Xin dành lời tri ân sâu sắc tới thanh niên xung phong

Xin dành lời tri ân sâu sắc tới thanh niên xung phong
TPO - Trong không khí cả dân tộc hiên ngang đứng lên đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, hướng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, triệu triệu thanh niên Việt Nam lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

> Những món quà tri ân thanh niên xung phong 

Ngày 15–7–1950, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành lập đơn vị Thanh niên Xung phong đầu tiên với 225 đội viên.

Mang tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cùng hành trang khát vọng của tuổi trẻ, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi hừng hực khí thế lên đường ra trận.

Không nơi nào họ không có mặt. Từ những cô gái Sài Gòn đi tải đạn, những cô gái Lam Hồng “đi thông đường để chuyến xe ta băng băng qua”, đến “ơi cô gái Trường Sơn, bao năm em đi mở đường”, và cả bao thiếu nữ dũng cảm, lấy tiếng hát át tiếng bom “hò khoan chúng em khua mái chèo, đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo…”.

Băng qua mưa bom đạn, vượt lên cái chết, là những hình ảnh “người con gái Sông La” 18 tuổi, “đẹp như xuân sang”, đã chiến thắng sức mạnh bạo tàn để rồi đạp lên cái chết, dáng em hiên ngang như tư thế anh hùng, bất khuất của dân tộc; là những hình ảnh về 10 cô gái can trường ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đã anh dũng hy sinh để đất nước hồi sinh, có ngày thống nhất.

Trong hai cuộc kháng chiến ác liệt chống thực dân và đế quốc của nhân dân ta, gần 300 nghìn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên các chiến trường. 10 nghìn người đã anh dũng hy sinh, 46 nghìn người bị thương, hơn 10 nghìn người nhiễm chất độc da cam…

Họ là những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng hy sinh cả sự sống, tuổi xuân vì lý tưởng cao cả của dân tộc, để có ngày toàn thắng 30 – 4 – 1975, cả nhân dân ta đoàn kết hát vang “bài ca thống nhất”.

Chiến tranh đã lùi xa. Những thanh niên can trường giữa trận địa mù mịt đạn bom ngày nào lại trở về với bố mẹ, người thân, với quê hương thanh bình, yên ả.

Nhiều người trong số họ ngày trở về, chân bước lê trên cánh đồng quê, mang theo bao vết thương trên thịt da cùng chiếc ba lô nhuốm màu thời gian bạc phếc.

Họ trở về mang theo bao chiến công hào sảng và cả những ký ức về đồng đội đã mãi mãi đi xa sau trận đánh giữa rừng già…

Những hy sinh mất mát của các cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến rất lớn, nhưng, trên thực tế, chế độ chính sách với họ vẫn còn thiếu và bất cập. Trong bộn bề cuộc sống hôm nay, ở đâu đó vẫn còn những cảnh đời, những gia đình cựu thanh niên xung phong còn khó khăn, cần sự sẻ chia, giúp đỡ.

Ý thức được điều đó, với mục đích tri ân những người con anh dũng, một thời viết lên bài ca bất khuất trong lịch sử dân tộc, nhiều năm qua, báo Tiền Phong khởi xướng và phối hợp với các đối tác, tổ chức trao sổ tiết kiệm, động viên nhiều cựu thanh niên xung phong ở nhiều nơi trên đất nước.

Mới đây nhất, báo Tiền Phong, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Tân Hoàng Minh tổ chức lễ trao 30 sổ tiết kiệm tình nghĩa (5 triệu đồng/suất) cho cựu thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng.

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, là tờ báo của tuổi trẻ, cũng là của thanh niên xung phong, Tiền Phong rất trăn trở và đề cập nhiều lần về vấn đề giải quyết chế độ cho thanh niên xung phong. Đã có rất nhiều bài viết về những tấm gương hi sinh trở thành huyền thoại của thanh niên xung phong, và cả những thiệt thòi của họ...”.

Trong loạt bài phóng sự “Thanh niên xung phong - chuyện thua thiệt và tử tế” của nhà báo nổi tiếng Xuân Ba, người ta gặp lại một Mẹ Lụt (ở Đông Hưng, Thái Bình), với câu chuyện cảm động của người cả đời mỏi mắt chờ chồng con trở về sau ngày chiến thắng, giống bao Mẹ Việt Nam Anh hùng khác.

Chồng Mẹ Lụt là liệt sĩ hoạt động bí mật, hy sinh năm 1949 tại mặt trận Hà Đông. Rồi mẹ cũng không thể ngăn cái Sửu - đứa con gái hiếu thảo “bé như cái kẹo”, nấp trong đôi quang gánh mẹ mà đi giữa bom đạn ngày nào – trở thành thanh niên xung phong, lên đường ra trận.

Sau trận bom chập tối 11 - 5 - 1967 ác liệt, 13 cô gái đi cùng đợt, cùng tiểu đội với Sửu lần lượt hy sinh. Năm 2009, tiểu đội của Sửu được vinh danh Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Đến hôm nay, trong đôi mắt đã nhòa nhiều vết nhăn của Mẹ, vẫn còn ánh lên niềm tự hào về người con gái ấy.

Trong loạt bài ý nghĩa của mình, tác giả Xuân Ba cũng tái hiện những ngã rẽ tất tả của những con người từng một thời làm kẻ thù khiếp sợ.

Hơn 3.000 thanh niên xung phong Thái Bình bị phơi nhiễm chất độc da cam nhưng hiện giờ vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách. Biết bao hoàn cảnh số phận thương tâm. Nhiều chị em xuân sắc qua đi, về quê tật bệnh đành ở già. Hàng chục chị ngậm ngùi xuất giá đi tu...

Chị Nguyễn Thị Hồng Chiến, thường vụ Hội Cựu thanh niên xung phong Thái Bình, nêu câu hỏi, tại sao cùng một địa phương như Thái Bình, anh em bộ đội chuyển ngành phục viên phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng tiêu chuẩn đãi ngộ này khác, nhưng thanh niên xung phong lại không?

Đối tượng thanh niên xung phong bị chất độc da cam của những địa phương tỉnh thành khác được hưởng chế độ còn Thái Bình lại không? Nhiều năm rồi đề nghị nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì?.

Những hy sinh thầm lặng mà to lớn của lực lượng thanh niên xung phong một lần nữa được tôn vinh trong ký sự “Bi tráng Ga Gôi”, đề cập vụ nhiễm độc khiến nhiều thanh niên xung phong đại đội 895 nhiễm độc và hy sinh. Những người được cứu sống, một số trở về địa phương thì mắc bạo bệnh mà chết…

"Theo thống kê, trong số 85 thanh niên xung phong của Đại đội 895 bị nhiễm độc, đến nay, 11 người đã chết, 46 chị em phải chịu cảnh cô đơn không chồng, con.

Trong đó, có chị đi tu, nhiều chị sống độc thân không nơi nương tựa, ốm đau quanh năm, cuộc sống rất khó khăn. Số anh chị em xây dựng gia đình, nhiều người hạnh phúc không trọn vẹn, hoặc bị vô sinh, hoặc con bị dị tật…”.

“Nam mô a di đà...”. Và trong số những người trở về sau khi đã làm trọn bổn phận công dân với non sông, đất nước, có những người theo phật vào chùa, sống cuộc đời thanh tịnh chẳng vàng son.

Nam mô a di đà...” cũng là phóng sự thứ tư trong loạt bài về thanh niên xung phong đăng trên báo Tiền Phong, gây xúc động. Trong bài báo đó, có hình ảnh sư cô Thích Diệu Đoán - cựu đội viên của đại đội 895 Tổng đội Thanh niên Xung phong Thái Bình, từng trực tiếp tham gia trận cứu hàng lịch sử ga Gôi, giờ tật bệnh, đang tu ở một ngôi chùa tại Hưng Hà quê lúa.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng có ai nhắc hoặc cứ nghĩ đến trận ứng cứu hàng ở ga Gôi chiều 20 - 8 - 1966, thì sư cô Thích Diện Đoán lại bật khóc. Những hình ảnh của một thời oanh liệt bỗng ùa về khỏa đầy trong dòng ký ức...

"Cô Đoán cùng đồng đội lao vào những toa hàng ngùn ngụt khói bom và lửa đỏ khé. Có toa ăm ắp những chai màu trắng đựng trong các thùng gỗ đổ vỡ tung tóe bốc mùi khét lẹt tanh tưởi: Thuốc trừ sâu”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG