Truyện ngắn “Mẹ điên” của tác giả Vương Hằng Tích đăng trên Tiền phong Cuối tuần (số 1) đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm và chia sẻ của bạn đọc.
Nhà văn Vương Hằng Tích |
Nhà văn trẻ Trang Hạ, người dịch truyện ngắn trên, hiện đang học tập tại Đài Loan đã tiết lộ thêm với bạn đọc về nhân thân của Vương Hằng Tích và quá trình trước tác “Mẹ điên”. Chúng ta sẽ được nghe thêm một câu chuyện đời thực đẫm nước mắt.
Khi tôi dịch “Vừa đọc vừa khóc” post dần lên blog, đã có những bạn ngồi lì trước màn hình máy tính chờ được đọc tiếp từng đoạn, từng đoạn tôi dịch. Thời gian tôi dịch online không dài, nhưng tôi thấy khi post những dòng cuối cùng của “Vừa đọc vừa khóc”, có nhiều người đang ngồi ở nhiều miền khác nhau, trước màn hình laptop hay trong quán cà phê Internet đã cùng lúc chảy nước mắt.
Khi đó tôi không quan tâm đến việc văn chương loại gì, văn chương của ai, tôi chỉ cần cảm thấy đọc rất hay thì sẽ dịch ra chia sẻ cho bạn đọc vào xem blog của tôi, thế là OK. Văn chương mạng bản thân là một sự tự do tối cao. Trên mạng đầy rẫy chữ, hay thì được gọi là văn, còn lại toàn rác. Tôi chỉ làm việc đơn giản là giúp các bạn bới rác.
Tôi nghĩ những truyện tôi chọn để bới cũng được nhiều bạn thích, như “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, hay “Vườn Thất Lạc”, “Vừa đọc vừa khóc”... Tuy nhiên sau khi tình cờ phát hiện việc một người dịch nào đó của Việt Nam “sáng tạo” ra hẳn một nhà văn nước ngoài, tôi bắt đầu nghĩ nghiêm túc về việc: Đi tìm tác giả thật sự của các bài tôi dịch.
Với một niềm tin tuyệt đối rằng, tất cả mọi sáng tác trên mạng đều có tác giả, chứ không phải tự nó đẻ ra. Và nữa, không nhà văn nào từ chối con đẻ của mình cả!...
Thật sự là truy tìm nguồn gốc của một văn bản trên mạng vô cùng khó khăn, thậm chí không biết nó tên là gì, phải phán đoán bản gốc viết bằng tiếng Hoa giản thể hay phồn thể, xuất xứ từ đâu, thậm chí từ tâm lý thích “copy xoá nguồn bài” của các blogger để tìm kỹ những thời gian bài được post nhiều.
...Tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm, thử tất cả mọi từ khoá, sử dụng hầu hết mọi công cụ tìm kiếm của mạng tiếng Hoa, trình độ “Sơ-lốc-hôm” của tôi đã đạt đến mức độ đủ thính để “đánh hơi” phương hướng.
Và lần lượt các bài dịch trong blog của tôi đã được trả lại tên gốc của tác phẩm, tên tác giả thật sự của nó. Mặc dù bạn đọc thì có thể nghĩ “truyện ai viết chả được”.
Và trong quá trình tìm kiếm, tôi đã thu lượm được bao nhiêu thông tin hay, tìm được các website văn học tiếng Hoa vô cùng phong phú, các kho sách vô tận có sẵn lời bình, như một tấm lọc chắc chắn để từ giờ, tôi không cần phải bới rác theo nghĩa đen nữa.
Lan man nhiều quá, giờ tôi muốn nói thêm về truyện ngắn “Mẹ điên”. Tôi rất bất ngờ vì đây là một câu chuyện gần như ghi lại những sự kiện có thật, được xếp vào dạng “tiểu thuyết ghi chép thật” (ký thực tiểu thuyết), nhân vật chính là gia đình người cậu của tác giả Vương Hằng Tích.
Vương Hằng Tích là người dân tộc, nhà nghèo đói, thất học, học gần hết THCS thì năm 1985 phải rời khu tự trị tỉnh Hồ Bắc, ra đi kiếm việc khi mới 15 tuổi, làm mọi việc cửu vạn rồi đi học nấu ăn, tự mày mò viết văn, chủ yếu là viết tản văn, ghi chép, tự truyện lặt vặt.
Năm 1998, Vương Hằng Tích được kết nạp vào Hiệp hội Nhà văn Hồ Bắc, là nhà văn mang thân phận “kẻ làm thuê công nhật” đầu tiên của Hồ Bắc. Năm 1999, anh cũng được tuyên dương là một trong mười lao động trẻ xuất sắc của tỉnh Hồ Bắc, và sau đó, anh rời dao thớt cùng bếp lò để được ngồi vào một văn phòng làm biên tập viên, thật sự là vinh hạnh mà Vương Hằng Tích không thể ngờ tới.
“Mẹ điên” chính là mợ (vợ cậu) của Vương Hằng Tích. Cậu của anh hơi bị lẩn thẩn, vừa nghèo vừa xấu vừa dốt, mãi không lấy được vợ. Mợ không rõ từ đâu dạt tới, mợ vừa câm vừa điên, về làng rồi thành mợ của Vương Hằng Tích.
Nhưng mợ điên ăn rất nhiều, cơn điên tới thì đổ cơm vào thùng rác, hay bị mẹ chồng mắng, có lần mợ điên bị mẹ chồng (bà ngoại của Vương Hằng Tích) đánh đau quá, đã cầm dao chém mẹ chồng gần chết.
Rồi mợ điên đẻ con trai, nhưng đêm ngủ đè chết con, nên bị cả nhà đuổi đi. Từ đó, trên hòn đá đầu thôn, có một con điên cứ ngồi trên hòn đá đầu mộ, khóc ti tỉ cho đứa con đã chết.
“Mẹ điên” trong đời thật đã lưu lạc khắp nơi, tổng cộng làm vợ cho mấy nhà, mỗi lần đều đẻ ra được một thằng con trai xong bị nhà đó đuổi đi. Mỗi lần bị đuổi “mẹ điên” đều quỳ khóc mãi trước cửa nhà người ta, không chịu đi.
Sau đó vài năm, “mẹ điên” muốn gặp những đứa con mình đã sinh ra, nhưng đều bị mấy gia đình kia không cho gặp. Kết cục, có lần quá đói, hái đào dại ăn, “mợ điên” nhà Vương Hằng Tích ngã chết dưới khe núi, được người quanh đó chôn qua loa.
Sau đó, cậu của Vương Hằng Tích cũng chết, năm 2004 lễ thanh minh, anh về quê thắp hương cho cậu mình, mới có người chỉ cho, cách đó không xa có mộ của mợ.
Nhìn thấy hòn đá bé tẹo đánh dấu, Vương Hằng Tích nói, mình đã khóc như mưa vì hồi tưởng lại hình dáng của cậu và mợ ngày còn sống. Những đứa con của mợ điên rải rác vài thôn quanh đó cũng đã thành những chàng trai hai mươi tuổi.
Tuy nhiên, trong số đó, ngay cả những đứa học hành đến nơi đến chốn cũng không thèm đếm xỉa đến mẹ mình. Vào giây phút đó, đầu óc Vương Hằng Tích đầy chặt những xung động đòi phải viết, anh nhất định phải viết để ghi chép lại cuộc đời này.
Vương Hằng Tích mới ngoài 30, cho biết, mình chỉ ghi lại những gì đã thấy vào văn. Trong tương lai, đã có rất nhiều nhà xuất bản Trung Quốc đặt hàng anh viết “Mẹ điên” thành một tiểu thuyết. Vương Hằng Tích cho biết, mỗi ngày dùng google có thể thấy thêm cả trăm mạng đăng truyện ngắn này của anh, nhưng không ai chịu đăng tên tác giả, nên rất nhiều người hoàn toàn không biết anh chính là người viết ra truyện này.
Ngoài ra, có rất nhiều người “đạo” cốt truyện “Mẹ điên” để sáng tác ra những truyện ngắn, truyện dài khác tương tự, khi gửi bản thảo đi, nếu gặp phải biên tập viên tinh tường, đều bị “mắng” và từ chối in.
Truyện “Mẹ điên” sau khi được đăng trên mạng Internet năm 2004, đã được đông đảo bạn đọc Trung Quốc, Đài Loan đón nhận nhiệt liệt. Tình mẫu tử vĩ đại của một người mẹ dở điên dở dại làm cảm động hàng trăm triệu người từ thành phố đến thị trấn.
Nên cũng thật dễ hiểu khi chỉ sau một thời gian lưu truyền trên mạng, nguyên tác “Mẹ điên” bị bạn đọc đổi tên thành “Vừa đọc vừa khóc”, và sức sống của nhân vật và câu chuyện đặc biệt đã vượt ra ngoài phạm vi văn chương.
Tháng 8/2006, “Mẹ điên” được dựng thành vở kịch lớn và lưu diễn khắp nơi trên toàn Trung Quốc, từ Quảng Đông lên tận Bắc Kinh. Những nhà hát chật kín khán giả đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, mỗi buổi diễn đều có hơn 2.000 khán giả mua vé vào nhà hát, sẵn sàng đứng suốt buổi diễn để xem một cuộc sống thật hơn cả cuộc sống được bày ra trên sân khấu.
Tôi cũng thu lượm đó đây vài bức ảnh về vở kịch này để mọi người hình dung. Riêng tôi, thật sự là tự nhìn lại mình, có học hành mà vẫn đòi hỏi cha mẹ quá nhiều thứ, cá nhân tôi luôn oán trách gia đình không giáo dục, dạy dỗ tôi đến nơi đến chốn, làm tôi ra đời thành thứ dở quê dở tỉnh, vừa nhẹ dạ vừa khó tính vừa bốc đồng.
Ngoài ra xưa nay tôi chả ghen tị với ai giàu ai đẹp, tôi chỉ ghen tị với những cô gái được gia đình dạy dỗ chu đáo về đường ăn ý ở trong đời. Thế nhưng dịch truyện này thì giật cả mình nhìn lại, thấy có những người hoàn toàn không được nhận gì từ gia đình, trừ cái bẩn thỉu, cái rủi ro hèn kém,… nhưng cái Ác, cái xấu xa không đè bẹp được bản tính Thiện của họ. Tôi tự cảm thấy ngại ngùng với bản thân mình.
Chắc chắn ai đọc xong cũng ghê sợ cái nhẫn tâm, nghèo đói, vô tri, cùng cực bản năng trong truyện. Nhưng nếu biết rồi tránh, để gia đình mình sau này không phải khổ, thế là tốt quá rồi còn gì.