Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn
TP - Phạm Ngọc Tiến khởi đầu văn chương bằng một loạt những giải thưởng. Ở bên trong con người lúc nào cũng ồn ã, nôn nóng, nồng nhiệt và chân thật đến thái quá, chất thợ, chất lính lấn át hết cả mọi ứng xử tạo nên cái dễ gần suồng sã...

> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh
> 'Hai phía chân trời': Phim Việt, quay ở châu Âu

Trong câu chuyện phiếm, về một anh chàng nào đó có bố ra chơi mà xấu hổ vì bố nhếch nhác nhà quê quá, Tiến ta văng một câu gần tục rồi bảo tôi: “Chỉ có kẻ bất chính mới không dám nhắc đến nguồn gốc của mình”.

Rồi anh đả thêm: “Thằng chó!”. Tôi kê câu cũ mèm: “Không được xúc phạm chó!”. Tiến “nhất trí” liền, rồi bổ thêm câu: “Bố mày tự hào vì là thợ điện đây”.

Gặp nhau hằng ngày, đọc nhau cũng hằng ngày, nhiều khi tranh cãi một chuyện gì đó trở nên chán phè nhau, Tiến bảo tôi: “ghét lão già, không thèm chơi với lão nữa!”.

Có bận to tiếng lôi đình đã toan “ly dị” nhau, nhưng cũng chỉ đủ ba bẩy hai mốt ngày, tôi bụng bảo dạ, thằng này đúng là “Đồ lính tẩy”- “Quân thợ thuyền”. Nghĩ vậy nhưng cũng chỉ vài ba bữa là tôi mon men tìm đến “em Linh” để bắn tin làm lành.

“Em Linh” chính là nhà văn Trần Thùy Linh, tác giả nổi tiếng từ truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi” là “em gái” tụi tôi thật chứ không đùa. Tôi vừa đến “em Linh” đã phang luôn: “Các ông biến đi! Ngày nào cũng nhậu nhau chưa đủ à”.

Tôi nghĩ ngay, có khi “thằng này” mách lẻo em Linh, nên nó mới đánh phủ đầu mình thế, liền ra chiêu: “Anh anh em em”, nói xấu đồng bọn khi vắng mặt. Nói xấu chán rồi, tôi bảo từ nay anh sẽ không nhậu nhẹt gì với thằng nhà văn “giả cầy” này nữa, nhưng em đừng nói gì, để đấy rồi anh bỏ từ từ”. Chiến thuật “bỏ từ từ” thế mà hiệu nghiệm.

“Em Linh” cả tin, nghe tôi phịa ra chuyện “Thằng Tiến vừa đi khám về, hình như vợ nó bảo hỏng toi cả món thần kinh tim với lại gan mật có vấn đề rồi. Tiến ta sợ hết hồn, khóc hu hu”, thế mà “em Linh” cả tin, nguôi cơn thịnh nộ với tôi, tức tốc bắt tôi đòi đi tìm Tiến xem thế nào.

Tôi rủ Bảo Ninh và Quốc Trọng cùng đi. Chưa kịp đi “em Linh” đã gọi điện thoại cho Tiến. Tiến nghe “em Linh” nói thế nào, cảm động gọi điện thoại cho tôi với giọng khá xuống nước.

Thế là huề.

Nghĩ đi, nghĩ lại, chẳng có gì đáng gì, nói qua nói lại chẳng đâu vào đâu mà sinh sự, đôi khi cũng biết, chỉ vì ba cái chén nhố nhăng. Không có nó thì buồn mà có nó quả cũng phiền tâm thật.

Một tháng đôi lần Tiến lại rủ tôi: “Sang bên điện” chơi. Tiến có nhiều bạn thân ở cơ quan Truyền tải Điện. Lại thỉnh thoảng bảo “Đi chơi với mấy thằng bạn lính”. Bạn thợ bạn lính của Tiến nhiều hơn bạn văn, nhóm nào cũng mạnh mẽ ồn ào, mày tao mắng mỏ nhau như thuở hàn vi. Họ hiện lên trong tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến như là chính bản thân Tiến tự thể hiện mình. Không trang văn nào của Phạm Ngọc Tiến thiếu vắng bóng dáng của hai nhóm bạn đời của y.

