Chiếc thang tre Bác Hồ

Chiếc thang tre Bác Hồ

Chiếc thang tre Bác Hồ
TP - Đó chiếc thang tre Bác Hồ dùng ở Lán Khuổi Nặm (Pác Bó - Cao Bằng) từ năm 1941 (tức là đã được 71 năm). Chiếc thang đơn sơ nhưng thật vĩ đại.

> Những chiến thuật kinh điển của QĐND Việt Nam (P2)
> Tư lệnh Cảnh vệ báo công Bác tại Pác Bó

Đại bản doanh của Bác Hồ ở Pác Bó

Lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về nước, lập căn cứ địa cách mạng tại Pác Bó từ năm 1941 đến năm 1945. Trong khoảng thời gian 5 năm ấy Người không chỉ ở Pác Bó mà còn xuống căn cứ địa Lam Sơn (Hòa An - năm 1942); Sang Trung Quốc (năm 1942, 1943).

Thời gian Người ở Pác Bó lâu nhất là hơn một năm (từ tháng 1-1941 đến tháng 3-1942). Trong thời gian đó theo sử sách thì Người chỉ ở hang Cốc Bó và hang Lũng Lạn hơn một tháng. Vậy còn hơn một năm Người sống và làm việc ở đâu?

Kể cũng lạ! Hơn một năm sống ở Pác Bó, Bác Hồ chỉ “ghi lại” có 2 bài thơ (Bài Pác Bó hùng vĩ và bài Tức cảnh Pác Bó). “Một người viết nhiều và hay làm thơ như Bác Hồ, sao chỉ “để lại”có vậy?” .

Nghĩ thế tôi lọ mọ đi tìm kiếm và thật may mắn, tôi “sưu tầm” thêm được 2 bài thơ nữa của Bác (bài Cảnh rừng Pác Bó và bài Tức cảnh hang Lũng Lạn).

Đặc biệt tôi tìm được một bài viết dài của Bác mà đoạn trích dưới đây chỉ rõ hơn một năm ở Pác Bó, Bác đặt đại bản doanh ở đâu: “Lần này dời vào một cái suối. Hai bên là núi cao, lội suối một đoạn khá xa thì có một cái thác cao độ ba thước, nước từ trên ào ào chảy xuống như một tấm lụa trắng. Lội suối một đoạn nữa, lại có một cái thác cũng cao như vậy. Đi qua ba đoạn suối và trèo lên ba cái thác thì chúng tôi đóng “đại bản doanh”.

Bắc tre từ bờ này đến bờ kia suối như một nhịp cầu, rồi làm lán trên cầu, dưới lán, nước chảy róc rách như tiếng ru con”. (Hồ Chí Minh - Chuyện kể dọc đường Cách mạng - Trang 492).

Con suối đó là Khuổi Nặm. Xin nói ngay một điều ít ai biết là trên Khuổi Nặm có tới 3 chiếc lán, chứ không phải chỉ có 1 (chiếc lán ở cửa rừng, nơi họp hội nghị Trung ương 8 là lán 1).

Bác Hồ ở lán 3, trên cùng, chỉ cách mốc 109 vài bước chân. Rõ ràng, khu di tích Pác Bó đã “bỏ quên” “đại bản doanh” của Bác Hồ. Cần sớm khôi phục, tôn tạo lại (Bài này không bàn tới chuyện đó).

Không chỉ có duy nhất một tài liệu nói tới lán Bác Hồ ở như đã dẫn mà còn có rất nhiều hồi ký nói tới lán Bác Hồ của các đồng chí Lê Quảng Ba, Dương Đại Long, Dương Đại Lâm, Nông Thị Trưng... Đây là một đoạn trong hồi ký Những ngày sống gần Bác của Nông Thị Trưng, cháu gái nuôi của Bác Hồ ở Pác Bó.

“Đi ngược con suối nước chảy khá mạnh, thỉnh thoảng lại có những mô đá cao, đi rất chật vật mới trèo qua được hai mô đá cao, đến cái thứ ba, cao gần như thác, tôi nhìn thấy khá cao và rùng rợn. Lúc này anh Đại Lâm ra hiệu bằng tiếng còi, tôi nhìn lên thấy đồng chí Vũ Anh đưa cái thang xuống (H.Q.U nhấn mạnh), anh Đại Lâm và tôi cùng leo lên hết thang thấy một cái lán nhỏ dựng trên suối nước. Vừa bước chân đến cửa lán, tôi chợt thấy một ông cụ mặc bộ quần áo Nùng màu chàm phai. Thoáng nhìn tôi thấy ông cụ có vầng trán cao, có chòm râu dài, trông rất quắc thước, đang ngồi xem sách” (trang 31, 32).

Đi tìm chiếc thang tre

Thang tre Bác Hồ ở Lán Khuổi Nặm 1941
Thang tre Bác Hồ ở Lán Khuổi Nặm 1941.
 

Điều tôi đặc biệt lưu ý trong hồi ký của bà Nông Thị Trưng là chiếc thang tre bắc lên lán 3 (lán Bác Hồ ở).

Là dân miền núi, nhưng tôi không thể tưởng tượng ra chiếc thang tre đặc biệt này, tôi đem điều đó “phàn nàn” với nhà nghiên cứu Vương Hùng, người thầy, người anh, người bạn của tôi, một thời là Phó Ty Văn hóa Cao Bằng. Ông Vương Hùng bảo: “Trong Bảo tàng Cao Bằng có lưu giữ chiếc thang tre của Bác Hồ ở lán Khuổi Nặm từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, sau đó Bảo tàng Việt Bắc lên lấy về Thái Nguyên cùng 2 chiếc trống đồng to”.

Thông tin của ông Vương Hùng làm tôi thật sự phấn khích. Tôi xuống ngay Thái Nguyên tìm. Bạn bè Thái Nguyên mách nên về Hà Nội tìm ở chỗ anh Chu Đức Tính.

Tôi xuống Bảo tàng Hồ Chí Minh, xin vào “tìm chiếc thang” ở kho tư liệu nhưng việc không thành. Quay ngược trở lại Thái Nguyên, tôi cậy nhờ chị Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng anh Hưng làm ở phòng di sản, giúp lần tìm “manh mối”. Một tuần sau anh Hưng điện bảo “Cái thang ấy trả về Cao Bằng lâu rồi!”.

Tôi lại trở về Cao Bằng, bắt đầu lại từ điểm xuất phát, hỏi bảo tàng Cao Bằng, hỏi khu di tích Pác Bó... Chẳng ai biết chiếc thang tre từ thời “xa xưa” cả. Đột nhiên giữa tháng 8-2012, anh Phùng Chí Kiên, Giám đốc Bảo tàng Cao Bằng điện thoại bảo tôi “thấy rồi, thấy rồi!”.

Tôi lao vội đến chỗ anh Kiên, anh liền dẫn tôi vào một căn nhà xây 2 tầng, chỉ tay lên phía trên cầu thang: “Thang ở trên đầu chúng ta”.

Tôi ngước nhìn, thấy một chiếc thang tre cũ kỹ gác áp vào trần nhà. Phùng Chí Kiên cho người đem cái thang xuống, đưa ra sân rộng của bảo tàng, gác lên gốc cây để tôi chụp ảnh.

Đó là một chiếc thang được làm bằng một cây tre gai bổ đôi, dài 3,3m, đầu dưới rộng 45 cm; đầu trên rộng 29cm, có 8 bậc. Phùng Chí Kiên khẳng định: “Đây là chiếc thang tre Bác Hồ dùng ở lán Khuổi Nặm năm 1941”.

Đầu tháng 11-2012, trong buổi tiếp đoàn học giả Trung Quốc do giáo sư Hoàng Tranh dẫn đầu lên khảo cứu Pác Bó, ông Đinh Ngọc Hải, nguyên Giám đốc khu di tích Pác Bó thêm một lần khẳng định với tôi: “Cái thang tre ấy do tôi xuống Thái Nguyên lấy về. Hồ sơ có ghi rõ: Thang tre Bác Hồ dùng ở Khuổi Nặm!”.

Vàng đấy, chẳng phải thau đâu...

Nơi từng là đại bản doanh của Bác Hồ tại Pác Bó
Nơi từng là đại bản doanh của Bác Hồ tại Pác Bó .
 

Hóa ra, việc “truy tìm” chiếc thang tre Bác Hồ lại đơn giản và ngẫu nhiên đến thế, chứ chẳng có gì là ly kỳ, lắt léo. Đó chỉ là sự may mắn! Ấy là việc thứ nhất, coi như xong, nhưng việc tiếp theo sau khi “phát hiện lại” thì sẽ làm gì với hiện vật quí đó?

Chẳng làm gì cả! Chiếc thang tre ấy vẫn nằm khuất vì những người có trách nhiệm chưa có thời gian xác minh và thẩm định lại, và dù có xác minh lại thì chưa biết đem trưng bày như thế nào? Giới thiệu ra làm sao? Thật không đơn giản!

Riêng tôi, tôi nghĩ chiếc thang tre đó là hiện vật rất quí, cần có chế độ bảo quản thật tốt chứ không thể để như bây giờ.

Tháng 11-2012, tôi cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim tài liệu về Pác Bó, quay nhiều hình ảnh về chiếc thang tre và lên ghi hình tại nơi ngày xưa Bác Hồ đặt đại bản doanh trên dòng Khuổi Nặm. Bộ phim được giới thiệu trên sóng VTV.

Còn bây giờ, tôi mơ một ngày sẽ được trèo lên chiếc thang tre, như các ông Dương Đại Lâm, bà Nông Thị Trưng đã từng trèo lên gặp Bác Hồ.

Thành phố Cao Bằng tháng 12-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG