Vì sao hoa anh đào lỗi hẹn?

Vì sao hoa anh đào lỗi hẹn?
TP - Lễ hội mùa xuân Việt-Nhật trở lại với công chúng thủ đô trong hai ngày 20 & 21/4 sau 4 năm gián đoạn, nhưng không còn đúng nghĩa lễ hội hoa anh đào.

> Sắc thắm của lễ hội hoa anh đào ở Canada
> 'Hút hồn' với cảnh thiên nhiên bên sườn núi

Trong buổi họp báo công bố, ông Vũ Khắc Liên, Chủ tịch Hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật, Trưởng BTC nói: “Lễ hội mang tên mùa xuân Việt-Nhật, bởi không thể mang hoa anh đào sang. Những năm 2007-2009, chúng tôi tổ chức khá thành công lễ hội hoa anh đào, nhưng vận chuyển hoa rất kỳ công và hoa cũng chỉ giữ được một ngày. Tại Việt Nam, chúng tôi thử ít nhất 3 lần trồng với quy mô lớn nhưng không thành công”.

Công chúng đến trung tâm triển lãm Giảng Võ 2 ngày hội chỉ có thể ngắm anh đào lụa. “Dẫu là hoa anh đào lụa nhưng cũng rất khó khăn vì phải mang từ Nhật sang, nên chúng tôi cố gắng làm một cây thật đẹp, thật giống đặt ở trung tâm sân triển lãm”, ông Liên giải thích.

Còn nhớ năm 2011, lễ hội Genki ít ra vẫn thắm sắc anh đào. Năm nay, người dân Quảng Ninh tưng bừng đón lễ hội hoa anh đào từ 11-13/4, với 100 cành anh đào đến từ tỉnh Okinawa, 5 cây của tỉnh Gifu, ngoài ra chính phủ Nhật tặng tỉnh 100 cây anh đào cho Quảng Ninh.

Không chỉ thiếu anh đào tươi, lễ hội lần này do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) và Hội Giao lưu văn hóa Việt- Nhật tổ chức gặp không ít khó khăn.

Đại diện BTC cho hay, mọi năm BTC đều được hỗ trợ lớn của phía Nhật, tài trợ của các doanh nghiệp Nhật, năm nay dựa vào một phần kinh phí của Bộ VHTT&DL, và hỗ trợ của TT Triển lãm Giảng Võ.

Sự kiện nằm trong năm Việt-Nhật này hoàn toàn do Việt Nam tổ chức, chủ yếu là sinh viên tình nguyện “chuyên nghiệp vừa phải nhưng nhiệt tình vô bờ bến” như BTC nói.

Vậy lễ hội có gì? BTC lấy trình diễn nghệ thuật là trung tâm của lễ hội. Múa Yosakoi, thi hát múa tiếng Nhật thay nhau hoạt náo sân khấu. Các năm trước, khá đông đội Yosakoi từ Nhật sang, năm nay chỉ có 10 đội: của ĐH Hà Nội, Sakura Núi Trúc, đội Yosakoi nhí của THCS Lý Thường Kiệt…

Thu hút và đặc sắc nhất có lẽ là 36 gian hàng, chủ yếu là ẩm thực. Trước phản ánh giá ở các gian hàng này đắt đỏ hơn ở ngoài, BTC hứa sẽ làm việc với các nhà hàng Nhật này.

Người thích ẩm thực Nhật có thể thưởng thức sushi, mỳ Udon, bánh nhân bạch tuộc, mỳ xào Soba... của các nhà hàng Nhật có tiếng tại Việt Nam, bên cạnh phở, nem cuốn…

Văn hóa đặc sắc Nhật cũng hiện diện với nghệ thuật gấp giấy Origami, mô hình giấy papercraft, nghệ thuật cắt giấy Kirigami. Trưng bày búp bê Hina do một người Nhật hiến tặng, rồi cờ cá chép, nghệ thuật trà đạo, cờ vây. BTC cũng dành 2 gian hàng cho các thầy giáo dạy tiếng Nhật, để chơi các trò chơi truyền thống Nhật Bản.

Một số hoạt động lớn năm Việt-Nhật: Việt Nam-Câu chuyện vĩ đại, trưng bày gần 200 hiện vật của nhiều bảo tàng trong đó có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, khai mạc 15/4 tại Bảng tàng Kyushu (Nhật Bản), kéo đến tháng 8. Đưa dàn nhạc giao hưởng VN sang Nhật biểu diễn. Cuộc gặp gỡ Nhật-Việt thu hút sự tham gia của nhiều bộ ngành hai nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG