> Nhà văn Lê Lựu: ‘Tôi không cần thương hại’
> Nhà văn Lê Lựu: Ngày 3 lưng cơm, 7 cữ thuốc
Hỏi về cuốn sách “Việt Nam – đất nước con Rồng cháu Tiên” vừa ra mắt khá thành công ở Hà Nội, cô nói “Cuốn sách này tôi muốn tạo ấn tượng. Và mục đích tạo ấn tượng đã đạt 200%”. Chợt nghĩ, tính cách thẳng thắn này thường chỉ có ở người Nga nói riêng và người phương Tây nói chung. Còn người Việt thì có thể làm với mục đích như thế, nhưng khi nói ra, thường những mỹ từ, những mục đích to tát và cao cả sẽ được lựa chọn.
Daria Mishukova cũng nói, trong số các cuốn sách về Việt Nam, có khả năng cuốn sách của chị là một trong những cuốn đang được đọc nhiều nhất tại Nga, nhưng – “đối với tôi đó không phải là đỉnh cao” – Daria thẳng thắn.
Cuốn sách “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” xuất bản vào năm 2007 và tái bản năm 2010 đều bằng tiếng Nga (tại Nga) và được chính tác giả dịch ra tiếng Việt tháng 6/2013 (NXB Chính trị Quốc gia, in 460 cuốn, được bán với giá 62.000đồng). |
Câu chuyện bắt đầu, đương nhiên từ chính cuốn sách “Việt Nam – đất nước con Rồng cháu Tiên” của Daria Mishukova. Tôi đã đọc khá kỹ cuốn sách này và thẳng thắn nêu nhận xét: Có cảm giác, trong cuốn sách của chị, có những điều chưa nói hết. Chị có sợ “đụng chạm”? Tôi cũng thoải mái trao đổi cảm tưởng của tôi và một số bạn bè là trí thức, rằng dù yêu nước, nhưng không tránh khỏi có những lúc buồn và hoang mang vì những tính xấu của người Việt – những tính này cản trở sự phát triển của đất nước, khiến người Việt khó hòa nhập với thế giới. Daria không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói cho tôi nghe một câu chuyện ngụ ngôn.
Người ông nói cho cháu về hai con chó sói trong tâm hồn mỗi con người. Con lông trắng tượng trưng những nét tốt đẹp, con lông đen là những nét xấu. Hai con chó sói này liên tục chiến đấu trong lòng ta. Cậu bé mới hỏi ông: Cuối cùng con chó sói nào thắng. Ông đáp: Cháu nuôi con nào thì con đó sẽ thắng!
Daria ngạc nhiên trước sự quan tâm của người Việt đến tính xấu của chính dân tộc mình. Cô đã viết chương “Tính tự phê bình” nói về thói quen này – rất lạ đối với người nước ngoài. Lạ ở chỗ, “nhiều người liên tục nói về tính xấu của người Việt, nói một cách triệt để, thuyết phục và qua đó, đưa thêm sức mạnh cho cái xấu ấy”.
Cô nói: Tôi không bảo nên khen về tính xấu, im lặng về tính xấu hay nói tính xấu là tốt. Tôi nghĩ, vẫn cần nói, nhưng nên giải thích về xuất xứ và đưa ra cách điều chỉnh cho tốt đẹp. Nên châm biếm để người ta xấu hổ về những biểu hiện xấu.
Cô kể cho tôi, người Nga cũng có những tính cách khá kỳ cục. Như, chỉ người Nga mới có chuyện trước khi đi khỏi nhà sẽ mặc áo lông vào, rồi đi kiểm tra xem đã tắt điện hết trong các phòng chưa. “Tôi cũng vậy – cô nói – Trong khi người nước ngoài sẽ làm ngược lại. Ở Nga, có những nghệ sĩ hài hước chuyên nói những câu chuyện châm biếm những tính xấu tiêu biểu của người Nga. Người nghe rất thích, cười ha ha liên tục”.
“Cách nói không tập trung vào nét xấu, mà nói một cách khéo léo tạo nụ cười, theo tôi sẽ hiệu quả hơn. Sau khi nhìn thấy dưới góc nhìn chút hài hước bất cứ ai dễ chấp nhận “đúng như vậy”.
Đó có thể coi là triết lý của Daria Mishukova khi thực hiện cuốn sách. Cô đã tìm cách viết một cách khéo léo, để “giúp bạn đọc cười tươi”. Hơn nữa, cô muốn khi sang Việt Nam, gặp phải tình huống thực tế, họ sẽ thông cảm hơn và “không tạo đau đầu cho bản thân”.
Trao đổi với Daria, thấy cách nói của cô rất tự nhiên, lưu loát và có vốn từ rất lớn. Có thể nói, người phụ nữ Nga này có vốn từ nhiều hơn một người Việt bình thường (theo nghĩa một người không làm công việc lao động chữ nghĩa). Nhưng điểm chưa đạt của cô là phát âm vẫn chưa rõ các thanh điệu (nôm na là “đánh dấu”).
Daria thẳng thắn: “Nhiều năm, đối với tôi phát âm tiếng Việt vẫn là một ngăn chặn khó vượt qua trong giao tiếp. Tôi đã cố viết rất chuẩn, thậm chí xuất sắc nhưng khi phải nói tôi rất xấu hổ, không thoải mái”. Trở ngại này đã được vượt qua nhờ những chuyến đi làm phiên dịch tại các cuộc đàm phán ngoại thương và dịch cho Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok.
Việc chọn học tiếng Việt, với Daria cũng “không có căn cứ triết lý đặc biệt nào cả”. Cô đùa “tất nhiên tôi cũng không bốc thăm trúng thưởng, ghi tên mấy khoa khác nhau”. Lý do khá rõ ràng: Ngành Đông Phương học ở Nga được đánh giá là cao cấp, được xếp hạng ngang với Luật, Kinh tế và Quan hệ quốc tế.
Viện Phương Đông học ở Vladivostok có Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học và Việt Nam học. Ba ngành đầu năm nào cũng có nhiều thí sinh thi vào, sau khi tốt nghiệp khó nhận được công việc tốt. Còn khoa Việt Nam học, thời điểm Daria lựa chọn chỉ tuyển sinh 4-5 năm/ lần.
Năm 1995, khi Daria tốt nghiệp phổ thông, vừa lúc khoa Việt Nam học - Viện Phương Đông học tuyển sinh. Với ý nghĩ, học ở đây sẽ trở thành “của hiếm”, cô đã thi vào. Daria Mishukova thoải mái bày tỏ “hóa ra cách tính toán của mình là đúng!”.
Tiếng Việt được Daria Mishukova “chấm” còn bởi một nguyên nhân, là tiếng Việt được ghi bằng chữ cái Latin – đồng nghĩa với đơn giản hơn các thứ ngôn ngữ phương Đông khác. Biết nguyên tắc cơ bản, ngay sau buổi học đầu tiên đã có thể đọc và kiểm tra nghĩa từ trong từ điển.
Trong những năm 2001-2007 Daria Mishukova giảng dạy về văn hóa, kinh tế và tâm lý người Việt. Cô đã từng đảm nhận chức Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn các nước Đông Nam Á, tại Trường ĐHTH QG Viễn Đông (TP. Vladivostok - LB Nga). Hơn 5 năm gần đây, Daria Mishukova chuyển sang làm việc trong lĩnh vực ngoại thương - du lịch.
Hiện Daria đảm nhận chức vụ Giám đốc thương hiệu và marketing Tập đoàn Long Beach Pearl kiêm Tổng quản lý Trung tâm nuôi cấy ngọc trai tại Phú Quốc. Cô nói, đây là một công việc rất phù hợp với sở thích cá nhân. “Trong hộp nữ trang của Daria ngoài ruby, garnet va sapphire, có cả ngọc trai. Đó là thứ mà phái đẹp không thể thiếu” – Cô chia sẻ.
Daria Mishukova cũng đang muốn viết một cuốn sách về sự gắn bó của ngọc trai và văn hóa Việt. Cô bày tỏ sự ngạc nhiên vì người Việt khi viết về ngọc trai bằng tiếng Việt thì chủ yếu trích lung tung từ các trang web khác nhau. Toàn thấy viết về "Viên trân châu Lão Tử" hoặc trong truyền thuyết Hy Lạp.
Cô say sưa nói với tôi rằng, chính lịch sử Việt Nam có những câu chuyện truyền thuyết rất hay liên quan đến ngọc trai như chuyện My Châu – Trọng Thủy thời An Dương Vương. Vương miện của các vua chúa triều đình Nguyễn của Việt Nam - Mũ thượng triều và Mũ bình thiên - đã được trang trí với nhiều ngọc trai quý.
Cô cũng hỏi tôi về câu chuyện "minh châu Hoàng Sa" và tôi phải thú thực là chẳng biết gì. Theo cô, từ thế kỷ XVI bọn cướp biển Malay đã chôn một kho báu ngọc trai đen vô giá trên một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa. Người Nhật Bản phát hiện và đã cử hai chiếc tàu ngầm bí mật xâm nhập và lấy vào tháng 6/1945. Daria Mishukova cho biết câu chuyện này được Đài Tiếng nói nước Nga đưa vào tháng 2/2013.
Ngoài cuốn về ngọc trai, Daria Mishukova còn đang lên kế hoạch in cuốn “Tiền giấy Việt Nam qua các thời đại”. Cô cũng chia sẻ ham thích sưu tầm các loại tiền giấy của các nước.
Mô tả thú vị
Trong cuốn sách có nhiều đoạn mô tả khá thú vị. Chẳng hạn, cô nhận xét về lễ cưới “Quà cưới tại Việt Nam phần lớn là phong bì tiền, sẽ được đựng trong chiếc hộp đỏ hình trái tim” và “một album ảnh cưới thường có trọng lượng khá nặng, từ 5-8 kg”. Chẳng hạn, cô miêu tả chuyện uống rượu cần: người uống nhiều sẽ có thêm việc đau má (vì phải lấy sức mút rượu – PV), thay cho chỉ đau đầu như khi uống những loại rượu khác. Về rượu thuốc, cô cũng cẩn thận dặn bạn đọc, nếu không biết rõ công dụng, hãy chỉ nên để trong phòng làm việc và khoe với bạn bè “như một thứ đồ lưu niệm”. Cô cũng chỉ ra rằng người Việt luôn hồn nhiên hỏi những câu khiến người nước ngoài khó chịu. Đó là hỏi tuổi, hỏi lấy vợ/ chồng chưa và nếu chưa có vợ/ chồng thì hỏi có người yêu chưa. Cô cũng “dặn” bạn đọc là đừng khó chịu, mà hãy “cười bí hiểm” để lờ đi. Tuy nhiên, cuốn sách khá bổ ích về du lịch này cũng vẫn còn một số chỗ khiến người Việt có kiến thức băn khoăn. Như đoạn về tranh sơn mài, tác giả hoàn toàn quên một việc rất quan trọng khi chế tác loại tranh này, là “mài”. Đoạn về “viết chữ mỹ thuật”, tác giả đã không dùng từ “bức thư pháp” hoặc “bức tranh chữ”, mà lại gọi là “những bức tranh vẽ mỹ thuật”... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một số vết gợn nhỏ. |