Nhân vụ “Kẻ ám sát cánh đồng”*

Nhân vụ “Kẻ ám sát cánh đồng”*
TP - Xung quanh vụ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị kiểm điểm vì truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, tựu trung phân hóa thành hai luồng ý kiến.
Nhân vụ “Kẻ ám sát cánh đồng”* ảnh 1

Một đồng tình, rằng viết như thế là bôi đen xã hội (có người còn dùng từ “độc ác”).

Hai, ngạc nhiên rằng đến thời điểm này mà vẫn tồn tại loại quan niệm áp đặt, ấu trĩ đánh đồng chức năng của văn học với những loại hình khác.

Cũng còn loại ý kiến nữa, cho rằng đâu có gì mà ầm ĩ (kiểm điểm thì buồn cười, nhưng cũng chẳng đáng “nống” một cây bút thường thường bậc trung thành hiện tượng để mà bênh hay đánh), song luồng dư luận thứ ba này phẳng lặng hơn.

Sự việc ở Cà Mau, thực tế chỉ phản ánh hiện tình chung. Chẳng hạn, tháng trước, Hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc cho thấy sau 20 năm đổi mới, sự phân hóa vẫn rất mạnh mẽ, từ cách thẩm định một tác phẩm cho đến việc xác định chức năng của nhà văn, của văn học.

Giả dụ, có ý kiến cho rằng mục đích tối hậu của văn học nói chung, lý luận phê bình nói riêng trong tình hình hiện nay là: Giữ vững trận địa tư tưởng theo tinh thần nghị quyết bổ sung về công tác tư tưởng của Hội nghị Trung ương 12. Đảng phải có thái độ rõ ràng, chỉ đạo rõ ràng, không để đen trắng thiếu phân minh. Và lo lắng về một tuyến văn hóa - nghệ thuật, tuyến tư tưởng sẽ bị ảnh hưởng và suy yếu nếu không được nắn chỉnh kịp thời.

Một đại biểu không thuộc giới văn học cũng nhận định: Văn hóa nghệ thuật luôn là mặt trận, văn nghệ sĩ- các nhà hoạt động văn hóa tư tưởng ở VN luôn là chiến sĩ. Điều đó đúng trong quá khứ đã đành, mà hiện tại càng cần quán triệt.

Thậm chí ngày nay, tình hình- nhiệm vụ càng khó khăn phức tạp, gay go nặng nề hơn, điều này không cần phải chứng minh. Mặt trận này nóng bỏng từng ngày, các chiến sĩ ở đây tiến lên hoặc ngã gục, thậm chí có kẻ đào ngũ, phản  bội...

Trong khi ở Cà Mau, Nguyễn Ngọc Tư bị coi như kẻ “giẫm lầy cánh đồng, phóng uế lên đó”, thì ở Hội nghị, có lời đề nghị phải được chỉ đạo để “đánh”. Đánh ai? Đánh loại sáng tác mà họ cho là nguy hại- “những kẻ chống đối chúng ta đọc nó sướng lắm”.

Dĩ nhiên ở thế kỉ 21 này, không thể có chuyện Tư bị “bài trừ, trục xuất” ra khỏi địa bàn như ai đó muốn. Nhưng bắt viết đúng định hướng, nếu không sẽ bị qui phản động, chẳng khác đưa thông điệp: Nếu không sẽ bị làm khó, hoặc đi chỗ khác mà viết? Bứt người cầm bút khỏi đất dụng văn của mình.

Cũng trong Hội nghị nói trên, một nhà văn hồi tưởng: “Hồi Đại hội nhà văn lần thứ 4, nhìn anh Trần Dần tôi nghĩ ghê lắm. Không biết chúng ta quản lý văn học nghệ thuật cái kiểu gì, mà một người bộ đội như thế, một nhà văn yêu nước và tài ba đến như thế, mà thân tàn ma dại đến như vậy”. Bài học quá khứ chưa xa...

----------------------------------

*Tên truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, chuyển thể phim truyền hình thành “Chuyện làng Nhô”.

MỚI - NÓNG