Tương lai sẽ không còn đường sắt giao cắt đường bộ thế này Ảnh: Đ.S |
Trước đây, Tiền phong từng có bài viết về vấn đề đường bộ “bỏ quên” đường sắt mỗi khi làm tới đoạn giao cắt với đường sắt. Hậu quả là, tại các điểm giao cắt này xuất hiện tình trạng “thắt nút cổ chai” gây nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Nay ngành đường sắt sẽ triển khai dự án nêu trên, Tiền phong trao đổi với Cục phó Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Văn Doanh.
Ông Doanh cho biết: Dự án thuộc chương trình mục tiêu của Chính phủ. Hơn nữa, Luật Đường sắt đã nêu rõ, nếu chính tuyến thì đường bộ và đường sắt sẽ phải giao cắt khác mức.
Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam phối hợp triển khai dự án này. Khoảng 2.200 tỷ đồng được dành để xây 103 cây cầu vượt tại những đoạn đường sắt giao cắt đồng mức với đường bộ (đường quốc lộ-PV); gần 1.000 tỷ đồng đền bù cho người dân; số tiền còn lại làm đường gom dân sinh, sắm các trang thiết bị an toàn cho đường ngang...
Dự án này có ảnh hưởng gì tới đường sắt cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ triển khai trong tương lai không, thưa ông?
Theo quan điểm của Chính phủ thì đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ chạy song song cùng đường sắt cũ. Đường cao tốc sử dụng chạy tàu khách, đường sắt cũ được sử dụng để chạy tàu hàng. Trong khi chờ làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cũ cần phải được nâng cấp lên để đảm bảo an toàn chạy tàu và giảm tai nạn giao thông.
Công việc sẽ kéo dài trong 12 năm, vậy năm nay ngành đường sắt sẽ triển khai những gì?
Năm nay, ngành đường sắt chủ yếu tuyên truyền về hành lang an toàn giao thông đường sắt và tai nạn giao thông đường sắt; tích cực điều tra, lập hồ sơ vi phạm; cải tạo các đường ngang hiện có, đưa vào đúng quy định. Tổng Cty Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện khâu điều tra, lập hồ sơ các vụ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Theo kế hoạch, từ năm 2010 đến 2020 sẽ phải hoàn thành 103 cây cầu vượt tại các đoạn giao cắt đường sắt-đường bộ, tức là biến điểm giao cắt đồng mức thành giao cắt lập thể (cho đường sắt hoặc đường bộ chạy trên cao-PV).
Số tiền này liệu có đủ để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng bấy lâu nay liên quan tới đường sắt?
Dự án này được lập ra với thời giá của năm 2007 dựa trên cơ sở thống kê sơ bộ. Theo kế hoạch, tới đây, phía Tổng Cty Đường sắt Việt Nam sẽ thống kê lại một cách đầy đủ, chính xác. Các địa phương sẽ căn cứ vào đó để áp giá. Chắc chắn giá trị thực sẽ cao hơn rất nhiều, chứ không chỉ dừng lại ở con số hơn 4.000 tỷ đồng.
Cám ơn ông!
Cục Đường sắt Việt Nam thống kê các vụ tai nạn giao thông 10 năm (từ 1996 đến 2006) tại các điểm giao cắt đồng mức đường sắt-đường bộ khiến 1.113 người bị chết. |
Đình Thắng (thực hiện)