Người phụ nữ sau bảo tượng Phật hoàng

Người phụ nữ sau bảo tượng Phật hoàng
TP - Ít ai biết đằng sau công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là một người phụ nữ 63 tuổi giọng nói hào sảng, khuôn mặt phúc hậu và đầy tâm huyết.

> Lễ an vị Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Bà đã cùng các nghệ nhân làm nên hai công trình lớn trên non cao Yên Tử: Chùa Đồng (năm 2006) và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa khánh thành. Bà là Phạm Thị Mai Hoa - Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội (Linh Đàm- Hoàng Mai- Hà Nội).

Duyên thiên định

Tiếp tục là chủ đầu tư công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2009, bà Hoa cùng các nghệ nhân trong đội thi công chùa Đồng có thêm những tháng ngày lăn lộn với mưa, gió, bão lốc trên đỉnh cao Yên Tử suốt 4 năm ròng để thi công.

Chuẩn bị cho đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (1-3/12/2013 tại Quảng Ninh), bà Hoa cùng các anh em nghệ nhân ban ngày gấp rút chuẩn bị chỉnh trang bảo tượng Phật hoàng; ban đêm thức trắng để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho bảo tượng.

Sau những ngày dài dồn sức đến phút chót cho đại lễ, bà vẫn chưa cho mình một ngày rảnh rang để nghỉ ngơi. Bà bảo, “vẫn chiến đấu, vẫn phải kiên cường; còn rất nhiều việc cần làm”.

Truyền thông gần đây đưa tin tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông do các nghệ nhân của làng nghề Đại Bái- Bắc Ninh và Ý Yên- Nam Định thi công. Nói đầy đủ, đây là công trình do Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội phối hợp Công ty Mỹ thuật và xây dựng thương mại Minh Khai làm tượng mẫu thạch cao và Tổng công ty Cơ khí xây dựng COMA thiết kế giàn giáo thi công.

Trong đó, công ty bà Hoa là người trực tiếp lên kế hoạch đúc tượng đồng và mạnh dạn đưa giải pháp công nghệ đúc liền khối đầu tiên của Việt Nam dựa trên kỹ thuật nấu đồng truyền thống từ 3 vùng miền: Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa. Công trình đạt kỷ lục về khối lượng với 137 tấn đồng; cao 15m, thi công trên độ cao 920m so với mặt nước biển.

Bà Hoa cho biết, trước đây bà là thư ký bán vé của ga Hà Nội và không hề nghĩ rằng một ngày mình sẽ làm chủ một công ty với hơn 40 anh em “trực chiến”, đứng trên non cao lộng gió chỉ đạo đúc lên tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - công trình linh thiêng, ý nghĩa. Theo bà, đó như một duyên thiên định và được trợ giúp vô biên vô lượng từ tâm linh.

Bà Hoa là người con của vùng quê đúc đồng Ý Yên, Nam Định. Năm 1991, bà là thư ký bán vé giỏi nhất của ga Hà Nội và được chuyển công việc theo nguyện vọng. Bà quyết định xin đi làm dịch vụ ở xí nghiệp vận tải. Ông trưởng ga không muốn cho đi bởi ngày đó bà thư ký bán vé hiệu quả nhất. Từ năm 1991-1996 công việc làm ăn không thuận lợi, bà làm đơn xin nghỉ không lương. Đúng thời điểm đó, Công ty mỹ thuật tại Hà Nội thiếu một kế toán viên. Bà đến xin việc và được nhận.

Bà kể, ban đầu, bà được phụ trách việc thi công tượng đài tại Sóc Sơn. Tiếp đó, bà được giao chỉ đạo tượng đài Đức thánh Trần (Hải Dương), tượng đài Ngã 6 (Buôn Mê Thuột)… Năm 1999, bà thành lập công ty và nhiều họa sĩ, trực tiếp điêu khắc về “đầu quân”.

Năm 2000, cùng với đội thi công của mình, bà đã trực tiếp xây dựng nhiều tượng đài và công trình: Tượng đài anh hùng dân tộc Quang Trung (Huế), tượng đài Khát vọng thống nhất (Quảng Trị), tượng đài Chiến thắng Khe Sanh (Quảng Trị), phục dựng lại khu A1 (Điện Biên), trưng bày các di tích, bảo tàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Trị…

Nhận thi công chùa Đồng (Quảng Ninh) là một cơ duyên. Bà kể, thời điểm đó có hơn chục nhà đầu tư đã nhận thi công nhưng đều không đưa ra giải pháp an toàn. Gặp Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh, bà nói: “Nếu các đơn vị khác không nhận thì đơn vị con xin nhận”. Dĩ nhiên, kế hoạch thi công và giải pháp an toàn bà Hoa đưa ra được Hội đồng thẩm định thông qua.

“Chùa Đồng nặng 70 tấn với hơn 7.000 cấu kiện được thi công 2 năm (2004-2006) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt: Ở trên cao, nhiệt độ sôi của nước thấp nên cơm nấu không chín, mỗi anh em phải nấu sẵn cơm, nắm từng nắm bỏ vào túi áo. Nước dùng thời điểm đó khan hiếm, phải mua lấy từng lít dùng để rửa rau, rửa mặt, rồi rửa chân tay…” – bà Hoa nhớ lại. Công trình chùa Đồng là ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất; đạt kỷ lục Việt Nam (2011) và kỷ lục châu Á (2012).

Niềm tin

Bà Phạm Thị Mai Hoa bên bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Bà Phạm Thị Mai Hoa bên bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tiếp tục là chủ đầu tư công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2009, bà Hoa cùng các nghệ nhân trong đội thi công chùa Đồng có thêm những tháng ngày lăn lộn với mưa, gió, bão lốc trên đỉnh cao Yên Tử suốt 4 năm ròng để thi công.

Người phụ nữ có vẻ ngoài đầy nhiệt huyết ấy vẫn có lúc thấy nặng gánh và mệt mỏi. Bà chia sẻ: “Mình là người trần mắt thịt, nhiều khi gian nan quá, khó khăn quá và những lúc rất cần động viên thì lại bị người âm, người dương phá”. Năm 2010, sự cố đổ mẫu tượng thạch cao Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khiến bà nghĩ rằng đây là công trình cuối cùng bà thực hiện. “Mình xin các cụ cố gắng phù hộ cho đúc xong tượng ngài rồi cho nghỉ”. Nhủ lòng như vậy, nhưng chưa đầy 1 tháng sau, bà cảm thấy trong người có bệnh nhưng đi kiểm tra, bác sĩ không phát hiện gì.

Nản lòng, và định bỏ cuộc, nhưng rồi như có tiếng nói từ bên trong thôi thúc bà: “tiếp tục công việc thì sẽ hết bệnh”. Bà hiểu rằng, mình cần tiếp tục cơ duyên này, tiếp tục làm. Bà đi lễ và thỉnh cầu: “Con xin các ngài phù hộ cho con sức khỏe, trí tuệ và bình an; cầu cho bách gia trăm họ trợ duyên để nhất tâm với nghề”. Từ đó bà kể, không còn thấy bệnh tật và nhất tâm xả thân bất kể khó khăn, khổ ải.

Phó giám đốc Cty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội, anh Nguyễn Văn Bình; nghệ nhân phụ trách kỹ thuật công trình tượng Phật hoàng cho biết thêm: “Điều kiện thi công chưa ở đâu khó khăn và phức tạp như Yên Tử, quanh năm thời tiết trong mây mù, sương gió; thậm chí còn có tuyết. Những ngày nắng ráo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong thời gian giá lạnh, chúng tôi đun nước nóng, nhúng tay cho đỡ cóng để nặn khuôn thao đúc tượng cho kịp tiến độ”.

Tượng Phật được đúc trên giàn giáo thi công, các lò nấu ngay trên giàn giáo, đồng nấu được rót trực tiếp vào khuôn thao. Các lò đồng nấu trung bình là 7 tấn đồng /1 lò. Có những ngày 9 lò nấu cùng một thời điểm với quân số lên tới 170 người. Độ nóng chảy của đồng luôn được đảm bảo ở mức 1.200- 1.400 độ.

“Điều quan trọng cần tính toán thời điểm nào là lúc thốc gió mạnh, khi nào giảm bớt gió. Mỗi bộ phận: cửa quạt, than, tra đồng, nấu đồng; giờ cho củi, tra chì… đều có hai thợ phụ trách. Để đảm bảo độ bền, nguyên liệu được nhập trực tiếp từ Úc và tỉ lệ chì chỉ chiếm 5% khối đồng. Thời điểm tháo đồng cũng cần chọn giờ kỹ lưỡng. Có lần, sự cố mất điện 36 phút mà tôi vẫn giữ được đồng trong nồi nấu” - bà Hoa cho biết.

Coi quân của mình như con

Suốt 4 năm ròng trải qua biết bao khó khăn, có những hôm về đến Hà Nội là 7 giờ tối, sau 11 giờ đêm bà lại trở lên Quảng Ninh để kiểm tra tiến độ. Chia sẻ với tư thế của một “tư lệnh”, bà cho biết, muốn chỉ đạo được, cần phải làm lãnh tụ tinh thần cho anh em. “Tôi thương và coi quân của mình như con, xót xa và trách nhiệm. Tất cả đồ bảo hộ găng tay quần áo ấm đều được trang bị, không để bị lạnh, không để bị đói”. Và vì vậy, chính anh em trong đội cũng rất trách nhiệm với công trình vĩ đại.

Cảm nhận về vị lãnh đạo của mình, anh Vũ Xuân An phụ trách kỹ thuật công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cho biết: “Tôi luôn coi cô Hoa là người thân của mình. Trong công việc cô quyết đoán nhưng trong cuộc sống, cô chăm sóc chúng tôi như một người mẹ chăm sóc con”.

Bà chia sẻ, để thi công những công trình tâm linh, cần nhiều yếu tố, đầu tiên cần có tâm, và sau đó là biết sống vì mọi người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG