Cuộc đời kỳ lạ của nghệ nhân người Hà Nhì đất Mường Tè

Cuộc đời kỳ lạ của nghệ nhân người Hà Nhì đất Mường Tè
Giống như nhiều người Hà Nhì khác, ông Pờ Lóng Tư (SN 1950) ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) cũng thích thổi sáo, thổi ví, thổi kèn lá, thích hát kể trường ca, nhưng ông cũng không thoát khỏi sự mê hoặc của “nàng tiên nâu” - thứ cây tăm tối như tấm màn đen đã trùm lấy cả vùng Tây Bắc một thời.

> Tôi yêu kiến trúc làng bản Hà Nhì

Chìm đắm trong thuốc phiện 10 năm, ông Tư đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến của đời mình. Tiếc nuối cho mình và thương xót vợ con, ông quyết tâm tự cai nghiện bằng được. Thế rồi, bởi đắm đuối, nặng lòng với văn hóa giàu có và đậm đặc của dân tộc mình, ông đã trở thành nghệ nhân người Hà Nhì nổi tiếng khắp vùng đất ngã ba biên giới.

10 năm nghiện rồi tự cai nghiện thành công

Nhập ngũ năm 1971, ông Tư trở thành lính trinh sát. Năm 1976 ra quân, tổ chức đề nghị giữ ông lại, chuyển về công tác tại huyện đoàn Mường Tè và đã có nhiều năm giữ chức Phó Bí thư Huyện đoàn.

Năm 1989, vì hoàn cảnh gia đình nheo nhóc, ông xin được nghỉ công tác sớm, về sống cùng gia đình tại bản Mù Cả.

Ông Tư nhớ lại quãng thời gian trên đất Mường Tè, “ả phù dung” vẫn còn hoành hành ngang dọc: “Những năm 80, 90, bản Mù Cả vẫn còn là vùng núi rừng hoang vu, thuốc phiện được trồng đại trà khắp nương rẫy. Lúc đó bản này có tất cả 22 cái bàn đèn, trong đó có 12 cái bàn đèn là nặng nhất, thì trong đó có tôi”.

Không tin vào những gì mình vừa nghe được, chúng tôi hỏi lại, ông Tư cười vang đáp: “Giời ạ. Không nghiện thuốc phiện mà tôi ngồi thế này á? Tôi cũng làm bí thư, chủ tịch rồi chứ…”.

Những ngày sống quẩn quanh trong khói thuốc phù dung, ông Tư đã chịu nhiều nỗi đau lớn. Trước hết là nỗi đau thân thể mỗi lần “hết thuốc”.

Thuốc phiện đã cấy loài dòi bọ vô hình vào trong xương thịt của ông, vò xé thân thể ông, biến ông từ một người đàn ông cường tráng thành một kẻ nghiện hút gầy gò, ốm yếu. Lớn hơn nỗi đau ấy là nỗi đau tinh thần mà ông Tư phải chịu sau mỗi lần “mê rồi tỉnh”. Lần ấy, vợ đi làm nương, ông Tư ở nhà trông đứa con trai út còn bú sữa mẹ đang bị ốm.

Thế rồi, ông lại lên cơn thèm thuốc phiện. Trong lúc bị “nàng tiên nâu” mê hoặc, ông đã vội vàng ném nắm gạo để nấu cháo vào chính cái nồi mình vừa dùng để chế biến thuốc phiện mà chưa kịp rửa. Đứa bé ăn hết bát cháo loãng rồi bị say thuốc phiện, nó đã lịm đi hàng giờ đồng hồ rồi nôn ọe suốt nhiều ngày.

Vợ ông khóc ngất. Suýt nữa, ông đã tự tay giết chết con trai mình. Ông Tư bảo: “Những ngày ấy, tôi đã phải đối diện với nỗi đau sắp mất người thân. Chính tay tôi đã gây nỗi đau đớn cho đứa con còn đỏ hỏn, cho cả người vợ hiền lành của mình. Cảm giác đó thật là khủng khiếp. Thuốc phiện đã làm tôi mê lú. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy cái “nghề hút ống tẩu” này của mình không thể tiếp tục kéo dài được, tôi đã tìm cách cai nghiện”.

