Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Vẹn nguyên những năm tháng hào hùng

Vẹn nguyên những năm tháng hào hùng
TP - Tôi tìm đến nhà cặp vợ chồng cách mạng lão thành Thái Hy – Minh Thái vào một ngày tháng Tám đổ lửa. Một căn nhà nhỏ ngăn nắp và hai vị chủ nhân tóc trắng như cước với nụ cười hiền từ.

Người lính già không giấu nổi xúc động khi kể về những câu chuyện một thời hào hùng. Những ngày đầu gặp tổ chức, buổi huấn luyện quân sự đầu tiên, các cuộc mít-tinh giữa chợ, trên xe điện… hơn sáu mươi năm về trước được kể lại rành rọt như chuyện của ngày hôm qua.

Phạm Hy Đào gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc khi đang là nam sinh tú tài trường Bưởi. Trong lòng chàng thanh niên 19 tuổi day dứt mãi một câu hỏi: Học để làm gì trong khi nước nhà trong cảnh nô lệ? Phạm Hy Đào cùng nhiều anh em tham gia cách mạng với tinh thần không màng danh lợi coi cái chết nhẹ tựa lông hồng,

Ngày 17/8/1945, Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu hăng hái tham gia khởi nghĩa. “Hôm ấy (19/8/1945) thời tiết rất đẹp, nắng trong và trời xanh. Người Hà Nội tràn hết ra đường, trên tay là cờ đỏ sao vàng.

Đội ngũ của chúng tôi đi từ Giáp Nhị ra chợ Bưởi, lên tàu điện rồi dừng ở phố Tràng Tiền. Các chiến sĩ của ta hòa cùng các lực lượng khác do đồng chí Nguyễn Quyết chỉ huy, tiến vào trại bảo an binh. Trên đường đi, chúng tôi còn hát “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít”… – Ông Thái Hy (bí danh của Phạm Hy Đào) say sưa kể.

Trại lính có hai cửa, nhưng mọi người tập trung chú ý vào cửa chính. Sau khi đấu tranh quyết liệt với tên chỉ huy, các chiến sĩ cứu quốc thành Hoàng Diệu hừng hực khí thế ùa vào trại. Liên đội trưởng Liên đội 2 Thái Hy chỉ huy anh em chiếm bốt gần cửa ra vào, rồi cùng một đồng chí nữa chiếm kho vũ khí, chia cho anh em.

Chiếm được trại rồi, nhưng lực lượng của ta mỏng, liên đội trưởng Thái Hy ra ngoài tìm viện binh. Đi qua nhiều trạm vòng vèo, ba lần giáp mặt quân Nhật, Thái Hy mới đưa vài người trong Hội Phụ nữ cứu quốc vào làm công tác binh vận. Không đổ một giọt máu, trại bảo an binh bị khuất phục hoàn toàn.

Đến giờ, cảm nhận về Cách mạng tháng Tám trong lòng ông Hy vẫn mới mẻ như chuyện mới xảy ra hôm qua. Ông không giấu niềm tự hào về Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Thái Hy còn tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hai tấm huân chương lao động hạng Ba và hạng Nhất được Nhà nước trao tặng cho những cống hiến trong quá trình hoạt động không mệt mỏi là niềm an ủi tuổi già của vị cán bộ lão thành này.

Vợ ông Thái Hy, bà Nguyễn Thị Thái Tiên cũng là lão thành cách mạng. Cô tiểu thư phố Hàng Dầu tham gia hoạt động ở trường nữ sinh Đồng Khánh từ tháng 11/1944, rồi tham gia Việt Minh.

Ngày 17/8, ngày họp mặt thường niên của thanh niên cứu quốc năm 2008 không đủ 121 thành viên còn sống. Người trẻ nhất đã ngót 80, người già nhất tròn 92 tuổi, nhưng những thành viên đến dự vẫn không quên một phút mặc niệm những đồng đội đã khuất; không quên tặng nhau một nụ cười; trao những cái ôm; vẫn hào sảng nhắc về quá khứ, vẫn say sưa thả hồn vào “Sông Lô”…

Những ký ức xưa cũ không nhiều dịp được lần giở lại, nhưng vẫn vẹn nguyên qua năm tháng. Trong mắt họ, những thanh-niên-tuổi-tám-mươi, hào khí cách mạng của một thời vẫn rừng rực cháy.

MỚI - NÓNG