Khi còn sống

Khi còn sống
TP - Hoa hậu Peru 1953 từng nổi như cồn, xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh. Bà là người phụ nữ thứ hai dự thi Hoa hậu Hoàn vũ, sau đó được mời đóng phim, lên nhiều bìa báo và tạp chí, kết hôn với một doanh nhân. Thế mà, phóng sự mới đây trên truyền hình Peru cho thấy bà đã chống chọi bệnh tật và nỗi cô đơn trong căn nhà tồi tàn. Bà uống thuốc để trị bệnh, uống rượu để trị buồn. Và bà đã qua đời lặng lẽ.

> Hoa hậu Hoàn vũ Peru đột tử khi ngủ

Có thể ngày nay “Hồng nhan bạc triệu” như một thành ngữ đương đại của giới trẻ Việt. Nhưng sau những ánh đèn flash, những lời tỏ tình âu yếm, những vũ điệu và tiệc tùng, còn lại gì? Chắc chắn rằng: Còn lại tất cả ngóc ngách của đời sống mà phù hoa không chạm được đến và không lấp được hết.

Một phóng sự trên Tiền Phong vừa qua mô tả những cuộc đời nghệ sỹ cải lương luống tuổi sống trong nghèo khổ. Nhan sắc và tiếng hát mờ dần, nhưng còn lại là tình nghệ sỹ, là nghĩa vợ chồng. Họ tạo việc làm cho nhau, lo từng cơn đói của nhau, vợ đi làm thêm bưng từng bát cơm về cho chồng không đờn ca được nữa, họ thương yêu nhau hàng chục năm qua dù người vợ không sinh nở được. Cái đó dường như là điều tận cùng sâu sắc, và khiến người ta hạnh phúc.

Những đua tranh vận động truy tặng danh hiệu cho người nổi tiếng đã về cát bụi, có gì đó gần với sự phô phang của người sống. Nó thiếu thiết thực đến mức khiến danh hiệu vốn là cao quý trở thành hão huyền. Nó chẳng đem lại gì với người được phong tặng hoặc truy tặng một cách vội vàng; mà dường như chỉ phô bày thêm sự thiếu quan tâm đối với những tinh hoa đất nước.

Rất nhiều vận động viên đã đưa huy chương vàng, huy chương bạc về cho nền thể thao nước nhà, bao nhiêu nghệ nhân đã gìn giữ các di sản âm nhạc truyền thống đang sống rất khổ sở thiếu thốn. Sao không giúp họ đi, ngay khi họ còn sống? Chẳng lẽ cứ để họ ra đi mới thảng thốt truy tặng hoặc bù đắp (dù rằng không thể bù được nữa)?

Bởi vậy, thật xúc động khi biết ở TPHCM có một khu dành cho nghệ sỹ sân khấu truyền thống lúc về già, ở Đà Nẵng có một chung cư dành cho phụ nữ đơn thân… Hãy quan tâm đến nhau ngay khi còn sống. Và, hãy để mở quỹ đất, quỹ lòng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.