Nghệ sĩ Di gan ở Sài Gòn

Nghệ sĩ Di gan ở Sài Gòn
TP - Việc các ban nhạc nước ngoài biểu diễn tại Sài Gòn đang tạo một làn sóng đa văn hóa đa quốc tịch tại đây.

> Một người Việt là ân nhân của người Do Thái
> Vào trại Auschwitz

Du lịch, kiếm sống

Ban nhạc Q’vans đến từ đất nước Cu Ba. Họ gồm Daylon, Lisi, Ivniiscus, Roberto, Michie, diễn tại các phòng trà, thậm chí nhà hàng hải sản. Các chàng trai nom khỏe mạnh còn các cô gái nhỏ nhắn nhanh nhẹn, mặc đồ bó sát cơ thể. “Âm nhạc và vũ điệu La-tinh bốc lửa” - một fan nói. Giai điệu sôi nổi của họ được hỗ trợ bởi nhạc cụ trống và kèn. Các điệu múa khá “khiêu khích”.

Daylon nói: “Chúng tôi chỉ là dân không chuyên. Đi du lịch, rồi lập ban nhạc biểu diễn”. Tôi hỏi: “Vậy ở Cu Ba thì sao?”. “Chúng tôi đều được đào tạo bài bản tại nhạc viện và khá là nổi tiếng ở Cu Ba”. Phong cách bóng bẩy, họ đến các buổi biểu diễn với những bộ tóc cầu kỳ, đôi khi ướt đẫm như thể các nàng tiên cá mới lên bờ!

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng cho biết trước 1975, Sài Gòn nổi tiếng với các ban nhạc Philippines. Các ban nhạc Philippines hiện vẫn giữ được sự trẻ trung nồng nhiệt. Ban nhạc nữ mặc gợi cảm. Người chơi đàn bass khá béo nhưng hát bè rất hay. Không làm giàu được bằng âm nhạc ở Việt Nam nhưng cũng đủ sức cho họ sống bằng nghề.

Tìm không gian sáng tạo

Một ban nhạc phong cách Ấn Độ với cô ca sĩ bé xíu da đậm màu thường diễn ở quán cà phê Yoko. Nữ ca sĩ cho biết họ tự sáng tác, phối khí và biểu diễn. Cô thường đem theo chiếc máy tính xách tay để giới thiệu những bản phối mới của mình. Ca sĩ này còn là tay ghi ta đáng gờm với cây đàn màu mận chín mới tinh. Khác với các ca sĩ Việt Nam thường thích lên sân khấu bằng bộ đồ hàng hiệu đắt tiền, ca sĩ này thích mặc những chiếc áo phông cũ sờn mà người ta có thể mua ở cửa hàng đồ cũ. Cô cũng thích uống bia và ăn phở bò.

Bên cạnh những “nghệ sĩ nghèo tầm cỡ quốc tế” ta cũng gặp những người chơi nhạc luôn tự hào rằng họ không câu cơm từ các loại nhạc cụ. Xem ban nhạc Jazz Big Band do Trần Mạnh Tuấn sáng lập, tôi gặp vị tổng giám đốc người Nhật và một doanh nhân Hàn Quốc. Họ cùng ban nhạc này diễn miễn phí ở sảnh Nhà hát Lớn TPHCM vào các sáng sớm thứ bảy đầu tháng. Vị tổng giám đốc người Nhật cho biết: “Tôi rất yêu âm nhạc và thích thú với ban nhạc quốc tế này”. Chơi ghi ta cho Jazz Big Band có lúc là một nhạc công kỳ cựu người Anh, có khi là một nhạc công người Pháp có khả năng đánh được nhạc dân ca Việt Nam.

Có một ban nhạc Mỹ và Nhật tên “Nghệ thuật bị quên lãng” (Lost Art) với phong cách quốc tế pha trộn giữa âm thanh mộc và điện tử biểu diễn khá bốc lửa. Nếu các nghệ sĩ Việt Nam thường cố hát những bài nhạc ngoại nổi tiếng thì xem ra ban nhạc này lại hát những bài ít được biết. Vài bài hát Việt Nam, bằng tiếng Việt, với tiết tấu cực nhanh khiến khán giả thích thú.

Ẩn danh tại Việt Nam?

“Tôi yêu đất nước và văn hóa Việt Nam” - Melanie (biệt danh Baby Doll) một nữ ca sĩ Mỹ nói. Bố cô là chủ doanh nghiệp còn mẹ là danh ca. Cô thường biểu diễn ở Mỹ với các ban nhạc nổi tiếng và nhiều kinh nghiệm, còn ở Việt Nam, Melanie sẵn sàng ăn cơm bụi. “Cuộc sống thật thú vị và náo nhiệt”. Cô tiết lộ: “Đôi khi trong các tụ điểm âm nhạc ở Sài Gòn, tôi nhìn thấy những nghệ sĩ rất nổi tiếng ở nước tôi”.

Không phải mọi thứ đều dễ dàng, nhất là khác biệt văn hóa. Một nhạc công chơi nhạc Blue đem lòng yêu cô gái Việt, không ngờ cô cuỗm hết tiền bạc của anh chàng rồi biến mất, chỉ để lại cây đàn cũ. Baby Doll cho biết “Thu nhập từ việc biểu diễn chỉ khoảng 600 USD/tháng nên tôi phải dạy tiếng Anh kiếm thêm khoảng 1.000 USD nữa. Chi phí lớn nhất của tôi chính là tiền điện thoại về Mỹ để tán chuyện với bạn bè ca sĩ về Việt Nam” - cô nói.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng: “Phần đa các nghệ sĩ loại này kiếm tiền mưu sinh, họ đi hết nước này nước khác, nên cũng không để lại nhiều dấu ấn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam”.

Ngược lại, Dương Thụ đánh giá cao các nghệ sĩ “Di gan” quốc tế. Theo ông, sự hiện diện của họ, dù không ồn ào nhưng “góp phần tạo sự đa dạng trong sự phát triển âm nhạc của Việt Nam và góp phần đưa âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài”.

Trong một CD của Dương Thụ với các ca khúc dịch ra tiếng Anh, người thể hiện là một ca sĩ nước ngoài thường hát ở quận 1. Dương Thụ nói: “Cô ấy dự nhiều liên hoan nhạc jazz hàng đầu thế giới”. Dự ra mắt CD tại Cà phê Thứ Bảy, thấy ca sĩ này hát ca khúc Dương Thụ (do cô chuyển ngữ sang tiếng Anh) với phần đệm của hai nhạc công Mỹ. Dương Thụ giới thiệu: “Hai nhạc công lang thang này giản dị thế thôi chứ từng đoạt giải Grammy!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG