> Phố Hiến ngày hội tòng quân
> Kỳ lạ ngôi chùa có chuông bằng vàng
Hình ảnh Lễ rước kiệu. Ảnh do Thành Đoàn Hưng Yên cung cấp. |
Lễ khai mạc diễn ra tại quảng trường Nguyễn Văn Linh (TP Hưng Yên) dự tính có sự góp mặt của 500 đại biểu cùng đông đảo người dân, khách thập phương. Đêm khai mạc sẽ mở màn cho những lễ hội văn hóa tưng bừng trên toàn vùng phố Hiến.
Mùa khám phá lễ hội văn hóa vùng phố Hiến
Hưng Yên là mảnh đất linh thiêng hội tụ với trên 100 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Tháng ba âm lịch là tháng của những lễ hội đình, đền ở đây.
Ngày 17/4 (tức ngày 8/3 âm lịch) khai hội đền Trần, nằm trên đường Bãi Sậy- phường Quang Trung- TP Hưng Yên. Đây là di tích tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Cũng nằm trong phường Quang Trung còn có đền Mẫu, thờ Quí phi họ Dương, được mệnh danh “đệ nhất danh lam phố Hiến”, một điểm đến nổi tiếng về tâm linh khai hội ngày 19/4 (tức ngày 10/3 âm lịch)…
Những hiện tượng không đẹp thường thấy ở những lễ hội lớn sẽ không xảy ra tại vùng đất văn hiến này. Đỗ Xuân Tuyên, |
Ngoài ra, còn có lễ hội Đình Hiến (khai hội ngày 18/4, tức ngày 9/3 âm lịch), lễ hội đình An Vũ (khai hội ngày 19/4, tức ngày 10/3 âm lịch), lễ hội đền Tân La (khai hội ngày 24/4, tức ngày 15/3 âm lịch), lễ hội đền Thiên Hậu (khai hội ngày 1/5 tức ngày 22/3 âm lịch). Hưng Yên còn nhiều địa chỉ văn hoá đáng chú ý khác, như chùa Chuông, chùa Phố, đền Mây, đền Ả Đào, đền Bảo Châu, Võ Miếu…
Nếu đền Trần, đền Mẫu tượng trưng cho Cha, Mẹ thì chùa Chuông được ví như Trời, Đất. Ngôi chùa được xây dựng từ thời hậu Lê với điểm nhấn đặc sắc là động “thập diện Diêm Vương”.
Chùa Hiến cũng là ngôi chùa hút khách du lịch. Tại sân chùa vẫn còn cây nhãn có tuổi đời 300 năm, một giống nhãn quí khiến nhà sử học Lê Quí Đôn từng thốt lên: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Một địa điểm đáng dừng chân khi khám phá lễ hội văn hoá vùng phố Hiến, chính là Văn Miếu. Văn Miếu Hưng Yên còn gọi là Văn Miếu Xích Đằng (được xây dựng trên đất làng Xích Đằng), đây là biểu tượng của văn hiến và sự hiếu học có truyền thống lâu đời của người dân Hưng Yên.
Ăn, chơi mùa lễ hội
Cận kề thủ đô nhưng thành phố Hưng Yên vẫn giữ vẻ thanh bình. Ông Đỗ Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Thay vì phát triển công nghiệp, chúng tôi ưu tiên phát triển du lịch dịch vụ là kinh tế mũi nhọn, để tránh ô nhiễm môi trường”.
Bản sắc văn hóa được đặc biệt chú trọng gìn giữ. Năm nào thành phố Hưng Yên cũng tổ chức lễ hội văn hóa vào đúng dịp mồng 6 tháng 3 âm lịch. Năm nay lễ hội được nâng lên qui mô cấp tỉnh, nên càng rộn ràng hơn. Trước đêm khai mạc sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động. Đêm khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTC 10 và Đài truyền hình Hưng Yên.
Đêm khai mạc tái hiện “Phố Hiến, ánh sáng trong trầm tích phù sa sông Hồng” với sự tham gia của lực lượng diễn viên chuyên và không chuyên hùng hậu đến từ Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát Chèo Hưng Yên, các trường THPT… trên địa bàn thành phố.
Tại mùa lễ hội năm nay, còn có cuộc trưng bày, triển lãm cổ vật và cây cảnh, chương trình thi đấu các môn thể thao như thi chọi gà, thi cầu Kiều, thi thả diều… mang đậm dấu ấn văn hoá của miền đồng bằng sông Hồng.
Nhắc đến Hưng Yên cũng là nhắc đến miền giàu sản vật. Rất nhiều sản phẩm đặc trưng vùng phố Hiến sẽ được giới thiệu ngay tại vỉa hè đường Bãi Sậy (đoạn từ đền Trần đến đền Mẫu), tạo ra một không gian thân thiện thuận tiện cho khách tham quan.