Có một lần, ông Tư quằn quại trong đau đớn khi những con bọ kia đến giờ “đói thuốc”, hành hạ ông. Một chút lý trí còn lại vẫn giày vò ông trong mâu thuẫn giữa việc phải từ bỏ thứ thuốc giết người ấy và sự thèm khát đến cùng cực.

Pờ Lóng Tư kể: “Lúc đó nhà tôi sơ sài lắm không được như bây giờ, nhà cột tre, bếp ở chỗ này, buồng ngủ của vợ chồng tôi ở góc kia. Có lúc lên cơn thèm thuốc, tôi đào một cái hố to ngay cạnh bếp lửa đấy, nhảy xuống dưới đó rồi gọi vợ rằng: Thôi bà chôn tôi đi, đằng nào cũng một lần chết”. Lúc ấy, vợ ông Tư đang cho con bú ở trong buồng, nghe ông Tư kêu gào đau đớn thì khóc nức nở.

Sau đó, bà chạy đi đâu đó một lúc rồi trở về cầm trên tay khoảng 5 “phân” thuốc phiện đã khô cứng. Ông Tư biết chính xác là thuốc phiện này của người phụ nữ mà buổi sáng ông đã cầm 40 nghìn đi mua.

Ông Tư bảo, khi ấy thuốc phiện chỉ có 7 nghìn một “chỉ” thôi nhưng ông cầm đến 40 nghìn đi mua mà người đó cũng không bán. Ông kể tiếp: “Tôi hỏi: Bà đi lấy thuốc phiện ở đâu? Bà ấy không nói gì. Tôi nhìn lên mũ của bà ấy thì thấy cái vòng hạt cườm - thứ trang sức rất giá trị mà người Hà Nhì vẫn đeo ở trên mũ, đã biến mất.

Tôi mới hỏi, bà lấy cái hạt cườm đem đổi à? Bà ấy gật. Tôi bảo: Bà mang trả đi rồi lấy hạt cườm về, nếu bà không mang đi, tôi sẽ đốt số thuốc phiện này. Thế là bà ấy mang trả…”. Ông Tư cười hóm hỉnh: “Chuỗi hạt cườm ấy bây giờ bà nhà tôi vẫn dùng đấy”.

Những câu chuyện về cuộc đời ông Tư cứ miên man như một khúc trường ca về đời người. Suốt một thập kỷ chìm đắm trong thuốc phiện, đã có những năm, vì không đủ tiền “làm bạn với nàng tiên nâu”, ông Tư đã “khăn gói quả mướp” lên đường tìm kế sinh nhai. Vốn giỏi võ nghệ từ ngày làm lính trinh sát trong quân đội, ông Tư vượt biên sang Lào dạy võ kiếm tiền mua thuốc phiện, hút hít mê mải trong cơn khoái lạc chết người.

Lại đến ngày bừng tỉnh, nhận ra sự mất mát lớn lao của đời mình trong 10 năm ròng, ông kiên quyết rời bỏ bản làng, rời bỏ ngôi nhà thân thuộc để tìm cho mình một phương cách dứt bỏ thứ thuốc khủng khiếp kia.

Ông nhớ lại cái ngày mà mình ra đi: “Lúc bấy giờ nhà tôi có 8 con lợn con, mỗi con nặng khoảng 7 - 8 cân, rất hay chạy vào dũi đất và đồ đạc trong nhà. Có mấy người đến hỏi mua, tôi đồng ý để họ bắt. Họ bắt về, lúc sau lên gọi tôi, mang trả một nửa con lợn, rồi gọi tôi xuống ăn cơm.

Tôi bảo thôi thôi chúng mày ăn đi, tao xin tiền rồi tao đi tìm thuốc phiện hút. Họ cho 40 đồng, tôi sang bản Ma Ký. Đúng ra 40 đồng là phải lấy được hai “chỉ” thuốc phiện, nhưng tôi chỉ lấy được có 60 phân cả giấy, lọc ra thuốc phiện chỉ còn không quá 2 phân. Tôi nghĩ mà uất quá. Vợ con tôi làm việc quần quật, tôi bán con lợn đi lại chỉ để mua thuốc phiện cho mình, công sức của vợ con tôi rẻ mạt thế sao?”.

Ông Tư nói như thề với người bạn thân ở bản Ma Ký: “Từ bây giờ, tao không bao giờ sang Ma Ký nhà mày tìm thuốc nữa…”. Người bạn của ông Tư ra vườn hái cho ông bốn trái bưởi, ông Tư mang về nhà, nói với vợ con rồi gói ghém đồ đạc, rủ vợ con lên nương cách bản rất xa rồi ở luôn trên đó, không trở về nữa.

Ông kể: “Tôi nghiện 10 năm. Chính xác là tháng 7 năm 1997 tôi bắt đầu cai, đi ngủ nương tự cai thôi. Từ lúc trồng lúa cho đến khi thu hoạch xong rồi, tôi lại cày hết nương này đến nương khác… Tôi lao vào làm việc, lúc lên cơn nghiện thì có vợ con giữ lại, mãi rồi tôi cũng tự cai được thành công”.

Những năm nghiện thuốc phiện ấy dù khổ cực nhưng ông Tư luôn có vợ, có con bên cạnh chăm sóc, động viên. Ông bảo, tất cả những người nghiện ma túy ít ai không bị vợ con mắng mỏ, xúc phạm, nhưng riêng ông Tư lại được vợ con chăm sóc rất chu đáo.

Chính sự chu đáo và quan tâm ấy nên ông mới trở lại được làm người. Ở bản Mù Cả này, nhiều người nghiện thuốc phiện cũng được đưa đi cai ở các trung tâm nhưng dường như không hiệu quả. Vì thế, bấy lâu nay, họ vẫn rất lấy làm kinh ngạc và khâm phục Pờ Lóng Tư vì kỳ tích lạ lùng này.

Người duy nhất lưu giữ được trường ca của dân tộc Hà Nhì

Một phần văn hóa của người Hà Nhì được sưu tầm rồi biên dịch ra tiếng phổ thông của nghệ nhân Pờ Lóng Tư
Một phần văn hóa của người Hà Nhì được sưu tầm rồi biên dịch ra tiếng phổ thông của nghệ nhân Pờ Lóng Tư.
 

Văn hóa của người Hà Nhì ngày càng bị mai một đi nhiều, điều đó làm cho Pờ Lóng Tư nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Ông thường nghĩ, người Hà Nhì giàu văn hóa lắm, đời ông cha của mình còn giữ được đến 70%, nhưng đến thế hệ của ông chỉ còn lại khoảng 30%.

Ông lo lắng tự hỏi, liệu đến đời con ông, cháu ông, những bản sắc văn hóa ấy còn giữ lại được bao nhiêu nữa? Nghĩ là làm, khi còn giữ chức Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Tè, ông đã bắt đầu thu thập tư liệu, tập trung vào công việc viết lách: “Từ năm 1983 đến năm 1989, 7 xã ở Mường Tè không có xã nào tôi không đi cả, không có bản Hà Nhì nào tôi không đi cả. Tôi đi gặp các cụ tỉ tê, hỏi chuyện rồi cứ ghi chép lại đấy. 1 - 2 giờ sáng vợ tôi tỉnh giấc, thấy tôi còn lom khom bên ngọn đèn đấy thì kêu: Ôi ông ơi, ông điên mất rồi, ông ngủ đi, viết lách làm cái gì nhiều thế? Tôi bảo kệ tôi, bà cứ ngủ đi…” .

Thời gian trôi qua, khối lượng những tác phẩm văn hóa dân gian mà ông Tư sưu tầm được ngày càng dày đặc với trường ca, sử thi, dân ca giao duyên, luật tục… Đến tận năm 2007, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian mới tìm được đến với ông.

Nhận được những lời mời cộng tác, Pờ Lóng Tư lại vùi đầu vào công việc sắp xếp lại, biên dịch các tác phẩm mà mình đã sưu tầm bấy lâu sang tiếng phổ thông, tiến dần đến mục tiêu của mình, đó là có thể xuất bản những tác phẩm văn học dân gian của người Hà Nhì thành sách, lưu giữ lâu dài cho con cháu mai sau.

Nhiều năm qua, ông đã nỗ lực hết mình trong việc cộng tác với các nhà sưu tầm, nghiên cứu và các cơ quan chức năng trong việc ghi âm, phiên âm, dịch nghĩa, phát hành ấn phẩm… về văn hóa của người Hà Nhì. Thế rồi, họ mới “vỡ òa” ra rằng, Pờ Lóng Tư là người duy nhất ở Việt Nam còn lưu giữ được trường ca của dân tộc Hà Nhì.

Xuất thân trong một gia đình thổ ty thời phong kiến, đời ông, đời cha của Pờ Lóng Tư đều làm thống lý vùng này. Ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp cận với nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những sinh hoạt mà chỉ các gia đình giàu có, quyền quý mới có thể tổ chức được.

Trong đó có những đêm hát kể trường ca “Xa Nhà Ca” (ở trên xuống) - một bản thuyết minh đầy đủ nhất về sự hình thành vạn vật, phong tục, bài học xã hội và luân lý theo quan niệm của người Hà Nhì. “Xa Nhà Ca” được hát kể bên mâm rượu ngày tết, do một hay nhiều người thay nhau thực hiện.

Trên mâm nhất thiết phải có 1 con gà và 2 chén rượu để dâng cúng tổ tiên cùng các vị thần linh. Nhiều đoạn chính là những bài cúng, bài làm lý trong các nghi lễ thuộc chu kỳ vòng đời con người hoặc các hoạt động mưu sinh, như cúng khi đốt nương, khi đi săn, khi tiễn biệt người chết. Người hát kể vừa uống rượu, vừa hát, nét mặt lúc vui, lúc buồn, khi thong thả, lúc vội vàng theo từng nội dung cốt truyện.

Người hát kể phải có sức nhớ chi tiết, phải biết hát và có sức khỏe để hát. Điều Pờ Lóng Tư lo lắng và mong mỏi nhất bây giờ là làm sao có được truyền nhân để cách hát kể “Xa Nhà Ca” sẽ không bị mai một.

Tâm huyết, sự nỗ lực của ông trong bao nhiêu năm đã có kết quả. Những cuốn sách mà ông Tư đã biên dịch, cộng tác xuất bản đã cho thấy một nền văn hóa Hà Nhì đặc sắc.

Ông mừng lắm. Mừng cho những nét văn hóa giàu bản sắc của người Hà Nhì quê mình được lưu giữ lâu dài, được phổ biến rộng rãi. Mỗi khi có một cuốn sách mới ra đời, Pờ Lóng Tư lại nhận một số sách từ phía nhà xuất bản rồi đem tặng cho các trường tiểu học, trung học, các cơ quan, những người yêu thích đọc sách trên khắp địa bàn xã Mù Cả.

Ông nghĩ, văn hóa của người Hà Nhì trước tiên phải để người Hà Nhì đọc, thẩm thấu rồi lưu giữ những vốn liếng quý báu mà cha ông mình để lại: “Nếu bây giờ không cần đến thì chắc chắn một lúc nào đó, một lớp người, một thế hệ nào đó người ta lục lại sách, rồi người ta thốt lên, ừ, tổ tiên người Hà Nhì, bài cúng, lời hát của người Hà Nhì đây rồi… Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế thôi”.

Trong suốt cuộc đời sưu tầm văn hóa dân gian của dân tộc mình, nghệ nhân Pờ Lóng Tư mê nhất là dân ca giao duyên. Ông đã đi nhiều nơi, sưu tầm được một vốn kha khá nhưng ông vẫn mải mê tìm kiếm, ghi chép những luật tục trong đời sống của người Hà Nhì.

Có những phần luật tục đã bị mai một, không còn hiện diện phổ biến trong đời sống của người Hà Nhì nữa, ông phải tìm đến các già làng, những người cao tuổi lắm mới biết và kể lại cho mình.

Ông lo lắng bảo: “Cái này là phải làm nhanh không là các cụ “đi” hết. Ở đây có hai thầy mo cũng già lắm rồi, thế thì tôi chỉ còn hỏi các cụ được thôi”.

Mong muốn ấp ủ bấy lâu của ông là sẽ sớm có thêm những cuốn sách sưu tầm dân ca giao duyên và luật tục của người Hà Nhì được xuất bản. Dự định thì nhiều, công việc thì bộn bề, một mình ông già Pờ Lóng Tư làm có phần quá sức.

Nhưng ông vẫn lạc quan bằng cái giọng rầu rầu: “Tôi làm được đến đâu thì làm thôi, làm những cái không thể trì hoãn được nữa, còn những cái khác thì để người khác làm thôi”.

Theo Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG