Thăng trầm gốm cổ của người M’nông

Thăng trầm gốm cổ của người M’nông
TP - Đến nay đồng bào M’nông, ở buôn Dơng Băk vẫn còn gìn giữ được nghề làm gốm cổ có niên đại hàng nghìn năm, dẫu người lẫn nghề từng trải qua biết bao thăng trầm, ly tán...

> Chiếc bình gốm cổ của Trung Quốc giá hơn 100 tỉ đồng
> Ngắm đồ gốm cổ 300 năm tuổi

Gốm M’nông từng đi khắp Tây Nguyên

Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong các nhóm người dân tộc M’nông thì chỉ có nhóm M’nông Rlăm là biết làm gốm. Gốm của người M’nông Rlăm đã một thời dài hưng thịnh, dùng phổ biến trong nhiều tộc người bản địa khắp vùng.

Chúng tôi về buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk, nơi được coi là chiếc nôi nghề gốm độc nhất trên Tây Nguyên để được tận mắt xem các nghệ nhân chế tác gốm.

Amí (mẹ) Yo Khoanh, nghệ nhân buôn Dơng Bắc biết làm gốm từ nhỏ, nay tuổi ngoài 70 vẫn miệt mài nặn gốm mỗi ngày. Sản phẩm làm ra, bà xếp chật nơi góc nhà từ thau, chậu, nồi, niêu, chén bát truyền thống đến những món đồ biến tấu như ấm trà, khay, đĩa, ly tách, ché mẹ bồng con hay con rùa, voi… rất tinh xảo.

Bà Yo Khoanh vẫn còn nhớ như in từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, bà đã theo cha đem gốm đi khắp nơi, từ Krông Nô, Đam Rông, Quảng Phú cho đến vùng Yang Reh, Yang Mao (các địa danh thuộc tỉnh Đắk Lắk) để bán, đổi lấy gạo, mì, bắp, đậu…

Mỗi sản phẩm gốm đổi lấy một số lượng lương thực tương ứng, ví dụ một cái chén sẽ đổi được một chén gạo.

“Thời đó, nhà nhà làm gốm, mang cuốc đi đào đất ở bãi bồi dọc các sông suối, ban đêm giã đất thình thịch, sáng ra nặn thành sản phẩm, phơi khô dùng đá sỏi mài cho bóng rồi nung, lên men gốm bằng củi rừng và trấu, trước sân nhà nào cũng có đống lửa đốt gốm”, bà nhớ lại.

Tạo hoa văn bằng que tre
Tạo hoa văn bằng que tre.

Không riêng người M’nông, các tộc người khác ở Tây Nguyên cũng sử dụng gốm M’nông R’lăm trong sinh hoạt thường ngày. “Giờ buôn còn rất ít người làm gốm, khách mua cũng ít, thi thoảng có người trên Bảo tàng Đắk Lắk xuống đặt vài sản phẩm. Làm gốm thu nhập chẳng được bao nhiêu, già duy trì làm gốm để đỡ nhớ nghề, nhớ thời gốm theo chân người đi khắp nẻo thôi”, bà Yo Khoanh nói.

Chung tay bảo tồn làng gốm cổ

Thời của chất liệu nhôm, nhựa, inốc phổ biến nhan nhản, việc tìm đầu ra cho gốm thật là khó. Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, người làm gốm lần lượt bỏ nghề đi làm thuê, làm mướn. Làng gốm Dơng Bắk nay chỉ còn 4 nghệ nhân là Yo Khoanh, H’Huyên, Mị Kim, H’Luông Tu, làm gốm thường xuyên.

Phó chủ tịch xã Yang Tao - Y Khương H’Long băn khoăn: Xã Yang Tao có 11 buôn nhưng chỉ có buôn Dơng Băk làm gốm. Để bảo tồn làng nghề gốm cổ này, cần có thêm nhiều người, nhiều ngành cùng quan tâm mới được.

Mấy năm trước, Bảo tàng Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương mở nhiều lớp dạy làm gốm cho thanh thiếu nhi tại buôn, mời nghệ nhân về dạy nghề, còn Bảo tàng thì giới thiệu sản phẩm gốm Dơng Băk với các đơn vị du lịch và khách thăm quan làng gốm. Nhờ đó, nhiều cô gái M’nông R’lăm đã biết làm gốm và say mê nghề gốm của dân tộc mình.

Hai năm nay, thỉnh thoảng có đoàn khách du lịch ghé thăm buôn, thấy gốm lạ mắt thì mua chơi, làm quà lưu niệm. Lâu lâu các nghệ nhân cũng nhận được đơn hàng nhỏ từ những người dân quanh khu vực.

Nghệ nhân Mị Kim cho biết, tháng trước bà đổi một bộ chõ bằng gốm giá 150.000 đồng lấy con heo nhỏ về nuôi, mới đây bà cũng vừa nhận được đơn đặt 10 bộ chõ từ một người đồng bào Êđê ở xã bên.

“Trước đây, chúng tôi chỉ làm nồi niêu, chõ, chén bát,… giờ làm thêm nhiều mẫu mới làm quà lưu niệm như con rùa, voi, ché,… bán cho khách du lịch”.

Ông Trần Quang Năm, Trưởng phòng nghiên cứu, sưu tầm Bảo tàng Đắk Lắk cho biết: Cách làm gốm của đồng bào M’nông cực kỳ độc đáo ở kỹ thuật chế tác, nguyên liệu từ đất sét không pha trộn, làm hoàn toàn bằng tay, nung lộ thiên bằng củi trong vòng 30 phút, lên men bằng trấu, dùng que tre để tạo hoa văn vạch ngang, sóng và sản phẩm gốm rất tinh xảo và bền.

Cho đến nay, ở Đắk Lắk chỉ có buôn Dơng Băk là làng gốm cổ duy nhất của người M’nông. Những điểm độc đáo của gốm M’nông R’lăm giống đặc điểm những mảnh gốm các nhà khảo cổ Viện khảo cổ Việt Nam và Bảo tàng Đắk Lắk đã tìm thấy ở di chỉ Buôn Triết từ những năm 1993 - 1995.

Nghệ nhân Mị Kim cho biết, tháng trước bà đổi một bộ chõ bằng gốm giá 150.000 đồng lấy con heo nhỏ về nuôi, mới đây bà cũng vừa nhận được đơn đặt 10 bộ chõ từ một người đồng bào Êđê ở xã bên. “Trước đây, chúng tôi chỉ làm nồi niêu, chõ, chén bát,… giờ làm thêm nhiều mẫu mới làm quà lưu niệm như con rùa, voi, ché,… bán cho khách du lịch”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG