'Hiền nhân' giữa chốn thị phi

'Hiền nhân' giữa chốn thị phi
TP - Đụng đến chuyện viết văn, Thái Bá Lợi thế nào cũng “phán” một câu: Dễ thôi. Chỉ cần biết đọc, biết viết là viết được. Những kẻ ôm mộng văn chương chớ khấp khởi mừng thầm. Hãy nghe nhà văn “hạ” câu cuối: “Trong cuộc đời này, cái dễ nhất thường là cái khó nhất”.

> Ngô Thảo & chùm lá quế
> Khai cuộc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Giới chuyên môn nói gì?

Nghe nói, nhuận bút từ cuốn “Minh sư” được chừng mười lăm triệu đồng, Thái Bá Lợi vẫn “lõm” vì mải mua sách tặng. Mới đây, trên facebook thấy một nữ tác giả trẻ đã phản ứng dữ dội khi cô bị (được?) những người thân quen đòi tặng sách, cô kết luận: Chỉ những nhà văn kém văn minh mới chơi trò tặng sách. Cứ chiểu theo cách nghĩ của cây viết trẻ này, suy ra Thái Bá Lợi kém văn minh chăng? “Không bao giờ tặng cho vui, ai biết đọc tôi mới tặng”, ông giải thích.

Và lượng người biết đọc trong đánh giá của Thái Bá Lợi mới đông đảo làm sao, đến mức tiêu hết số sách đã mua bằng nhuận bút và bằng tiền túi, ông còn mang cả mấy cuốn sách giữ làm kỷ niệm tặng nốt. Rồi khi cần cuốn sách cũ nào của mình, ông lại lóc cóc tới thư viện tìm và chụp lại.

Giá trị giải thưởng văn học Asean năm nay theo lời chủ nhân, vẫn giữ mức cũ, tính ra chừng bốn chục triệu tiền Việt. Tuy không nhiều nhưng đủ rủng rỉnh để ông đãi bạn bè văn chương (biết đâu lại dư ra để mua sách tặng?).

Bất ngờ gặp Thái Bá Lợi tại Hà Nội, khi ông ra dự đám tang nhà văn Đà Linh. Mời ông tới quán cà phê nhỏ, khi về, ông nhất định đòi thanh toán, bởi “Ở thủ đô tới ba ngày mà chưa được tiêu đồng nào. Ra tới đây, Trung Trung Đỉnh lo hết”.

 Giải thưởng văn học Asean năm nay, đại diện Việt Nam là nhà văn Thái Bá Lợi, với tiểu thuyết “Minh sư”, giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn năm 2010. Ông đã nhận giải và trở về từ Thái Lan. 

Ít ai biết rằng, Thái Bá Lợi là người dạy tác giả “Chuyện tình ngõ lỗ thủng” những bài học đầu tiên về kỹ năng viết văn. Không biết có phải vì những tình cảm quý mến từ thời lính tráng trong chiến tranh, xuyên qua những năm cùng học ở trường viết văn Nguyễn Du, rồi những năm cùng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và bây giờ lại sát cánh bên nhau ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn hay không, mà bao giờ Thái Bá Lợi cũng dành cho Trung Trung Đỉnh những nhận xét ưu ái.

Hay Thái Bá Lợi đủ kinh nghiệm để biết chẳng dại chê văn người khác, nếu không muốn sa vào “cuộc chiến”? Ông gạt đi: “Chẳng phải. Tôi nhận xét thẳng lắm đấy”. Nhưng ông ít đánh giá văn chương của kẻ khác, trừ khi đó là chỗ thân quen, bởi lẽ: “Người vĩ đại như Đức Phật Thích ca, ai hỏi gì, ông mới nói. Vậy mình đã là cái gì để nói người khác”.

Chính vì đức tính khiêm nhường, một số người trong giới đã phong ông là “hiền nhân”. Nhưng Thái Bá Lợi không dám nhận hai chữ thanh cao ấy: “Mình chưa đạt mức hiền nhân, chẳng qua người ta “vu” cho mình”.

“Gà trống nuôi con” vẫn theo nghiệp viết

Thái Bá Lợi sinh ra ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), bắt đầu từ năm 1983 ông gắn bó cuộc đời với thành phố Đà Nẵng. Hỏi: Màu xứ Nghệ hay màu thành phố trẻ mạnh hơn trong ông? Nhà văn bối rối: Không biết. Nhưng nhớ tới chặng đường “gà trống nuôi con” không ngắn của ông, dù ít hay nhiều người ta cũng dễ nghĩ rằng, chính mảnh đất nuôi ông những ngày thơ ấu, đã cho ông sức chịu đựng, sự nhẫn nại âm thầm vượt qua giông gió. Còn cách nói chuyện khá cởi mở, thẳng thắn, cùng giọng văn giản dị, tự nhiên, câu văn không rườm rà, chắc có ảnh hưởng ít nhiều từ một thành phố năng động? Ông là một trong những nhà văn hiếm hoi không từ chối khi bị “chọc” vào chuyện riêng, thậm chí còn khuyến khích: “Cứ hỏi đi”. Và hẳn nhiên, tôi gợi ngay chuyện “gà trống nuôi con”.

Ông sẵn sàng chia sẻ: “Bà vợ mình trước hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi, đến thời đổi mới bà tham gia lập công ty, làm áo kimono. Rồi bà chẳng may bị kết án tù kinh tế hai chục năm. Nhưng khoảng tám năm đã được ra tù”. (Sau khi ra tù phu nhân của Thái Bá Lợi đã bỏ nhà chọn cách sống lang thang, tham gia công tác từ thiện).

Hiện tại, cả hai người con của nhà văn đã yên bề gia thất. Các con của ông đều học hành đến nơi đến chốn, tìm được học bổng du học tại Mỹ. Cô con gái xinh đẹp, sau khi lấy bằng thạc sĩ, đã về nước, sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Nhiều người chỉ biết Thái Bá Lợi là một nhà văn nhưng ít ai biết ông còn là một nhà báo chăm chỉ: “Hồi đó mình viết báo nhiều, lấy tên lung tung”. Ngay trong giai đoạn khó khăn, ông vẫn tự trào: “Tôi là anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nuôi hai đứa con đi học và bà vợ ở tù”.

Ăn chay bây giờ đang là mốt nhưng Thái Bá Lợi ăn chay không vì mốt: “Tôi có tạng ăn chay”. Ông từng ở chùa cả năm trời, ăn chay trường, vẫn ổn. Viết xong cuốn “Minh sư”, ông vào chùa sống một thời gian, sau khi tĩnh tâm, nhà văn mới trở lại sửa tác phẩm. Triết lí Phật giáo ảnh hưởng khá nhiều đến Thái Bá Lợi.

Ngay khi ông nhận giải thưởng Nhà nước, đã có lời ong tiếng ve, xung quanh bài phát biểu cảm ơn của ông. Nhắc lại câu chuyện này, nhà văn cười: “Mình vừa mới gặp một trong những người vào hùa chế giễu mình, người ta có vẻ hối hận, muốn xin lỗi. Nhưng mình bảo: Không sao, tôi phải cảm ơn anh, bởi nhờ anh tôi đã loại được vài chục người bạn, mà không phải băn khoăn”.

Trong cuốn “Minh sư” Thái Bá Lợi viết: “Những người nói điều hợp với lòng ta, mà ngay cả người nói điều trái ý ta, những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều”.

Nhiều người cho rằng giải thưởng của Hội Nhà văn hiện nay khá tai tiếng. Nhưng nhà văn miền Trung lại nhìn nhận khác: “Tai tiếng là do người ta làm ra. Tôi từng tham gia hội đồng văn xuôi thấy việc chấm giải rất cẩn thận. Ngoài những cuốn được giải có ai phát hiện ra cuốn nào xứng đáng hơn hay không? Có mấy người từ chối giải, giả sử họ được giải chính thức họ có từ chối không? Bản thân tôi luôn ủng hộ những người viết trẻ, chưa là hội viên Hội Nhà văn”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Giải thưởng nào chẳng có những sai sót. Đến cả giải Nobel văn học còn bỏ quên L. Tonxtoi kia mà”.

Viết văn xuôi như lao động khổ sai

Thái Bá Lợi cho rằng, khác với thi ca, việc viết văn xuôi giống như lao động khổ sai. Sáng nào nhà văn cũng ngồi vào bàn “luyện công” khoảng hai tiếng. Khi đang “luyện công”, ông tập trung cao độ, thường tắt điện thoại. Ông đặt ra đích: Mỗi ngày viết một trang. Chẳng cần viết chi nhiều cho… tốn giấy. Nếu mỗi ngày viết một trang thì một năm đã có 365 trang. Thái Bá Lợi là người chủ trương mỏng hoá tiểu thuyết để phù hợp với nhịp sống hiện nay. Điển hình như “Khê mama” chưa đầy trăm trang. “Chả có chữ đâu mà viết quá hai tiếng, nhàm ngay. Viết đến khi thấy từ nhàm là tôi bỏ đi chơi ”, nhà văn chia sẻ chuyện bếp núc.

