiệp, du lịch và thủy sản, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; nổi bật là nông nghiệp được mùa đạt 3,3 triệu tấn lương thực/1,7 triệu dân, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 6%...; bộ mặt từ nông thôn đến thành thị được đổi thay nhanh chóng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại yếu kém kìm hãm sự phát triển của tỉnh cũng như cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đó là hạ tầng (giao thông, điện, thủy lợi), nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Do đó, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến đường ven biên Kiên Giang-Cà Mau, chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực... Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc quy hoạch và triển khai các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị và du lịch.

Riêng đối với huyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng cho rằng: sau 4 năm triển khai, Đề án “Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” vẫn chậm so với yêu cầu; do vậy, không phát huy được thế mạnh của vùng đất đầy tiềm năng này.

Bởi đây là huyện đảo có diện tích và dân số lớn nhất, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Kiên Giang cần phát huy tiềm năng lớn về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch Phú Quốc... để phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu: Bộ Xây dựng phối hợp với Kiên Giang thuê chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm triển khai qui hoạch hạ tầng và rà soát lại các khu để phát triển du lịch dịch vụ; các bộ thu xếp nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường trục và đường vòng quanh đảo, hoàn thành đúng tiến độ sân bay quốc tế Phú Quốc và cảng An Thới.

Đồng thời mở các tuyến hàng không quốc tế đến Phú Quốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy hoạch diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng và kinh tế nhằm giữ cảnh quan môi trường và đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt trên đảo.

Về phương án cung cấp điện, Thủ tướng cho biết về lâu dài sẽ đưa điện từ đất liền ra; nhưng trước mắt giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam khảo sát, xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện chạy than 100 MW công nghệ cao ( gồm 2 tổ máy, công suất 50 MW/ tổ), đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và xây dựng đảm bảo cung cấp đủ điện cho Phú Quốc trong vòng 2 năm tới...

Nhân dịp này, Thủ tướng đã giải đáp một số kiến nghị của Kiên Giang về quy hoạch và cơ chế chính sách trong đầu tư nhằm giúp tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Ngày 23/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát lệnh khởi công dự án xây dựng cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá để phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm giao thương của cả nước và khu vực.

Theo quy hoạch, sân bay Phú Quốc sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế- ICAO), đảm bảo tiếp thu các loại máy bay tầm xa như B777, B747-700 và có thể tiếp thu hạn chế máy bay A380-800 là loại máy bay tầm xa có sức chứa lớn nhất hiện nay.

Cảng hàng không được xây dựng đồng bộ từ đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn, sân đỗ, ga hành khách và hàng hóa, trung tâm điều khiển bay... số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 20 máy bay với 7 triệu hành khách/năm và lượng hàng hóa tiếp nhận là 27.600 tấn/năm.

Tổng diện tích toàn sân bay là 905,31ha với tổng số vốn trên 16,2 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư đến năm 2020 là trên 8 nghìn tỷ đồng do Tổng Cty Cảng Hàng không Miền Nam là chủ đầu tư.

Với mục tiêu quý 2/2012 sẽ đưa khai thác sân bay quốc tế Phú Quốc vào hoạt động, cuối năm 2009 Tổng Cty Cảng Hàng không Miền Nam sẽ tiến hành khởi công dự án nhà ga hành khách với công suất 3 triệu hành khách/năm.

Đây là mô hình đầu tư dự án sân bay đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức sử dụng 100% vốn của doanh nghiệp để đầu tư mới một sân bay với quy mô là cảng hàng không quốc tế.

Công ty xây dựng công trình hàng không (ACC)- Bộ Quốc phòng đã trúng thầu thi công giai đoạn đầu công trình này với tổng số vốn 3,5 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Cty cảng hàng không Miền Nam, tỉnh Kiên Giang trong hai năm qua đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để dự án được đưa vào khởi công.

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng tạo bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển không chỉ cho Phú Quốc mà cho cả nước. Và cũng là dự án đặc biệt với nguồn vốn đầu tư và thi công do chính doanh nghiệp tự thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định đầu tư xây dựng, không chỉ đôn đốc đảm bảo tiến độ đến quý 2 năm 2012 đưa công trình vào sử dụng mà còn phải đảm bảo chất lượng và an toàn. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Kiên Giang khẩn trương hoàn tất việc cập nhật, bổ sung các quy hoạch của Phú Quốc về giao thông, điện, nước...

Trong thời gian 3 năm rưỡi thi công Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng phải đồng thời hoàn thành xây dựng các cơ sở hạ tầng đồng bộ trên đảo này, nhất là tuyến trục giao thông Bắc- Nam, đường vòng quanh đảo và các tuyến đường nhánh.

Có như vậy mới tạo cơ sở và điều kiện để Phú Quốc sớm trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ gia tăng cao, trở thành là trung tâm giao thương của cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG