Hẹn hò với những giọng ca lạ

Hẹn hò với những giọng ca lạ
TP - Chương trình Hẹn hò quy tụ 3 cố nhạc sĩ đầu bảng của nền tân nhạc Việt Nam là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, trong hai đêm 3 và 4/4 tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội). Chương trình mạnh dạn lăng xê Anh Thơ, Mai Hoa với tư cách những giọng ca lạ với nhạc của 3 ông.

> Khi Quang Dũng đủ chín chắn
> Âm thanh cũng cảm lạnh

ân khấu bài trí giản tiện bằng những cây cột và thiết trần kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp. Cột Hy Lạp có ăn nhập ở điểm gì với âm nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao và đặc biệt là Phạm Duy rất truyền thống Việt Nam thì không biết.

Không có các màn trình diễn ánh sáng thay đổi luôn luôn vẫn thường thấy trong các liveshow đắt giá ở Hà Nội thời gian gần đây. Bên rìa sân khấu lấp ló cái quạt công nghiệp giúp khói bay lên.

Ban nhạc gồm toàn người trẻ của nhạc sĩ trẻ Dương Cầm, không dàn dây. Ca sĩ chỉ có 2 gương mặt quen của sân khấu lớn là Ánh Tuyết và Hồng Nhung. Hai giọng ca còn lại Anh Thơ, Mai Hoa có thể coi là thử nghiệm của BTC dành cho âm nhạc của 3 đại nhạc sĩ.

Có thể nói sự đầu tư cho chương trình ở mức vừa phải. Thế nhưng các hàng ghế đều chật ních. Nhiều người ngồi ghế phụ và nhiều người hơn phải đứng. Có nghĩa là không phải ai cũng vào cửa bằng vé.

Chục năm trước, Hồng Nhung từng làm mới Hạ trắng theo kiểu jazz. Trong chương trình Hẹn hò chị tiếp tục đẩy mạnh jazz hóa bài hát này. Cuối cùng cho một tình yêu cũng được Hồng Nhung cho hóa thành một bản nhạc blues khá trúc trắc.

Chị hát khá biến hóa với nhiều kiểu âm thanh khác nhau, lúc to lúc nhỏ, lúc ngân lúc ngắn... Với một số người có thể nghe hát như thế sẽ hơi mệt mỏi nhưng khán giả có vẻ rất thích Hồng Nhung thể nghiệm nhạc Trịnh kiểu đó, căn cứ vào tiếng vỗ tay to.

Nhưng cách hát liên tục biến hóa của Hồng Nhung xem ra có vẻ chưa ăn nhập với giai điệu nhiều luyến láy kiểu dân ca của Ngậm ngùi.

Hồng Nhung cũng khiêm tốn tự nhận chị vinh dự được hát nhạc Văn Cao, Phạm Duy dù chưa hay lắm. Rút cuộc Hồng Nhung vẫn Hồng Nhung nhất trong bài Trịnh Công Sơn sáng tác riêng cho chị Thuở Bống là người.

Ánh Tuyết mở đầu và kết thúc chương trình, chị cũng hát luôn bài chủ đề Hẹn hò. Chị là ca sĩ duy nhất có các tiết mục không nhạc đệm với nhạc Trịnh, đồng thời có cả dàn hợp ca nam nữ ATB phụ họa trong những bài đinh như Sông Lô (Văn Cao), Tình ca (Phạm Duy).

Ánh Tuyết cũng là người trực tiếp lăng-xê một giọng nam duy nhất của chương trình: diễn viên điện ảnh Quý Bình (TPHCM) trong vai trò ca sĩ. Quý Bình tham gia chương trình trong 2 bài Phạm Duy song ca cùng Ánh Tuyết- Vợ chồng quê và Gánh lúa.

Giọng Quý Bình rền, ấm và cũng nam tính như ngoại hình râu ria của anh. Tuy nhiên, anh hát đôi chỗ bị phô và có vẻ chưa biết luyến láy cho hợp với màu sắc âm nhạc của bài hát.

Hát xong, Ánh Tuyết cầm tay Quý Bình hồi lâu nói những lời động viên. Chị cho hay đến chiều ngày biểu diễn, Quý Bình vẫn còn run khi tập với ban nhạc.

Chị hy vọng giọng hát trầm ấm của chàng diễn viên sẽ đến với nhiều khán giả hơn nữa. Sau khi buông tay bạn diễn ra, chị cười nhận xét: “Ánh Tuyết cầm tay Quý Bình nãy giờ thấy lạnh ngắt à!”.

Trong khi Ánh Tuyết, Hồng Nhung có nhiều điều để nói với khán giả thì Mai Hoa và Anh Thơ tuyệt đối kiệm lời, đến tên bài cũng không giới thiệu, chỉ hát mỗi người 3-4 bài. Hồng Nhung, Ánh Tuyết mỗi người 7 bài.

Thậm chí Anh Thơ hát xong vội cúi chào, khán giả vỗ tay chưa dứt, đã đi nhanh vào trong. Không hiểu chị vội chạy show hay bản thân cũng chưa tự tin với những gì mình vừa thể hiện.

BTC tỏ ra thức thời khi kết hợp 3 nhạc sĩ lớn không lâu sau khi người cuối cùng trong bộ 3 là Phạm Duy qua đi. Tất nhiên chỉ cần nhạc Phạm Duy thôi cũng đã đủ làm chương trình lớn rồi nhưng chắc là bộ 3 thì vẫn đảm bảo về mặt tổ chức và doanh thu hơn, và có vẻ cũng được báo đài quan tâm hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.