>> Kỳ 1: Ở Gia Miêu Ngoại trang, nghe kể về Chúa Nguyễn Hoàng
Lăng Trường Nguyên được xây mới Ảnh: Xuân Ba |
Chúa Sãi là con trai thứ sáu của Chúa Nguyễn Hoàng, kế nghiệp năm 1613 vì các anh đều chết sớm và một anh bị Chúa Trịnh giữ lại tại Đàng Ngoài.
Chúa Sãi có 11 con trai và 4 con gái. Chúa Sãi là người đầu tiên trong dòng họ mang họ Nguyễn Phúc. Tương truyền lúc mẹ ngài có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phúc”. Lúc kể lại chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị đứa bé ra đời được đặt tên là “Phúc”.
Nhưng bà nói rằng, nếu chỉ đặt tên Phúc cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng, để cho nhiều người trong dòng họ được hưởng phúc, bà đề nghị lấy chữ này làm chữ lót. Và khi thế tử ra đời bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Hi Tông Hiếu Văn hoàng đế.
Chúa Nguyễn thứ ba là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648). Ông có 3 con trai và 1 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế.
Thứ tư là Chúa Hiền tức Nguyễn Phúc Tần (1620-1687). Thứ năm là Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1650-1691) còn gọi là Chúa Nghĩa. Thứ sáu là Chúa Nguyễn Phúc Chu gọi là Chúa Minh (1675-1725). Thứ bảy là Nguyễn Phúc Chú, còn gọi là Chúa Ninh (1697-1738). Thứ tám là Chúa Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ Vương (1714-1765).
Gọi là Vũ Vương vì ở Đàng Ngoài, Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng gọi mình là Vũ Vương! Như vậy việc xưng tụng ấy coi như Đàng Trong là một vương quốc độc lập. Có thể nói thời của ông là thời điểm cực thịnh của Chúa Nguyễn Đàng Trong.
Vị Chúa thứ chín và cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần tức Định Vương (còn gọi là Chúa Định) (1753-1777), con trai thứ 16 của Vũ Vương, kế nghiệp năm 1765. Đặc biệt vị Chúa này không có con. Khi còn sống, Vũ Vương đã có ý định cho con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu nối ngôi.
Sau khi Nguyễn Phúc Hiệu chết, và con ông hãy còn quá nhỏ, Vũ Vương định cho con trai thứ hai của mình là Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn, là cha của vua Gia Long sau này) nối ngôi.
Khi Vũ Vương chết, gian thần Trương Phúc Loan giết Nguyễn Phúc Luân và lập Nguyễn Phúc Thuần, lúc đó mới 12 tuổi, lên ngôi. Năm 1777, ông bị thất thân với nhà Tây Sơn khi ở tuổi 26, chưa có con nối dõi. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế.
Năm Canh Tý 1880, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vương tại Gia Định và xưng là Nguyễn Vương. Đến thời điểm này sự nghiệp của các nhà Chúa xây dựng hơn 200 năm lại tiếp một giai đoạn khác là 13 đời vua đời Nguyễn giăng suốt 155 năm của lịch sử cho đến động thái thoái vị của ông vua cuối cùng Bảo Đại năm 1945!
Chiều Gia Miêu đã sậm muộn. Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khải chừng như còn miên man thêm nữa khi ông nhắc đến cái cuộc di dân tầm cỡ Bắc Nam thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng như cái công khai sơn phá thạch của tiền nhân.
Những Nguyễn Hữu Tiến quê ở làng Văn Trai nay thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), con rể Đào Duy Từ, bố vợ đi trước con rể cũng cùng làng đi sau, cả hai ông con cùng vô Nam. Sau này người thành mưu sĩ (tác giả Lũy Thầy) người thành tướng giỏi của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Những Nguyễn Hữu Dật quê ở chính Gia Miêu đây cũng là khai quốc công thần của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà hậu duệ có Nguyễn Hữu Cảnh, người dân Sài Gòn vẫn coi như ông tổ của miệt đất Sài Gòn Gia Định.
Tướng tài, con dòng cháu dõi khỏi nói, nhưng những bạch đinh lẫn bách tính thường dân như dòng họ Phạm Đăng đất Thanh, ông tổ theo Nguyễn Hoàng vô Thuận Quảng rồi con cháu cứ xích mãi dịch mãi về nam...
Dòng họ Phạm Đăng sau này có một người phò trợ sự nghiệp nhà chúa mà hiển vinh. Đó là Phạm Đăng Hương ngoài hàm chức cỡ Thượng thư còn góp cho đất nước một người đẹp, một hoa hậu. Đó là cô con gái Phạm Thị Hằng, hoàng phi của vua Thiệu Trị, chính là thân mẫu của vua Tự Đức sau này.
... Bên vệ cỏ may, nhà thơ Nguyễn Duy đang thao thao về cái ngôi đền lở lói trống hoác thông thống chả cửa giả gì, tay cứ roanh roách cái máy Nikon về phía hoang phế của ngôi đình Gia Miêu. Đình được vua Gia Long đích thân về Gia Miêu đây khởi công năm 1806 để thờ thành hoàng và những bậc thánh nhân.
Nhà thơ cứ nắc nỏm về kiến trúc độc đáo tiêu biểu của thời Nguyễn mà ông nói cực hiếm còn sót lại tại đất Thanh Hoá này. Những thuật ngữ lạ tai như chồng rường kẻ bẩy những cốn, mê những chạm lộng chạm ngầm chạm nổi... được nhà thơ vanh vách như một thợ mộc chính hiệu.
Dễ hơn mười năm đã qua... Đận này về một mình lại không bị câu thúc bấn bíu này khác nên tôi có thời gian dò dẫm lâu lâu ở Gia Miêu. Những Gia Miêu nội, Gia Miêu ngoại, Gia Miêu thượng, Đồng Toàn, Đồng Hậu, Đồng Bình, Phù Nhân... 13 làng cả thảy, người nói là năm 1945, người khẳng định là vô dịp bầu Quốc hội khoá I đầu năm 1946, 13 thôn hợp nhất thành một xã có tên mới tinh là Hà Long cho đến bây giờ.
Cũng như 23 xã khác của huyện Hà Trung đều nhất loạt có tên mới ở thời điểm ấy bắt đầu bằng chữ Hà. Hà Long, Hà Ngọc, Hà Lâm, Hà Lĩnh vv... (Có cái lạ, mặc dầu địa danh mới nhưng nơi phát tích 9 chúa và 13 vua Nhà Nguyễn, người ta dùng chữ Long sau chữ Hà.
Tương tự tít tận trong Nam, nơi sinh ra hai vị Thủ tướng Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt có tên là Vĩnh Long? cũng quê ở đây còn hai vị Thủ tướng của chế độ cũ là Trần Văn Hương, Trần Văn Hữu). Hà Long có 30 họ cả thảy những Nguyễn, Trương, Bùi, Hà... là những họ lớn. Nguyễn là to nhất từng được coi là danh gia vọng tộc.
Bồi hồi lẫn ngạc nhiên giở tiếp một vài trang chính sử. Thấy tiền nhân ghi chép về một công trình, một thứ vưu vật ngay bên đình Gia Miêu. Vưu vật ấy bây giờ là khoảng đồng lúa đang ngả sắc vàng chanh những dòng như thế này.
Làng Quý Hương huyện Tống Sơn Phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các bậc tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng luỹ như một toà thành nhỏ đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường (Theo “Niên Giám Đông Dương năm 1901”).
Đại Nam thống nhất chí chi tiết hơn: Miếu Triệu Tường bao gồm 182 trượng bao quanh, thành có hào nước có cầu gạch bắc qua, lại có 2 lớp luỹ bao bọc. Luỹ ngoài xây vào năm Minh Mạng thứ 16- năm 1835) có 4 cửa trổ theo bốn phương. Cửa Nam có một vọng lâu luỹ được xây dựng năm 1834 có 3 cửa đông, tây, nam.
Cửa Nam là một cổng tam quan phía sau có hồ bán nguyệt. Phạm vi lăng trong được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính là Nguyên Miếu (thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng) khu vực bên đông là thờ Trừng Quốc Công (Nguyễn Hoàng Dụ cha của Nguyễn Kim). Khu vực bên Tây là trại lính và nhà ở của các gia nhân coi lăng có hai viên quan thuộc dòng tôn thất được cử ra coi lăng là Chánh sứ Phó sứ.
Khu vực Nguyên Miếu nằm trong thành Triệu Tường là khu trung tâm được xây dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1804), trùng tu vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820). Trang trí và sắp đặt trong Nguyên Miếu được mô tả trong sách của một sử gia Pháp tên là H. Le Bretstin như sau: Trước các bài vị có kê hai sập chạm rồng.
Bên trái và bên phải là hai rương quần áo thờ. Mỗi lần vua Nguyễn về Nguyên Miếu đều cúng tế theo đúng mọi nghi lễ quy định. Người ta trải lên sập chiếu hoa. Trên chiếu hoa lại trải chiếu son để bày các món ăn. Rồi tiếp đến hai bàn thờ.
Bàn thờ phía trong những ngày kỵ có bày các mâm quả các cây đèn thiếp, bàn thờ phía ngoài bày đồ ngũ sự bằng thiếp, những lọ hoa lại có cả đôi hạc sơn son thếp vàng. Hai khay vàng giấy để khi lễ xong thì đem đốt. Khoảng giữa 2 bàn thờ là những cái bàn để dâng đồ cúng tế như bò, lợn, dê. Khi nhà vua đến cúng tế thì trải một cái chiếu trước bàn thờ ngài.
Còn đây là Lăng Trường Nguyên nằm dưới chân Thiên Tôn đằng sau đình Gia Miêu. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là Lăng Trường Nguyên (suối dài vĩnh cửu). Vì mộ Nguyễn Kim như nhiều người đã biết qua chính sử, không còn để lại dấu vết (có thuyết nói ông được hổ táng.
Nhưng những nhân vật tầm cỡ lương đống như Nguyễn Kim mộ phần chính thức đích xác là cả một bí mật kinh khủng, người trong dòng họ cũng không thể biết, như mộ Trần Hưng Đạo chả hạn?) nên Gia Long chỉ cho xây một nền vuông để bái yết và cúng lễ nên gọi là phương cơ.
Năm Minh Mệnh thứ 3, 1822 Minh Mạng về Gia Miêu thân đề một bài minh trên tấm bia dựng ở khu lăng miếu Triệu Tường: Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ/Nghĩa động quỷ thần công truyền vũ trụ...
Quy mô kiến trúc cũng như kỹ thuật xây dựng ở Miếu Triệu Tường, Gia Long muốn ngoài ý nghĩa thờ tự và ghi nhớ công ơn của Triệu tổ nhà Nguyễn, công trình như là một tặng vật cho quê hương. Kiến trúc lăng miếu Triệu Tường mang phong cách của các kiến trúc Lăng tẩm nhà Nguyễn sau này.
Đầu năm 1939, theo yêu cầu của vua Bảo Đại, toàn bộ Miếu Triệu Tường được tàu bay Pháp lượn đảo nhiều lần thu vào ống kính máy ảnh những góc độ khác nhau (xem ảnh kỳ I). Nhưng tiếc thay một thời ấu trĩ đã quét những công trình gần như bằng địa.
May mắn, chả biết có phải một hậu duệ thuộc chi phái nào đó của cụ Nguyễn Hoàng ở hàm chức Thượng thư chế độ mới là ông Nguyễn Khoa Điềm về thắp hương lẫn trồng một cây đa trước đình Gia Miêu mà đình đã được tu sửa bớt đi thứ trống huơ trống hoác trong tấm ảnh của nhà thơ Nguyễn Duy ngày nào (xem ảnh).
Tôi biết thêm công ấy có cả sự đôn đáo của ban lãnh đạo xứ Thanh hồi đó cụ thể là ông chủ tịch Phạm Minh Đoan đã mau chóng giải ngân 400 triệu đồng cho kinh phí tu sửa!
Rồi Lăng Trường Nguyên năm ngoái được tôn tạo chút đỉnh nên mới có cái nhà bia lưu lại bút tích của vua Minh Mạng cùng nền phương cơ nơi thờ cúng và cũng là phần mộ của Triệu tổ Nguyễn Kim. Những ngày này về Gia Miêu lại xốn xang cảm kích thêm con đường mấy cây số từ đình Gia Miêu dẫn vào Lăng Trường Nguyên dưới chân núi Thiên Tôn đang được làm mới nghe đâu sẽ trải nhựa phẳng lì để hậu duệ vua chúa Nguyễn lẫn khách thập phương về chiêm bái!
Còn nữa