Những cái chết ‘không giống ai’ trong sử Việt

Những cái chết ‘không giống ai’ trong sử Việt
Có những cái chết “chẳng giống ai” được ghi nhận trong các triều đại Việt Nam, ví như Đoàn Thượng thời Trần đầu gần lìa cổ vẫn tế ngựa phi ầm ầm...

Những cái chết ‘không giống ai’ trong sử Việt

> Chuyện lạ về người giàu nhất VN thế kỷ XX

Có những cái chết “chẳng giống ai” được ghi nhận trong các triều đại Việt Nam, ví như Đoàn Thượng thời Trần đầu gần lìa cổ vẫn tế ngựa phi ầm ầm...

Trong sử Việt, từ vua chúa cho tới những bậc công khanh, dù quyền cao tột bậc đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng không thoát khỏi cái quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của đời. Rặt cái sự về nơi cửu tuyền thiên hình vạn trạng, thì hoặc là tuổi cao mà mất, hoặc là bệnh mà đi, hoặc phải tội mà chết… Đó là cái lẽ thường tình. Nhưng, cũng có những cái chết chẳng giống ai được ghi nhận ở các triều đại. Dưới đây là đơn cử một số cái chết lạ thường ấy:

Quả dưa hấu giải nước, bước sang nơi cửu tuyền

Nhà Lê Trung hưng được lập lại năm Quý Tỵ (1533) với vị vua đầu tiên là Lê Trang Tông Lê Ninh. Nhưng, công đầu trong việc khôi phục triều đại lại thuộc về một vị khai quốc công thần họ Nguyễn, ông là An Thành hầu Nguyễn Kim, người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa, nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Còn nhớ, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của Lê Cung Hoàng năm Đinh Hợi (1527), dứt nhà Lê sơ mà lập nên triều Mạc (1527 - 1592), nhân gian khắp nơi xáo xác, công thần dù hoài Lê mà chưa đủ sức đứng ra cự lại được, thì Nguyễn Kim đã sai người dò tìm được Lê Ninh, là con của vua Lê Chiêu Tông, cháu xa đời của Lê Thánh Tông, đón sang Ai Lao (nước Lào) để đưa lên ngôi vua. Việc này, được Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại:

“Trước kia, khi Đăng Dung thí nghịch và tiếm ngôi, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Kim – người dẫn) lánh nạn sang ở tại châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy cho cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy”. Vua Trang Tông nhớ ơn ấy, phong cho vị tướng quân họ Nguyễn làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự để phò giúp diệt Mạc, lấy lại nước.

Nhưng, công nghiệp “phò Lê, diệt Mạc” chưa thành thì thân đã bị lụy. Theo Đại Nam thực lục cho biết: “Ngày Tân Tỵ, tháng 5, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông bị hàng tướng Mạc (tên Trung) đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. (Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ). Vua Lê thương tiếc mãi, tặng tước Chiêu huân tĩnh công, dùng lễ hậu đem táng ở núi Thiên Tôn (thuộc huyện Tống Sơn). Tương truyền huyệt đào trúng hàm rồng, khi đặt quan tài xuống thì cửa huyệt ngậm lại, bỗng trời đổ mưa, gió sấm sét, mọi người sợ chạy. Đến lúc tạnh trở lại tìm thì đá núi liên tiếp, cỏ cây xanh tốt, không nhận được là táng nơi nào nữa. Đến nay có việc (cúng tế) thì chỉ trông núi tế vọng thôi”.

Còn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tên hàng tước ấy chính là Dương Chấp Nhất: “Bấy giờ đại quân tiến đóng Yên Mô (thuộc Ninh Bình – người dẫn), hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đón mời Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đến chơi quân doanh của hắn. Nhân đương nắng nóng, Chấp Nhất mời Triệu Tổ ăn dưa; trúng độc, khi trở về quân doanh, Triệu Tổ thấy người bải hoải khó chịu, rồi mất”. Vậy là xông pha hòn tên, mũi đạn, trải qua bao phen giáo gãy, gươm rơi không chết, vì quả dưa hấu có độc, vị khai quốc công thần nhà Lê Trung hưng phải bỏ mình bởi hèn kế của kẻ thù.

Biết trước ngày chết của bản thân

Việc ấy xảy ra với trường hợp của vị vua đầu tiên nhà Trần: Trần Thái Tông. Vốn nhà Trần có lệ đặt Thái thượng hoàng để giúp cho vua trẻ vững vàng trong việc trị nước. Vua Trần Thái Tông sau khi mở đầu triều đại năm Ất Dậu (1225), đến năm Mậu Ngọ (1258), vua truyền ngôi cho Thái tử Trần Hoảng (tức vua Trần Thánh Tông) để lên làm Thái thượng hoàng.

 Lăng vua Trần Thái Tông ở Hòa Bình
Lăng vua Trần Thái Tông ở Hòa Bình.
 

Sống ở trên đời, công nghiệp của vua Trần Thái Tông cũng lớn lắm. Nào lập nên nhà Trần, mở đầu khoa cử triều đại năm Nhâm Thìn (1232), đánh tan giặc Mông Cổ lần thứ nhất… Công nghiệp ấy, chắc vua cũng không thể đoán trước được, cứ theo lẽ trị nước mà làm. Ấy nhưng, đến cuối đời trước khi về miền cực lạc, vị Thái thượng hoàng Trần Thái Tông lại đoán biết trước được cả ngày chết của bản thân trước đó không lâu, việc ấy được Việt sử tiêu án ghi tỏ tường:

“Thái Tôn đến nhà ngự, hốt nhiên thấy con rết leo lên áo, lấy tay gạt xuống đất, có tiếng kêu, trông ra là cái đinh sắt, nhân thế mới xem bói, nói rằng: Đó là điềm về năm Đinh. Lại đùa bảo Mặc Lão xem cho biết tốt hay xấu, Mặc Lão nói:

- Thấy có một cái rương vuông, bốn bên đều có chữ Nguyệt, trên rương có một cái kim, cái lược.

Vua Thái Tôn giải nghĩa rằng: Rương là gỗ vuông, bốn bên đều có chữ nguyệt là bốn tháng. Cái kim có thể đâm vào vật gì, đó là đinh vào nằm trong gỗ, chữ sơ là cái lược đồng âm chữ sơ là xa nghĩa là xa nhau. Đương khi nói Vua đùa, có câu: Chóng đến mồng một sẽ có thay phiên. Vua xem quẻ nói rằng: “Đó là ngày mùng Một sẽ chết. Đến khi ấy quẻ đúng lời xem bói”.

Quả nhiên đúng như lời suy đoán của vị Thượng hoàng, ngày mùng Một tháng tư năm Đinh Sửu (1277), Thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà.

Ham ăn chỉ một đĩa lòng. Hồn bay phách lạc tuyệt dòng vua Đinh

Đó là nói về trường hợp cái chết của cha con vua Đinh Tiên Hoàng. Trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn”. Việc ấy nhằm năm Kỷ Mão (979). Theo Việt sử diễn âm, chính là nhằm ngày Tết thượng nguyên:

Tiết vừa chính nguyệt thượng nguyên,

Vua cùng Thái tử mở đêm chơi bời.

Tiệc thôi say rượu nằm ngơi,

Trùng môn để vắng chẳng ai giữ cầm.

Xẩy có gian thần bạn tâm,

Tên là Đỗ Thích ở cùng chân tay.

Vua cùng Thái tử cơn say,

Đỗ Thích giết cả hòa hai chẳng vì.

Ngoài dữ liệu được nói đến ở trên, tại đất Hoa Lư, sự tuyệt mệnh của cha con Đinh Tiên Hoàng được biết đến với một lý do hết sức đặc biệt. Hiện nay, cứ nhằm ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi làm cỗ tam sinh, trâu, bò, dê, lợn lục giết mổ để làm lễ cúng, lục phủ ngũ tạng đều phải bỏ đi không được giữ lại làm cỗ dâng vua. Điều này có căn nguyên của nó chứ chẳng phải ngẫu nhiên. Bởi theo dân gian, tục kỵ này nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại chết vua Đinh.

Theo dã sử và giai thoại ở Hoa Lư, trước đây Đỗ Thích vốn thân phận hèn kén, nhưng trong thời loạn thập nhị sứ quân, hắn có công cứu vua thoát nạn trong một trận đánh nên sau khi nên ngôi, nhớ cái ơn cứu mạng ấy, Đinh Tiên Hoàng đã cho Đỗ Thích làm Chi hậu nội nhân lo việc phục vụ ăn nghỉ của vua.

 Đền vua Đinh ở Hoa Lư
Đền vua Đinh ở Hoa Lư.
 

Lo việc phục vụ cho vua, Đỗ Thích biết tất cả những thói quen ăn uống, tính cách của đấng quân vương. Trong việc ngự lãm, hắn biết Đinh Tiên Hoàng ngay từ thời còn chăn trâu với chúng bạn, đã từng được mẹ làm thịt lợn khao lũ mục đồng. Ngay từ dạo ấy Đinh Tiên Hoàng đã thích ăn lòng lợn. Nhân có đêm mơ thấy sao sa vào miệng, tưởng sắp được làm vua, nên khi cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến, trong tiệc ngự thiện đêm tháng 10, Đỗ Thích liền tẩm độc vào đĩa lòng lợn đã chuẩn bị sẵn. Đúng món khoái khẩu, cha con họ Đinh ăn xong trúng độc mà mất. Chính vì đĩa lòng lợn tẩm thuốc độc của Đỗ Thích, cha con Định Tiên Hoàng tuyệt mệnh, còn nhà Đinh cũng tuyệt dòng đế vương mãi mãi. Sự thể đau đớn đó dẫn tới việc tục kỵ không dùng bộ lòng dâng cúng trong lễ giỗ vua Đinh.

Đầu gần lìa cổ vẫn chưa đi? Hỏi thần, hỏi phật sống làm chi?

Cuối thời nhà Lý, đầu thời nhà Trần, khắp nơi loạn lạc bởi sự chuyển giao triều đại. Lúc ấy, Đoàn Thượng người làng Hồng Thị, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, thời vua Lý Huệ Tôn, phụng mệnh trấn thủ ở Hồng Châu. Tương truyền, ông có sức khỏe hơn người, gân xương như sắt, mỗi khi lâm trận, chỉ một đao một ngựa xông vào đám trăm nghìn người, tung hoành khắp nơi.

Khi nhà Trần mới được lập, thế lực của Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng rất mạnh: “Nguyễn Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm cứ vùng châu Hồng” (trích Đại Việt sử ký tiền biên). Để chế ngự hai thế lực này, cũng sách trên cho biết: “phong cho Nộn làm Hoài Đạo vương, chia cho các huyện Đông Ngàn ở Bắc Giang thượng hạ. Cũng ước phong vương cho Thượng, định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến”.

Trước tình thế ấy, Thái sư Trần Thủ Độ năm lần bảy lượt đem quân đến đánh nhưng không phá nổi, mới lập mẹo sai người đến giảng hòa, mà kỳ thực thì sai Nguyễn Nộn đem quân đánh tập công mặt sau, làm cho Đoàn Thượng sức địch muôn người cũng mắc mưu mà bỏ mạng. Như trong Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính còn ghi:

“Đoàn Thượng chắc đã giảng hòa rồi, phòng bị không được cẩn thận như trước, sực nghe tin Nguyễn Nộn đến đánh, mới kéo quân ra cự địch. Đôi bên đánh nhau đang hăng, thì Thủ Độ lại cầm đại quân từ đường Văn Giang đánh đến mé trước. Quân nhà Trần hai mặt đánh dồn vào một, quân của Đoàn Thượng kinh hãi chạy tán lạc mất cả. Đoàn Thượng vội vàng quay ngựa về đánh mặt tiền quân, không ngờ bị một viên tướng nhà Trần, từ mé sau sấn lên chém một nhát vào cổ gần đứt, Đoàn Thượng ngoảnh lại, thì tướng kia sợ hãi mà chạy mất. Đoàn Thượng mới cởi dây lưng ra buộc vào cổ cho khỏi rơi đầu, rồi hầm hầm tế ngựa chạy về phía Đông. Chạy đến đâu, quân nhà Trần phải dãn đường cho chạy, chứ không dám đánh.

Khi chạy đến làng An Nhân, có một cụ già áo mũ chững chạc, chắp tay đứng bên đường nói rằng:

- Tướng quân trung dũng lắm, Thượng đế đã kén ngài làm thần xứ này rồi đây! Có một cái gò bên làng cạnh kia, đó là đất hương quả của tướng quân, xin tướng quân để lòng cho.

Đoàn Thượng vâng một tiếng, rồi đến chỗ gò ấy, xuống ngựa gối đầu vào ngọn mác mà nằm, một lát thì mất, mối đùn đất lên lấp thành mồ ngay. Dân làng thấy vậy, lập miếu tô tượng để thờ”.

Cái chết của Đoàn Thượng, theo chính sử cho hay là nhằm tháng 12 năm Mậu Tý (1228).

Theo Trần Đình Ba
Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh hưởng thần kinh, đột quỵ, ung thư vì ô nhiễm không khí
TPO - Ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hạn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Bằng chứng mới nổi cũng cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và sự phát triển thần kinh ở trẻ em.