Múa khiếm thính đi Đức thế nào?

Múa khiếm thính đi Đức thế nào?
TP - Trong khi các đoàn múa chật vật tìm chỗ đứng trong nước, 10 thành viên đoàn múa khiếm thính Nơi đến đường hoàng sang Đức theo diện được trả tiền, với vở Ký ức thở dài.

> Lê Vũ Long 'đem chuông đi đánh xứ người'
> Lê Vũ Long vào vai xã hội đen khác lạ

Vở múa đến Đức từ 13 đến 20/5, diễn suất duy nhất ngày 17/5, và hội thảo 18/5 dành cho công chúng. Biên đạo múa Lê Vũ Long kể, vở diễn ra đời năm 2009 do hỗ trợ của Quỹ trao đổi văn hóa Đan Mạch và Quỹ Ford, từng diễn tại Festival Huế 2010.

Cảm hứng cho vở diễn bắt nguồn từ đêm diễn Chuyện của chúng mình tại Mỹ. Khi biết diễn viên tên Linh bị câm, điếc do bố bị nhiễm chất độc màu da cam, không ít tiếng thở dài từ phía khán giả.

“Vở múa đến Đức không phải nhân dịp festival hay chương trình giao lưu nào cả. Nhà hát Pfalzbau (1.400 chỗ ngồi) ở tỉnh Ludwigshafen bỏ tiền để chúng tôi diễn một đêm ở đây”, Lưu Thu Lan quản lý đoàn múa nói.

Lê Vũ Long nói thêm, các nhà hát ở Mỹ, châu Âu thường có quỹ riêng để mời tác phẩm có giá trị đến biểu diễn. Trước đó, có 12 nhà hát sang khảo sát vở Chuyện của chúng mình, sau đó 4 nhà hát ở 4 bang chung tiền mua vở diễn.

Ký ức thở dài bắt đầu bằng những ký ức bị lãng quên. Anh ta đứng đó, nhìn vào quá khứ của mình và tập làm quen với nó. Ký ức không còn thuộc về anh ta, xa lạ. Anh ta quyết định đi vào trong nó và nhận ra, không gian-thời gian đang giãn nở như hơi thở của anh ta.

Nhạc sĩ Trí Minh cộng tác với nhóm múa từ nhiều năm nay, cũng là người làm nhạc cho Ký ức thở dài. “Người ta thường thắc mắc khiếm thính làm sao mà nghe. Thực ra họ nghe được nhiều hơn người ta nghĩ.

Họ nghe không chỉ bằng chấn rung của âm thanh, mà còn bằng sự quan sát môi trường xung quanh”, anh nói. Trí Minh bảo, trong gần 60 phút, anh cảm động nhất đoạn múa đôi giữa Anh Đào-Linh trên nền nhạc piano cực kỳ ăn ý.

Ban đầu có phác thảo sơ đồ âm nhạc, nhưng khi tập luyện cùng diễn viên mấy tháng trời, tất cả chuyển thành ngẫu hứng. Trải nghiệm lâu dài với nhóm múa giúp nhạc sĩ có thể tìm ra “nhịp đồng điệu”, đó là nhịp cơ thể, nhịp hơi thở với các diễn viên đặc biệt.

Trong 10 diễn viên, chỉ có Thu Lan- Quách Ngọc Điệp là chuyên nghiệp, nhưng đứng ở vị trí rất phụ, còn lại là sân khấu của những diễn viên đặc biệt. Trụ lại với đoàn múa không phải chuyện đơn giản.

“Họ đến và đi rất tự nhiên, nhưng làm việc rất chuyên nghiệp”, Lê Vũ Long nói. Năm nào anh cũng tìm dự án cho Nơi đến, bởi không thể có khoản tiền cố định trả tiền cho diễn viên. Thi thoảng, Lê Vũ Long tìm cách đưa diễn viên của anh vào các chương trình lớn do anh đạo diễn như Đẹp Fashion Show hay Festival Huế.

“Tôi không muốn hàng năm ra mắt vở diễn rồi cất kho, nên từ 2010 đến nay chúng tôi đều đặn có dự án trong nước. Diễn viên trong đoàn vẫn được diễn các vở lớn. Việc duy trì tập luyện trong múa rất cần thiết”, Long nói.

Không có điểm tập chuyên nghiệp, nhóm may mắn mượn được nhà kho lợp mái tôn của một người bạn của Vũ Long. Chuẩn bị cho các đêm diễn quan trọng như đợt đi Đức này, đoàn thuê sàn tập ở Cao đẳng múa, dù sân khấu ở đây chưa bằng một nửa so với sân khấu bên Đức.

Tự xoay xở mưu sinh, nhưng nhắc đến múa hầu như các diễn viên múa khiếm thính đều nở nụ cười. Nguyễn Thị Anh Đào ra hiệu cho quản lý Thu Lan phiên dịch: “Múa mệt lắm, nhưng mà vui và rất quan trọng”.

Quản lí nhóm múa kể, vợ chồng diễn viên khiếm thính Nguyễn Thị Anh Đào-Trần Anh Dũng kiếm sống bằng đủ thứ nghề, như thêu thùa nhưng không tìm được đầu ra, xoay sang làm nến vào mùa đông.

Chị Lan bảo, gần đây thấy anh chị ấy nhắn tin, giờ tốt hơn rồi vì họ đang bán mũ bảo hiểm.

Đoàn múa đương đại Nơi đến thành lập năm 2002, do Lê Vũ Long làm giám đốc, hiện là thành viên của Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hóa và Thể thao. Một số vở nổi bật: Nơi đến, Trời tròn-đất vuông, Chuyện của chúng mình, Mắt bão.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.