NSND Lê Tiến Thọ: Trăn trở sân khấu Việt Nam

NSND Lê Tiến Thọ: Trăn trở sân khấu Việt Nam
TPO - “Điện ảnh, âm nhạc, truyền hình đều mượn người của sân khấu và các chương trình đó thu hút sự quan tâm của công chúng mà sân khấu không làm được?, NSND Lê Tiến Thọ trăn trở.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Sân khấu Thế giới - ngày 27/3 và 9 năm sân khấu VN chính thức trở thành thành viên của ITI (Hiệp Hội Sân khấu Quốc tế), Hội NSSK VN đã lên kế hoạch cho chương trình nghệ thuật đặc biệt được diễn ra vào tối 27/3/2013 tới tại Rạp Xiếc Trung ương, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ, hiện là Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam về những vấn đề liên quan tới đêm nghệ thuật này.

Thưa ông, khi nói tới sân khấu người ta thường lấy sự náo nhiệt và không khí xếp hàng, hết vé của sân khấu kịch Sài Gòn ra so sánh với không khí thờ ơ, lãnh đạm của khán giả đối với sân khấu kịch Hà Nội, ông có ý kiến gì về điều này?

Hai năm trở lại đây, bên cạnh sự hoạt náo của hài kịch tại sân khấu NH Tuổi trẻ thì những vở chính kịch, kịch tâm lý ở một số NH như NH Kịch Tuổi trẻ, NH Kịch Hà Nội, NH Chèo Việt Nam, NH Cải lương Hà Nội, NH Chèo Hà Nội… cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm của khán giả thủ đô. Song tôi cho rằng, công tác quảng bá đã được chú trọng nhưng chưa thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đồng thời, việc đầu tư kêu gọi những tác phẩm mới có nội dung phản ánh những vấn đề kịch tính, nóng bỏng của đời sống hiện nay chưa được mạnh. Để so sánh với những vở kịch đáp ứng đúng thị hiếu khán giả với nội dung phong phú, được đầu tư về dàn dựng, về lực lượng diễn viên, thậm chí là việc mời các ngôi sao nổi tiếng ở các lĩnh vực khác vào diễn xuất để tăng sức hút như sân khấu kịch phía Nam thì Hà Nội chưa làm được.

Với trách nhiệm là Hội nghề nghiệp, không rõ Hội NSSK VN sẽ có kế hoạch gì để khuấy động không khí sân khấu phía Bắc, giúp công chúng không bị thiệt thòi khi mất đi một món ăn tinh thần mà đáng ra họ được hưởng?

Năm 2013, bên cạnh việc kêu gọi, đầu tư cho việc sáng tác kịch bản, đặc biệt là các đề tài về đời sống hôm nay với sự quan sát, cảm nhận và thể hiện của các tác giả trẻ thì chúng tôi cũng lên kế hoạch xin đầu tư tài chính để kết hợp với các nhà hát cho việc dàn dựng những tác phẩm xuất sắc. Đây là một nỗ lực của chúng tôi trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Để khuyến khích và động viên anh chị em nghệ sĩ đam mê và cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà hơn nữa, chúng tôi cũng đầu tư tổ chức các Liên hoan như: Liên hoan Tài năng trẻ, Liên hoan dành cho các đạo diễn trẻ, Liên hoan về các loại hình sân khấu kịch truyền thống như: Chèo, Tuồng, ca kịch, ca kịch Dù Kê Khmer…

Nếu như trước đây một số liên hoan kịch toàn quốc được công chúng và báo chí quan tâm rầm rộ thì dường như năm vừa qua lại có nhiều ý kiến trái chiều. Đã bao giờ ông có ý nghĩ sẽ tổ chức một đêm trao giải cho sân khấu như đêm trao giải Cánh diều Vàng hay Liên hoan phim Quốc tế…?

Mỗi thời điểm và mỗi loại hình nghệ thuật đều có đặc thù và dành được sự quan tâm nhất định của công chúng. Chúng tôi cũng hiểu những vấn đề còn hạn chế của sân khấu kịch và nỗ lực mang tới một không khí mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Điện ảnh, truyền hình, thậm chí cả âm nhạc đều “mượn” người của sân khấu và họ cho ra mắt những chương trình khiến khán giả yêu thích, quan tâm mà tại sao sân khấu lại không làm được? Đây là câu hỏi khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Chính bởi vậy, trước mắt để thỏa mãn niềm đam mê của anh chị em nghệ sĩ cũng như để tôn vinh t'hánh đường' của những nghệ sĩ sân khấu vào ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Sân khấu Thế giới đồng thời kỷ niệm 9 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Sân khấu Quốc tế, tạo tiền đề cho việc đăng cai tổ chức ngày này vào năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Đêm đó sẽ có những nghi thức long trọng mang đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam như: Phần lễ với nghi thức đón tiếp khán giả bằng trống hội của Tuồng, rối cao, rối dây của Múa rối, màn mời trầu của các thiếu nữ với áo tứ thân của Chèo…

Tiết mục đặc biệt của Liên đoàn Xiếc với tựa đề: “Làng tôi”, một tiết mục được khán giả châu Âu và thế giới yêu thích suốt 4 năm vừa qua sẽ được chọn để khai màn trước khi phần lễ giới thiệu về đêm diễn và câu khẩu hiệu của ngày Sân khấu TG năm nay được công bố.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Viết
MỚI - NÓNG