Thỉnh thoảng tôi lại được Tiến giới thiệu một người bạn theo cái cách rất riêng của mình: “Thằng này là thằng Bình ních trong “Tàn đen đốm đỏ” đấy” - “ Đây là thằng Cường Choắt”. Tôi thấy các bạn Tiến rất thoải mái, rất tự nhiên khi thấy Tiến đưa tên “cúng cơm” của mình vào trang sách. Họ động viên Tiến viết không phải theo kiểu khen chê như cánh nhà văn nhà thơ với nhau. Họ sẵn sàng sổ toẹt cả những chuyện “có thật một trăm phần trăm”, nếu anh viết không thật, không hấp dẫn.

Nhưng cũng lại chính họ chấp nhận thoải mái những tính cách, những thói xấu, những chi tiết trong các truyện ngắn, và đặc biệt trong tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ”, họ coi đó là cuốn sách về họ, đã đành, mà đây là cuốn sách của họ. Phạm Ngọc Tiến chẳng qua chỉ là người “Có tài văn vẻ một chút”, được vinh dự tự hào chép lại, vậy thôi.

Tiến béo - biệt danh của Tiến trong hai nhóm bạn này, đối với họ mãi mãi vẫn chỉ là Tiến béo: Thân mật, bỗ bã và hay dỗi vặt, thế thôi. Ngồi với Tiến, họ không bao giờ tính đến chuyện gọi Tiến là nhà văn, nghe sao nó cứ xa lạ, kỳ cục thế nào. Có lần anh Thuỷ bên điện bảo tôi thế này: Nhà văn người ta phải khác chứ, sao lại như nó được? Ít nhất cũng phải được như bác, xem ra còn có mẽ chứ thằng Tiến –béo nhố nhố nhăng nhăng, văn veo gì.

Tôi thấy ý anh Thủy thật hay và tôi có cớ vênh vang với Tiến: “Mày nghe chưa? Mày thấy anh em người ta tinh không? Ít nhất là đánh giá tao có vẻ nhà văn hơn mày, hiểu chưa?”. Rồi tôi ra vẻ khiêm tốn hỏi anh Thủy, thế anh thấy thằng Tiến khác nhà văn là khác thế nào, thì anh chịu. “Bụt chùa nhà không thiêng”, tôi đùa.

“Không phải không thiêng, mà nếu thiêng thì mất toi thằng bạn, bởi vậy mới không cho nó thiêng làm gì”. Anh Lít gù, bạn thân của Phạm Ngọc Tiến bây giờ là tay thợ mổ lợn nói xen vào thế.

Phạm Ngọc Tiến khởi đầu văn chương bằng một loạt những giải thưởng. Ở bên trong con người lúc nào cũng ồn ã, nôn nóng, nồng nhiệt và chân thật đến thái quá, chất thợ, chất lính lấn át hết cả mọi ứng xử tạo nên cái dễ gần suồng sã và tin tưởng ấy, là một tâm hồn nhạy cảm, cả nghĩ, đa sầu mà chỉ đọc Tiến, chơi với Tiến tôi mới thấy. Văn Phạm Ngọc Tiến không màu mè ướt át, nhưng cũng không thô tháp vụng về.

Tiến viết như là tự giãi bày cái phần sâu kín bên trong con người mình, thành thử cái chất thợ, chất lính không còn là gam chủ lực. Hình ảnh người lính trở nên mềm mại tinh tế hơn cái anh lính có nguồn gốc thợ điện đời thường. Những trang văn trình làng đầu tiên của Tiến mà tôi được đọc trong truyện ngắn “Chạy trốn” chính là cái văn mạch ấy, cho đến nay vẫn không mấy đổi thay, dường như Tiến cũng không có ý định đổi thay, nhưng càng ngày càng sâu lắng điềm tĩnh hơn, nhất là ở những truyện ngắn và các bài tạp bút giàu chất nhân văn gần đây.

