Âm thanh cũng cảm lạnh

Âm thanh cũng cảm lạnh
TP - Nhạc sĩ Thanh Tùng không thể có mặt tại đêm nhạc của mình, vì cảm lạnh đột ngột. Âm thanh của chương trình hình như cũng “cảm lạnh” theo nhạc sĩ khiến cho Tâm điểm Âm nhạc kỳ 6 “Chuyện tình của biển” kém phần hoàn hảo.

> Đêm nhạc Thanh Tùng: Xúc động và thỏa mãn

Khán giả nhiệt tình cổ vũ các ca sĩ hát nhạc Thanh Tùng. Ảnh: Hải Bá
Khán giả nhiệt tình cổ vũ các ca sĩ hát nhạc Thanh Tùng.
Ảnh: Hải Bá.

Đại diện Ban tổ chức (BTC) chia sẻ qua Facebook: “6h tối, gia đình nhạc sĩ bất ngờ thông báo ông bị ốm nặng, chân tay co rút, không thể ra khỏi nhà. Ông bị nhiễm lạnh sau khi đi thăm họ hàng vào buổi trưa...”.

Thời điểm này rõ ràng làm nhạc Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn sẽ “ăn” hơn. Nhưng sự chọn người của In The Spotlight cũng có thể mang thông điệp: hãy tri ân những nhạc sĩ tài danh ngay khi họ đang sống.

Gần đây, năm nào cũng có người tổ chức đêm nhạc Thanh Tùng ở Hà Nội. Chưa kể lượng bài quá ít nên đảm bảo chương trình nào cũng sẽ đủ bằng ấy bài, vấn đề chỉ là ai hát và bản phối như thế nào. Các ca sĩ Chuyện tình của biển đều chưa từng nổi bằng nhạc Thanh Tùng.

Mở đầu, Trần Thu Hà hát Lời tỏ tình của mùa xuân và Giọt nắng bên thềm- quá nhẹ nhàng nếu so với bản gốc của Hồng Nhung và Thanh Lam. Có thể do ý đồ của người làm chương trình không muốn nhấn vào các bài quá “kinh điển”.

Khán giả dành cho Hà Trần những tràng vỗ tay vang dội hơn trong các bài được đầu tư về phối khí hơn hẳn như Chuyện tình của biển, Cám ơn mùa thu.

Tấn Minh làm hài lòng người nghe trong những bản nhạc sâu lắng Một mình và nhất là Lời chim đỗ quyên- trước đây toàn do các nữ ca sĩ hát.

Tấn Minh hát Trái tim hoang vu cũng khá ổn nhưng giá anh đổi bài này cho Đông Hùng có lẽ hiệu quả hơn. Đông Hùng sẽ phát huy được những nốt căng của Trái tim hoang vu, trong khi chưa đủ điềm đạm để hát Lối cũ ta về.

Phần phối và ban nhạc vốn là điểm mạnh làm nên thương hiệu In the Spotlight vẫn tiếp tục phát huy trong đêm Chuyện tình của biển 30-3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị.

Tuy nhiên nếu ánh sáng vẫn được xử lý tinh tế thì âm thanh lại không được như vậy. Kể từ bài thứ hai trở đi, mic của ca sĩ hầu như đều có vấn đề theo kiểu một giọng nhân đôi. Tức là na ná như kiểu mỗi ca sĩ đều phải song ca với chính mình.

Đáng ra các giọng hát sẽ còn có thể thăng hoa hơn nếu âm thanh được chỉnh trung thực hơn. Nhưng đồ rằng phần lớn khán giả không lấy đó làm điều mà vẫn cổ vũ chương trình hăng say.

Điều đáng tiếc nữa là tất cả ca sĩ tham gia Chuyện tình của biển đều gặp vấn đề về lời, tráo vài câu lời một với lời hai, hoặc hát sai. Chẳng hạn: “Trả về lung linh giọt nắng bên thềm”, trong khi đúng ra phải là “hư vô”.

Thay vì “long lanh mùa xuân trong ánh mắt cười” thì hát thành “mong manh...”. Nhất định “lá xanh trên cành thành lá biếc” chứ không phải “lá úa”.

“Niềm vui trong ánh mắt, giọt lệ buồn trong tim” thì bị “sửa” thành “Buồn vui trong ánh mắt, giọt lệ buồn trên môi”...

Có vẻ như khối lượng công việc của các ca sĩ từ mới nổi cho đến gạo cội hiện đều quá tải, nên quỹ thời gian không đủ để đầu tư cho chương trình dù là quy mô, nghiêm túc cỡ In the Spotlight.

Của hiếm Thanh Tùng

Nhạc sĩ Thanh Tùng Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Thanh Tùng Ảnh tư liệu .

Nếu phải tìm ra một nhạc sĩ tiêu biểu cho nhạc pop VN cho đến lúc này thì có lẽ vẫn là Thanh Tùng. Nhạc của ông ngọt ngào, trẻ trung, rất có không khí thành thị - tóm lại dễ nghe, nhưng để viết được như vậy không dễ chút nào. Chỉ với hơn chục bài đã làm nên một màu sắc riêng biệt. Vài chục năm sau nghe lại, sự riêng biệt càng rõ.

Những bài như Một mình ngoài tâm trạng day dứt nhớ vợ, còn nguyên dấu ấn của thời bao cấp: Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa. Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa. Một loạt bài hát về sau của ông xoay quanh chủ đề về vợ này. Có thể hiểu từ khi bà xã qua đời vì bạo bệnh, Thanh Tùng chỉ còn việc uống rượu và viết bài hát về bà.

Mới đây, nhà văn Nguyễn Đông Thức viết về Thanh Tùng và vợ: “Dù rất bận rộn chuyện làm ăn nhưng chị vẫn thường đích thân lo tiệc nhậu cho chồng khi bạn bè đến nhà. Bạn ông ai cũng kính nể chị, một tay làm ra tiền nhưng luôn quý người chồng nghệ sĩ hết mực.

Nhưng không rõ lắm ông yêu vợ cỡ nào, vì vẫn đều đều tham gia những cuộc vui với “những bông hoa nhỏ”, rồi bar pub vũ trường, mát-xa bia ôm…

Chỉ có một nguyên tắc cho tôi hiểu ông nể vợ: ai muốn ngồi cạnh ông là phải lau thật sạch son phấn. Ông giải thích ngắn gọn: “Sợ bà ấy buồn”. Chỉ khi chị Minh mất, mới thấy ông thương vợ thế nào, khi Lối cũ ta về bất ngờ ra đời, thấm đẫm kỷ niệm ngày xưa ở Nghi Tàm với niềm thương tiếc khôn nguôi”.

Nhạc sĩ dù yêu nhiều hay chung tình thì cũng đều cho ra những tác phẩm. Chỉ có cái kiểu sáng tác “rượu vào nhạc ra” giai đoạn sau này của Thanh Tùng xem ra không bền. Số lượng và cả... thời lượng tác phẩm cứ thưa vắng dần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG