Chiếc máy xay “rác tổng hợp” trước khi bán cho các cơ sở làm hạt nhựa |
Được một chủ cơ sở thu mua phế liệu trên đường Hoà Bình, quận Tân Phú giới thiệu, chúng tôi mới tiếp xúc được với chủ cơ sở chế biến hạt nhựa Diễm L. ở địa chỉ 852 đường An Dương Vương, quận 6.
Đây là cơ sở khá lớn, làm ăn theo mô hình “khép kín” vừa thu mua vừa chế biến ra hạt nhựa, sau đó xuất bán cho các cơ sở tái chế nhựa thành phẩm trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận để chế biến thành đồ gia dụng.
Ông chủ L. dẫn tôi thị sát một vòng cơ sở của mình đúng vào lúc gần chục người làm công của cơ sở cho chiếc máy nghiền nhựa nổ rền.
Ông L. giới thiệu cơ sở của mình có 2 phân xưởng nhưng thực chất là 2 nhà kho ngột ngạt, bốc mùi hôi thối: một nơi phân loại nhựa và một nơi dùng máy nghiền tạo hạt. 5 người làm công ngồi bệt, tay không tách hàng đống bao tải chứa “nhựa tổng hợp” từ bao bì nilông, các hộp nhựa, xốp đựng thực phẩm, nồi niêu, xô chậu nhựa… mua từ các nơi thu gom ve chai về, rồi hì hục phân loại và vận chuyển qua phân xưởng 2 để đưa vào máy xay.
Mùi “nhựa tổng hợp” bị ủ kín lâu ngày, hòa với những loại thực phẩm còn bám lại bốc lên một mùi thối, tanh đến nồng nặc. Tuy nhiên, nó được đùn thẳng vào máy xay mà không hề được rửa sạch.
Ông chủ cơ sở Diễm L. cho biết, sau khi “rác tổng hợp” được phân loại và xay xong phân thành 2 loại hạt nhựa là HD (high density) - một loại nhựa cao cấp, có độ dẻo giá 18.000 đồng/kg và loại bèo hơn là nhựa PP (polypropylene) có giá 11.500 đồng/kg.
Loại nhựa HD có hạt màu trắng đục, được dùng để chế các sản phẩm như lọ, hộp, thậm chí là chén, bát, đũa, muỗng. Còn loại nhựa tạp thì hạt đen xì, chỉ dùng vào chế thành dây thừng, bao tải, hoặc đồ gia dụng như ghế bàn, xô, chậu.
Nằm cách cơ sở Diễm L. chừng vài trăm mét là Hương lộ 2 thuộc phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Lọt thỏm trong khu dân cư này là hàng chục cơ sở thu gom nhựa và phân loại không tên tuổi. Cả khu vực chìm ngập trong mùi thối nồng nặc từ các loại nhựa thu gom và nước thải từ loại “rác tổng hợp” chảy tràn ra cống rãnh.
Hàng chục người làm công chen chúc nhau trong những núi rác khổng lồ, ngột ngạt một mùi hôi đến rợn người. Hơn chục công nhân hì hục đóng bao những loại nhựa được xay trước đó chuẩn bị xuất bán cho các cơ sở làm hạt nhựa. Một nữ làm công đang ngồi lọt trong núi rác, cho biết “rác tổng hợp” này chưa bao giờ được rửa lại trước khi cho vào máy xay.
Sống chung cùng độc hại
Trao đổi với PV Tiền phong, Tiến sĩ Lê Văn Khoa- Phụ trách Quỹ tái chế TPHCM cảnh báo: “Hơn 1.022 cơ sở thu mua, tái chế nhựa thủ công ở địa bàn TPHCM đều không đảm bảo được vệ sinh môi trường.
Khí thải có mùi do quá trình nấu chảy nhựa và nước thải từ xay rửa phế liệu, cũng như lưu chứa chất thải và phế liệu nhựa đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng khiến cho môi trường và sức khỏe người dân ở các khu dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
TS Lê Văn Khoa bức xúc: Trong 1.022 cơ sở chỉ có vài chục cơ sở sản xuất lớn, còn lại đều tái chế thủ công, công nghệ rất lạc hậu. Hầu hết các cơ sở này đều tận dụng các vỉ lọc sử dụng trong quá trình tạo hạt, nhựa dẻo để tập trung và đốt cho cháy hết phần chất bẩn nên sinh ra những luồng khói đầy bụi và khí độc, nhất là nhựa PVC khi đốt tạo ra gốc HCL có mùi khó chịu và rất độc.
Theo ông Nguyễn Trọng Nhân - Phòng chất thải rắn Sở TN&MT TPHCM, khảo sát về các vấn đề môi trường ở các cơ sở tái chế nhựa thủ công mới đây khiến mọi người giật mình: 97% cơ sở không có cán bộ chuyên trách về môi trường.
Chỉ có 13,4% số cơ sở đóng phí về môi trường, trong khi các cơ sở luôn thải một lượng khí thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Đặc biệt 100% cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 97% cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải.
Theo ông Khoa, khi đi kiểm tra một cơ sở tái chế nhựa ở Q.5 thì thấy kỹ thuật giặt rửa nhựa chỉ bằng nước thường nên không loại bỏ được hết chất gây bẩn, nhất là các loại hoá chất độc hại và những chai nhựa dùng đựng thuốc trừ sâu…