Ai xuôi vạn lý

Ai xuôi vạn lý
TP - Mẹ tôi bảo, tao phải đi tìm cha mày, mặc kệ chúng mày khuyên can như thế nào. Đã 20 năm nay, tao không gặp ông ấy, tao không muốn khi một, hai năm nữa, tao không sống nổi, không đi nổi thì không gặp ông ấy mãi mãi. Thế là bà chuẩn bị đồ đạc để ra đi.

> Máu của đá
> Gương mặt thành phố

Mẹ tôi không có gì nhiều ngoài mấy bộ quần áo, một chút tiền tiết kiệm để dùng dần, nhưng có lẽ cũng không thể đủ dùng cho quá hai tháng ăn ở, một cặp kính lão để đi tìm cha tôi.

Mẹ chưa bao giờ đi xa nhà cách 20 cây số. Chưa một lần mẹ tôi ngồi trên xe khách, ngoài cái lần ngồi trên xe tải hồi phải đi sơ tán thì phải. Mẹ tôi cũng chỉ biết đến Sài Gòn qua ti vi. Ấy thế mà mẹ tôi nhất quyết. Đứa nào cũng phải có công việc riêng cả, với cả chúng mày không đứa nào đồng ý để tao đi, nên tao không miễn cưỡng.

Tao cũng chả có gì mà sợ, chỉ một thân già. Nếu lỡ có như thế nào, tao sẽ về theo bụi đất, có khác chăng cách nhau một hai năm. Nên chẳng cần bận tâm lắm. Nếu tao không tìm được cha mày, khi cái ngưỡng cửa một, hai năm nữa tới, tao cũng coi như không sống làm gì nữa. Vì vậy, đừng có mong mẹ thay đổi quyết định. Chúng tôi biết tính bà, cứ để bà đi và âm thầm dõi theo bà từ phía sau.

Chúng tôi chỉ không hiểu, bà tìm người đàn ông ấy để làm gì? Khi chúng tôi, không muốn gọi ông ấy là cha, và ông ấy, có lẽ trong ký ức hai mươi năm, chắc cũng chẳng thể nào nhớ đến bà. Thậm chí họ có gặp nhau, chưa chắc nhận ra nhau… Vậy, mẹ tôi đi, đến cái “miền đất hứa” trong tâm tưởng cùa bà để làm gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ là để thỏa mãn khi về với cát bụi.

Ngày đầu tiên mẹ tôi bắt xe ra đi.

Có một thông tin, cũng không biết có đáng tin cậy không, là một người trong làng bắt gặp cha tôi ở một địa điểm X, Y, Z nào đó, tận tít miền Tây, nơi có thời trước đây ông đã sống ở trong đó, do điều kiện công tác.

Chúng tôi thực sự không muốn kiểm chứng thông tin này, phần vì chúng tôi hầu như không có ký ức về cha. Phần lớn nữa, chúng tôi được định dạng một thông tin, ông bỏ chúng tôi, bỏ mẹ tôi đi với một người đàn bà khác.

Phần lớn hơn nữa, mẹ chúng tôi đã làm tốt cả hai vấn đề, trở thành cha, trở thành mẹ. Và mẹ chúng tôi, không nhắc gì về chuyện ấy cả. Vì thế, trong ký ức của chúng tôi, cha hầu như có lẽ là một “người xấu xa”. Và chúng tôi, không có nguyện vọng để chờ đợi sự trở về này.

Cho đến một ngày, chuyện mẹ tôi tuyên bố đi tìm cha xảy ra. Chúng tôi thật sự chưa bao giờ được chuẩn bị để hiểu điều này. Có lẽ, cũng vì thế, chúng tôi chưa được nhận thức được, mẹ tôi đã thực sự suy nghĩ gì về cha trong suốt những năm tháng bà sống một mình.

Mẹ tôi lên xe và say lắc lư, hầu như trên suốt cả một đoạn đường vào Sài Gòn, bà không thể mở miệng được câu nào và chỉ dám ăn những thức ăn rất nhẹ. Nghĩ đến mẹ vật vã suốt mấy ngày trời trên xe, tôi không khỏi động lòng, mẹ tôi có lẽ giống một chiếc lá héo đã lụi tàn.

Bà không đi nổi, không mặc cả nổi với người lái xe ôm ở bến xe, chỉ kịp run rẩy rút ra tờ ghi địa chỉ. Tôi thực sự thấy cảm ơn trời vì quyết định sáng suốt của anh em chúng tôi, bám theo bà trên chuyến đi này. Mẹ tôi dặn người lái xe ôm. Tôi ở quê đi tìm chồng, không biết gì cả, cũng không có gì cả. Chú giúp tôi. Chú cũng như các con trai, con gái tôi, tôi tin tưởng… Người lái xe ôm dùng dằng mãi, tạm biệt mẹ tôi trước cổng một xóm nhỏ khác xa chỗ chúng tôi ở.

Khi anh ta đi, anh ta chỉ lấy một nửa tiền mẹ tôi trả công. Bác đã tin con như con cái, con muốn giúp hơn nữa nhưng không có thời gian. Khi nào bác về lại Sài Gòn, gọi cho con, con xuống đón. Không biết bác có tìm được “tương lai”, được bác trai không nhưng khi bác cần, nhất định con sẽ xuống với bác. Tôi không tin lắm về “giao dịch” đơn giản này cho đến khi anh ta đi khỏi. Tôi nghĩ mẹ tôi may mắn, gặp được một người tốt.

Người đàn ông bước ra từ chiếc lều hơn là một căn nhà. Bởi vì thay cho một bức tường chắc chắn, tất cả đều bằng lá dừa đan lại với nhau. Dáng đi xiêu vẹo, run rẩy qua chiếc cầu đón khách vào nhà. Mẹ tôi cũng cũng bước vào theo, bước chân mạnh mẽ, dứt khoát.

Người đàn ông chui vào, bật lửa châm đèn giữa ban ngày nhìn kỹ mặt khách. Ngọn lửa chao đảo, chập chờn. Mẹ tôi đưa tay ra giữ lại cây đèn, tránh một tiếng đổ vỡ. Không gian im ắng, chỉ nghe có tiếng nước vỗ nhè nhẹ dưới cái lều, thỉnh thoảng một chú cá phấn khích quẫy đuôi tanh tách. Các ngọn dừa trên cao đong đưa.

Cho đến khi ánh đèn trong nhà tỏa sáng rạng rỡ một vùng nho nhỏ. Và những chú cá dưới nước quẫy đuôi nhanh hơn đón ngọn gió mát lành của đêm. Trong nhà, bóng mẹ tôi thẳng tắp một hàng được bóng đèn chiếu sáng. Mẹ tôi hỏi, ông có về nhà không? Người đàn ông không trả lời. Ngọn đèn chấp chới cho đến khi bóng của nó lẫn trong ánh sáng ban ngày.

Ngày thứ hai, hai người vẫn ngồi yên tại chỗ. Người đàn ông hầu như không thay đổi tư thế, thỉnh thoảng mới ngước mặt lên nhìn rồi lại cúi nhanh xuống. Mẹ tôi bảo, ông có thể nhìn tôi một lần không? Tôi đã vào tận đây rồi, hẳn là trong lòng đã không còn chấp chứa chuyện cũ. Có thì cũng coi như đã lắng lại hoặc phải dằn lại nó.

Tôi cũng không đến đây để ép buộc. Có chăng thì chỉ để hỏi ông một câu thôi. Người đàn ông ngước lên, đôi mắt bị cái ánh nắng vàng nhờ nhờ của sáng mai kéo thành vệt dài nhạt, buồn bã.

Trong suốt hai mươi năm, ông không có ý định trở về nhà tìm chúng tôi sao? Có phải ông xấu hổ? Khi ông phải sống một cuộc sống cơ cực, không ra người hay ông hài lòng với hạnh phúc mới? Tiếng đuôi cá quẫy lanh lảnh. Có lẽ là cả hai, mẹ tôi chua chát.

Nhưng đời mà, hai mươi năm vất vả, câm nín, xa cách… trả lại cho tôi, một ông, một tôi như bây giờ. Trời có mắt, hay ông trời ác nghiệt với cả hai chúng ta? Khuôn mặt mẹ tôi, khác xa khuôn mặt hàng ngày. Chan chứa nước mắt, nhăn nhúm.

Ngày thứ ba mẹ tôi bảo, ông đã suy nghĩ thêm chưa, chúng ta định như thế nào nhỉ? Người đàn ông hầu như suy sụp, lưng càng còng xuống. Mẹ tôi đi loanh quanh khắp nhà, nhìn ngó mọi chỗ rồi lại kiên nhẫn chờ. Đến trưa thì mẹ tôi tìm mọi thứ nấu cơm.

Mẹ tôi sai người đàn ông chạy như chong chóng tìm đồ. Người đàn ông ban đầu còn miễn cưỡng, sau thì lặng lẽ nhặt nhạnh, gom góp đồ đoàn dùng cho bữa ăn. Mẹ tôi ngồi vào bàn, so đũa mời người đàn ông ăn cơm. Bữa tối, họ còn uống trà.

Mẹ tôi lại hỏi. Ông thấy bữa cơm hôm nay thế nào? Người đàn ông tiếp tục yên lặng. Sao ông có thể, đến một câu trả lời cũng phải hạ mình trước tôi? Vậy thì khi ông đứng trước các con trai, con gái của ông, bọn nó sẽ nghĩ như thế nào về cha nó? Tôi nghĩ rằng, đến tuổi của chúng ta, tự trọng không còn là cần thiết. Cũng không còn nhiều thời gian để duy trì gia đình này nữa. Của ông, ở quê tất cả vẫn còn. Cha mẹ ông vẫn đợi ông về.

Ngày thứ tư mẹ tôi cùng người đàn ông lên xe về quê.

Mẹ tôi vẫn như lần đi xe cách đây mấy hôm, đổ gục hệt một tàu lá héo. Người đàn ông không đụng một ngón tay đỡ mẹ tôi dậy. Mẹ tôi cũng không nhờ một lời, đến bữa cơm chỉ uống mỗi nước. Khi xe dừng lại, mẹ tôi xăm sở.

Trên đường về nhà rồi đó, cũng chả thay đổi là bao, ông đi trước đi mấy bước, tôi mệt, sẽ theo ông sau. Chúng tôi nhìn mẹ và người đàn ông ngồi trước mặt. Mẹ tôi bảo, cha chúng mày đã trở về nhà.

Ông ấy là chồng tao và là cha của chúng mày. Ông ấy đi xa một chuyến dài, giờ thì ông ấy đã trở về. Tao có sai lầm của tao, ông ấy cũng thế. Chúng tao không đòi hỏi chúng mày chấp nhận. Nhưng thực tế thì, chúng ta vẫn là một gia đình và có nhiệm vụ duy trì điều đó.

Em gái tôi chồm dậy, chúng ta là một gia đình nhưng không phải là…Mới nói đến đó, mẹ tôi bảo, không phải là ông ấy đúng không? Mày có thể thay đổi được cái thực tế tao và ông ấy sinh ra mày không? Đừng ném đi một cách tàn nhẫn những sự thật đúng, sai, tốt, xấu. Và đừng đòi hỏi nhiều sự công bằng. Tao không thể là tấm gương tốt nên chúng mày mới khổ, ông ấy cũng khổ.

Một năm sau ngày cha tôi trở về nhà, mẹ tôi qua đời. Trước khi đi mẹ tôi dặn, tao đã nói với chúng mày, là không có nhiều thời gian nữa, tao về với bụi cát. Cũng chả cần đi khám xét gì, nhưng tao biết bệnh tình của mình. Có hai điều tao đã yên tâm, một là cha mày đã về đến nhà và hai là bọn mày đã gọi ông ấy là bố.

Như vậy là, tao đã làm tròn lời hứa với ông bà, làm một người con tốt. Và cũng là để cho gia đình này trở nên đúng nghĩa. Nghĩa là, tao cũng không đến nỗi là một bà mẹ quá tồi. Hãy mở đường cho tất cả chúng ta, để trở nên tốt hơn. Đừng phụ mong muốn của mẹ. Em gái tôi khóc ngất bên cạnh mẹ tôi mếu máo. Bọn con hứa mà…

Mẹ tôi ra đi trên bàn tay sau hai mươi năm gặp lại của cha tôi. Rất thanh thản. Ba tháng sau tang mẹ tôi, cha tôi cũng tạm biệt và dặn dò lại chúng tôi. Cha đã cố một cách “kỳ diệu” sau ngày mẹ mất.

Cha cũng tưởng cha đi ngay sau hôm đó. Nhưng cha nghĩ, chúng ta cần có thêm một chút thời gian. Và có lẽ, mẹ sẽ giận khi cha xuống gặp mẹ ngay. Bởi mẹ đã mang cha về bên các con, muốn cha ở bên các con lâu hơn. Nhưng cha cũng đã biết thời điểm bụi cát đưa cha về với mẹ.

Và có lẽ, sau hai mươi năm cha đi xa, bà ấy cũng đã mong cha trở về bên bà ấy. Cha có nghe tin, bà ấy ở ngoài này có người để ý, rất tốt. Cha thì đã không còn lành lặn. Cha nghĩ, cha đi mãi rồi nên có thể bà ấy sẽ quên được. Thế là cha ở luôn trong đó. Cho đến khi mẹ con tìm cha. Cha mới vỡ lẽ. Bà ấy vẫn như thế mà chờ đợi.

Chúng ta đã ở cách xa nhau quá lâu rồi, giờ đã đến lúc chúng ta được ở bên nhau, tha thứ và hiểu nhau hơn… Chúng tôi lặng lẽ khóc như hai đứa trẻ cạnh người mà chúng tôi luôn nghĩ chỉ là… người đàn ông xa lạ.

Cha mẹ tôi nằm cạnh nhau sau hai mươi năm xa cách. Chúng tôi trở về cuộc sống đời thường trong căn nhà mẹ tôi một mình vất vả dành dụm xây cất suốt đời. Vì cha mẹ tôi mất cách nhau không xa nên chúng tôi làm giỗ cho hai người trong cùng một ngày.

Mọi nghi lễ đều làm chung nhau cả. Chúng tôi dặn dò, kể chuyện cho con chúng tôi nghe về ông bà nội, ngoại thường xuyên. Chúng tôi kể về quá trình họ đến với nhau, sinh ra chúng tôi, nuôi chúng tôi lớn, cùng nhau xây nhà xây cửa.

Đứa con trai lớn của tôi tỏ ra hiểu biết đã bắt đầu căn vặn. Có một thời gian, con có thấy ông nội đâu? Em gái tôi nhanh nhảu. Tại vì, ông nội có nhiệm vụ đặc biệt, ông nội phải đi xa. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông nội được trở về bên cạnh chúng ta, ở với nhau mãi mãi. Như kiểu chuyện cổ tích có hậu ấy, cô nhỉ, thẳng bé bĩu miệng.

Em gái tôi mắng, a, cái thằng này, mày lo cô kể “điêu” hả. Tôi nghe, mỉm cười. Đó là câu chuyện thật trăm phần trăm của cha mẹ chúng tôi. Rất có hậu, như chưa từng có hai mươi năm xa cách rồi lặn lội tìm chồng của mẹ tôi.

Truyện ngắn của Hoa Xuân

Cảm giác đầu tiên, khi đọc “Ai xuôi vạn lý” là: đây là câu chuyện có thật. Chỉ là cảm giác, ngay khi biết văn chương cần hư cấu.

Ai xuôi vạn lý ảnh 1

Cảm giác tiếp theo, đây là câu chuyện rất lạ. Nó hy hữu, không phải theo kiểu kỳ quặc hóc hiểm, hoặc giả là thứ kỷ lục diễn ra đầu tiên, to nhất nhiều nhất hay dài nhất. Nó lạ, bề ngoài là ở sự kiên trì và vững chắc của một người vợ, người mẹ; bề trong, nó là sự minh triết mà chỉ người đi gần hết cuộc đời may ra mới nhận ra.

Hoa Xuân biết cách kể chuyện, và biết cách làm các chi tiết trở nên lấp lánh. Nhà văn nữ này sẽ làm nên chuyện với khả năng tỉ mỉ và tinh tế rất đàn bà.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG