Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi vốn ODA để xây dựng hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2008-2012 cho cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh. Tỉnh Đồng Tháp đề nghị tạm ứng vốn trước 100 tỷ đồng để triển khai xây dựng 4 khu tái định cư (bồi thường, san lấp mặt bằng) phục vụ cho các dự án đường Hồ Chí Minh, cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh.
Dự án công trình cầu Cao Lãnh vượt sông Tiền, điểm đầu cầu bắt đầu từ nút giao thông An Bình thuộc thành phố Cao Lãnh và điểm cuối gần Lộ Tẻ thuộc huyện Lấp Vò. Toàn tuyến có chiều dài 8.178m, trong đó phần cầu chính có chiều dài 2.080m.
Quy mô công trình cầu được xây dựng theo thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông dự ứng lực, bề rộng cầu 22,5m, phần dây giăng B= 25,4m, tĩnh không thông thuyền đảm bảo tàu 5.000 DWT, tĩnh cao 30m đi hai luồng với bề rộng 220m, điểm giữa đi một luồng với bề rộng 110 m và cao 37 m, cầu Cao Lãnh là cầu dây giăng bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ 420, dốc dọc cầu 4%.
Cùng với xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống vượt sông Hậu cũng được xây dựng nối Đồng Tháp với An Giang, tuyến xuất phát từ điểm giao với quốc lộ 80 tại Km 44+078 rẽ trái đi song song với quốc lộ 80 và cách quốc lộ 80 khoảng 800m về phía Đông, vượt sông Hậu tại ví trí cách bến phà Vàm Cống tại bờ Đồng Tháp 240m về phía hạ lưu, nối Long Xuyên tại địa phận Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên 680m về phía hạ lưu. Cầu Vàm Cống dài 2.070m, thiết kế với 4 làn xe rộng 22,5m, dây giăng 25,4m.
Việc xúc tiến cho xây dựng cầu và đường đang được thực hiện với các công việc đầu là khảo sát giao tuyến để đền bù giải tỏa hành lang lộ giới đường Hồ Chí Minh đoạn từ Mỹ An ( huyện Tháp Mười) tới An Bình ( huyện Cao Lãnh), theo thiết kế, đây là dự án 1 sử dụng lại con đường Tỉnh lộ 846, đoạn này dài 27 km sẽ được giữ nguyên mặt đường cũ, chỉ chỉnh sửa thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc 80km/giờ, trong dự án sẽ làm lại toàn bộ 12 cây cầu trên tuyến đường này.
Dự án 2 là cầu Cao Lãnh đến Tân Mỹ phía Nam. Dự án 3 là từ Tân Mỹ đến Lấp Vò và dự án 4 từ Lấp Vò vượt qua sông Hậu. Tất cả dự án đang xúc tiến để ghi vốn bồi thường.