Viết cuốn “Minh sư” ông mất hơn bốn năm, trong đó dành tới ba năm để sưu tầm tài liệu, năm rưỡi dành cho việc viết. Cuốn “Trùng tu”, khiến ông đắn đo nhất, viết xong năm 1982 nhưng phải 20 năm sau nhà văn mới cho xuất bản.

Thái Bá Lợi đánh giá, gia tài văn chương của mình thuộc hàng khiêm tốn, chỉ với hai tập truyện ngắn và bảy cuốn tiểu thuyết. Nhưng ông lại “rinh” khá nhiều giải thưởng khiến những cây bút khác phải ghen: hai lần giành giải thưởng Hội Nhà văn với hai cuốn tiểu thuyết: “Họ cùng thời với những ai”, “Minh sư”.

Tiểu thuyết “Minh sư” cũng giúp ông được vinh danh ở giải thưởng văn học Asean năm nay. Đây là cuốn tiểu thuyết dài hơn thường lệ của nhà văn, trên 400 trang sách.

Tên sách của Thái Bá Lợi thường không hấp dẫn: “Vùng chân Hòn Tàu”, “Đội hành quyết”, “Bán đảo”, “Trùng tu”, “Hai người trở lại trung đoàn” … Mặc dù vẫn cho rằng, giá trị tác phẩm được định đoạt bởi thời gian và người đọc nhưng ông đủ tỉnh táo để biết “gu” của độc giả thay đổi không ngừng.

Tác phẩm gây tiếng vang hôm nay chắc gì còn lưu dấu mai sau và ngược lại. Thế nên, cứ viết, viết trước hết cho chính mình. Truyện của Thái Bá Lợi cũng không chiều độc giả, nếu ai đó ưa một cốt truyện li kì, đừng mất công tìm đến ông. Đề tài nhà văn quan tâm cũng không có gì mới: người lính và người phụ nữ.

Vấn đề ông khám phá chính là đạo đức con người. Một trong những tiểu thuyết được Thái Bá Lợi tâm đắc chính là cuốn “Khê mama”. Ở đây, ông xây dựng một nhân vật tốt tuyệt đối, khiến độc giả nghi ngờ. Nhưng như M.Kundera quan niệm: “Tiểu thuyết là tiếng gọi của giấc mơ”, giấc mơ về xã hội với những con người tốt đẹp, là một giấc mơ lương thiện.

Có lẽ do tính thị trường chưa cao nên dù có một vị trí vững chắc trên văn đàn nhưng với phần nhiều độc giả, Thái Bá Lợi vẫn là cái tên chưa... phổ cập. Thậm chí, nhiều người còn nhầm ông với… Thái Bá Tân. Thái Bá Lợi chẳng vì thế mà buồn, thậm chí còn khẳng định: “Thái Bá Tân nổi hơn tôi nhiều chứ”.

Mệnh “thiên di”

“Chuyện Thái Bá Lợi uống giỏi thì… cả Hà Nội biết”, ông nói đùa. Cỡ ham nhậu như Trung Trung Đỉnh chỉ được Thái Bá Lợi đánh giá “được thôi. Không thể uống nhiều và dai như tôi”.

Thái Bá Lợi đã ngao du nhiều nơi trên thế giới. Ông khoe có mệnh thiên di “cứ đi là tốt”. Ở Đà Nẵng, những khi buồn, ông bắt xe sang Viêng Chăn rồi tiện đó sang luôn Thái Lan chơi với bạn, vài bữa lại quay về, chỉ mang theo giấy tờ tuỳ thân, còn quần áo thì “không cần mang, sang đó mua một thể”.

Lần này sang Thái Lan nhận giải thưởng văn học Asean, Thái Bá Lợi đã soạn sẵn một bài diễn văn khá dài nhưng cô con gái “tháp tùng” ông đã “biên tập”, chỉ còn để lại vài câu cảm ơn và luyện cho cha tự phát biểu bằng tiếng Anh.

Thái Bá Lợi mang theo đôi giày mới song trong lễ nhận giải, ông vẫn đi giày cũ, vì con gái bảo: “Bố cứ dùng giày cũ quen chân, cho tự tin”. Ông đã trở về Hà Nội từ đầu tuần và bay gấp về Đà Nẵng. Cơn bão lớn không ảnh hưởng lớn đến ngôi nhà của nhà văn nhưng lại phá tan “công trình” của Thái Bá Lợi suốt hai năm: “Bọn trẻ mang ti vi, đồ đạc cất, chúng lại không để ý cuốn vở tôi để trên bàn. Một viên ngói bể, nước mưa rơi xuống vở làm nhoè chữ. Đây là bản thảo cuốn tiểu thuyết tôi đã viết trong hai năm chưa kịp đánh máy lại. Bây giờ đang phải hong từng tờ giấy”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.