Bài thơ Trung thu 'dài' 40 km

Bài thơ Trung thu 'dài' 40 km
TP - Đi gần chục cây số anh hỏi tôi: “Hôm nay mười mấy âm lịch rồi?”, tôi đáp: “12 âm lịch rồi!”. Vậy là còn 3 hôm nữa là rằm trung thu. Đi chục km nữa thì trăng đã lên. Nghĩ đến rằm trung thu là nghĩ đến trăng, anh Hào bỗng nghĩ ra một tứ thơ hay, rồi bảo tôi lấy giấy, bút ra ghi.

Chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 35 năm ngày thành lập trường phổ thông trung học thị xã Hưng Yên, giữa tháng 8 âm lịch 1994, anh Nguyễn Khắc Hào là hiệu trưởng và hiện là Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên cùng tôi đi Hà Nội gặp các thầy giáo cũ từng dạy ở đây trước 30 năm.

Năm ấy anh Hào còn rất trẻ, mới 38 tuổi, rất say thơ. Lúc về trời đã về chiều. Đi gần chục cây số anh hỏi tôi: “Hôm nay mười mấy âm lịch rồi?”, tôi đáp: “12 âm lịch rồi!”. Vậy là còn 3 hôm nữa là rằm trung thu.

Đi chục km nữa thì trăng đã lên. Nghĩ đến rằm trung thu là nghĩ đến trăng, anh Hào bỗng nghĩ ra một tứ thơ hay, rồi bảo tôi lấy giấy, bút ra ghi. Vì sợ khi về đến Hưng Yên bị tối nên anh không ngừng xe, mà giảm ga cho xe máy chạy từ từ. Tôi đặt tờ giấy lên lưng anh, nghe anh đọc và chép:

“Chẳng có dây mà đeo
Chẳng có chân mà đứng
Cứ lửng lơ giữa trời
Đốt mình làm ánh sáng...”

Chỉ vậy rồi anh im lặng không đọc nữa! Tôi hỏi: “Bốn câu hay đấy, nhưng chưa đủ ý, nếu kết thúc ở đây thì chẳng nói được cái gì, đó mới chỉ là những phát hiện tuy độc đáo nhưng chưa thành bài”. Một lát sau, anh đọc tiếp:

“Trăng không có công tắc
Nên phải thức thâu đêm
Lúc nào buồn ngủ quá
Chỉ khép mi một phần”.

Tôi nói: “Đoạn này cũng được, nhưng không bằng đoạn đầu”. Đi một quãng nữa anh lẩm bẩm đọc:

“Mặt hồ xanh ngăn ngắt
Trăng dát vàng lung linh
Đêm trăng – trên trời ấy
Cũng là hồ nước xanh”.

Chép hết đoạn, tôi nói ngay: “Đoạn này đuối hơn đoạn trước vì không có gì mới”. Lúc này tôi ngước nhìn cột mốc cây số bên đường đã chỉ “thị xã Hưng Yên 15km”. Thế là chúng tôi đã đi được 25 km rồi, trời cũng nhá nhem tối.

Anh Hào cứ im lặng. Tưởng bỏ dở bài thơ đến đây không có kết, tôi cũng không dám nhắc anh nghĩ tiếp bởi dường như từ đây về Hưng Yên lắm ổ gà, trời lại tối, phải để anh tập trung tay lái cho an toàn, về đến nơi đến chốn!

Đến Dốc Suối qua ánh đèn tôi nhìn thấy biển báo “Hưng Yên 4 km”, bỗng anh Hào bảo tôi: “Ông ghi tiếp đi”. “ Ừ thì ông đọc tiếp đi, tôi ghi mò vậy”.

“Những đêm rằm tháng tám
Sao trời trốn đi chơi
Riêng trăng còn ở lại
Thắp sáng cho mọi người”.

Tôi khen: “Câu thơ vừa phát hiện lại vừa có hậu”. Bài thơ kết thì chúng tôi cũng đã về đến giữa thị xã Hưng Yên rồi. Trung thu năm đó có hai tờ báo đã in bài thơ trên.

Có điều dưới con mắt xanh của biên tập viên, hai tờ báo đều bỏ hai đoạn giữa. Thế mới biết thơ hay ai cũng biết, nhưng bài thơ được làm trên lưng ngựa sắt (xe máy) lần ấy thì chưa ai biết, mà nó lại được viết dọc đường đi 40 km (từ Phố Hiến về thị xã Hưng Yên).

Bài thơ “Trăng trung thu” có 40 chữ. Vậy là mỗi cây số, thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Khắc Hào nghĩ ra được một từ hay.

Làm thơ mà lại làm cho trẻ con bằng sự tận tâm tận trí như vậy quả là một kỳ công... yêu trẻ, yêu trăng rằm trung thu.

Lê Hồng Thiện
(Hưng Yên)

MỚI - NÓNG
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
TPO - Khoảng thứ Bảy (28/12), ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ được cải thiện do không khí lạnh tràn về. Tuy nhiên, ngay sau đó, khoảng 30/12, Hà Nội và miền Bắc ô nhiễm không khí sẽ trở lại.
NSƯT Hà Đình Hào qua đời
NSƯT Hà Đình Hào qua đời
TPO - Theo thông tin từ gia đình, nghệ sĩ trống gạo cội Hà Đình Hào qua đời chiều 25/12, hưởng thọ 76 tuổi. Ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 2012, là một trong số ít nghệ sĩ trống ở Việt Nam có danh hiệu này.