Các nhân vật đã tự họ vượt ra ngoài cuộc sống bươn chải, mà bóng dáng của hai tốp bạn, tức là bóng dáng của ký ức chiến tranh, ký ức về những năm gian khó của đất nước đã chỉ còn thấp thoáng, bù vào đó, những nhân vật mới của đời sống hôm nay, như anh hoạ sĩ và cô người mẫu, một thiên truyện không có gì độc đáo cả về ý tưởng và cốt truyện, nhưng người đọc được tấm lòng thành của tác giả đưa dẫn đến một thế giới tâm hồn mới mẻ và gần gũi, ấm áp và dịu dàng, nồng nhiệt và tinh tế, bình dị và thiêng liêng, chính những nhân vật mới của nhà văn đã tạo nên chân dung anh ta.

Phạm Ngọc Tiến, một nhà văn có những đóng góp đáng kể trong tiến trình văn học đương đại, nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết thời hậu chiến.

Ở đời, chẳng có gì toàn vẹn được lâu. Mấy năm trước, nhiều khi ngồi đánh chén “rượu vào lời ra”, lũ chúng tôi ý ới gọi nhau: Tôi, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, Trần Anh Thái, Quốc Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Thanh Sơn, vợ chồng Nhuệ Giang-Thanh Vân, Văn Sáng, Đỗ Phấn, đôi khi có Nguyễn Bình Phương, bây giờ tứ tán, cái biệt danh “láo Đỉnh già” do Tiến đặt cho tôi bây giờ quả có hiệu nghiệm.

“Em Linh” của cánh tôi nghe nói đã nghỉ hưu trước vài năm tuổi, trong khi đó “lão Đỉnh già” thì lại ngoan cố chưa chịu lui sân, nhường bãi. Lập thì vô tít trong Sài Gòn, nuôi một “con OEP” nổi tiếng, in thành sách bán chạy như “báo TPCN”, Phạm Ngọc Tiến nhiều năm nay tham gia nhóm từ thiện lên miền núi lo “Bữa ăn có thịt” cho mấy cháu học sinh tiểu học trung học.

Vui cũng thật là vui mà buồn cũng thật là buồn. “Nhà văn nhà veo” cánh tôi cũng chả có gì hay ho, quẩn quanh quanh quẩn với ba con chữ quèn, xét thấy cũng đã và đang theo đuôi cái sự nhuôm nhoam của cuộc sống vậy.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn ảnh 1

Văn Phạm Ngọc Tiến không màu mè ướt át, nhưng cũng không thô tháp vụng về. Tiến viết như là tự giãi bày cái phần sâu kín bên trong con người mình, thành thử cái chất thợ, chất lính không còn là gam chủ lực.

Biên tập kịch bản như làm thợ

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Chất thợ, chất lính, chất văn ảnh 2
 

Công việc mà Phạm Ngọc Tiến đang làm, ấy là biên tập viên ở Hãng phim truyền hình Việt Nam. Gặp Tiến ở đây người ta thấy Phạm Ngọc Tiến là một người khác. Cái con người lúc nào cũng tất bật vội vàng bỗng trở nên trầm ngâm, nghiêm trọng trước hàng núi bản thảo của cộng tác viên. Tiến cặm cụi tháo gỡ, thêm bớt, lắp ghép những kịch bản còn có thể nâng lên được. “Không khác gì một người thợ”, Tiến bảo tôi.

“Nhưng mà phải lành nghề”. Đúng thế. Nếu không lành nghề làm sao viết được một kịch bản thông minh, sắc sảo như kịch bản “Chuyện làng Nhô” nổi tiếng, lừng danh, cùng với chuỗi kịch bản về nông nghiệp nông thôn. Rồi phim thời bao cấp, thời “khoán Mười” đến “Đàn trời” v.v…

Dòng phim truyện chính luận của đài truyền hình Việt Nam được khởi sắc và phát triển mấy chục năm gần đây thì nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến là một trong những cây bút chủ lực xuất sắc. Đi với Tiến vào tận Cà Mau, lên tận Móng Cái, lúc nào Tiến cũng khoe kịch bản “chuyện Làng Nhô” và được người người xem phim hâm mộ.

Tôi không chỉ là “ăn theo” cái tài làm phim của Tiến và em Thùy Linh mà hay vinh dự tự hào ké, nghĩa là làm cùng nhóm, mang cùng tên khối bộ phim cũng hoành tráng, chiếu hàng tháng, bầu bạn khen chê tít mù, bạn xem truyền hình thỉnh thoảng có người gặp cũng “ố, á”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG